Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng giúp phát
triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị và
nâng cao thu nhập cho dân cư khu vực nông thôn, gắn với chương trình xây dựng
nông thôn mới để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong cơ chế thị trường
hiện nay.
Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển các sản phẩm nông nghiệp,
phi nông nghiệp và các dịch vụ mang tính lợi thế của địa phương mình, theo
chuỗi giá trị, gắn với các chủ thể như là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác
xã, tổ hợp tác và các hộ gia đình có đăng ký kinh doanh.
Chương trình quốc gia mỗi
cộng đồng một sản phẩm được khởi xướng lần đầu tiên tại tỉnh OTA – Nhật Bản từ
năm 1979 bằng việc khuyến khích mỗi làng lựa ra một sản phẩm đặc trưng nhất, nổi
trội nhất sau đó phát triển dần lên thành tiêu chuẩn quốc gia. Hiện nay, trên
thế giới đã có 143 quốc gia thực hiện chương trình OCOP.
Tại Việt Nam, từ
7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490 về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản
phẩm giai đoạn 2018-2020. Hiện 63 tỉnh thành trong cả nước đã triển khai chương
trình này.
Tại Đồng Nai, ngày 05/6/2019,
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1686 phê duyệt Chương trình Quốc gia mỗi xã
một sản phẩm giai đoạn 2019-2015 và tầm nhìn đến năm 2035. Đến nay đã có 71 sản
phẩm đạt được chứng nhận OCOP, với 30 chủ thể tham gia. Trong đó có 1 sản phẩm
có tiềm năng đạt 5 sao hiện đã được gửi Bộ NN&PTNT đánh giá, 29 sản phẩm đạt
4 sao, 41 sản phẩm đạt 3 sao. Trong đó, có 35 sản phẩm với 10 chủ thể là của chị
em phụ nữ. Dự kiến, trong thời gian tới sẽ có nhiều các chị em phụ nữ tiếp tục
tham gia chương trình.
Để khởi nghiệp thành
công với sản phẩm OCOP, theo bà Theo bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó Chi cục trưởng
Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, trước hết
cần có 2 yếu tố chủ thể và sản phẩm. Trong đó sản phẩm phải đáp ứng bộ tiêu chí
theo Quyết định 1048 ngày 21/8/2019 và Quyết định 781 ngày 8/6/2020. Trong đó tập
trung vào 3 nhóm nội dung chính về chất lượng sản phẩm, chứng nhận và công bố
chất lượng và về bao bì nhãn mác. Ngoài ra, việc xây dựng chuỗi liên kết bền vững
cho sản phẩm sẽ tạo bàn đạp vững chắc để đưa sản phẩm phát triển đi lên. Ngoài
các yếu tố về phát triển sản phẩm chất lượng thì ý chí, nghị lực cũng như tinh
thần học hỏi, đổi mới tư duy của chính các chủ thể cùng với sự hỗ trợ từ các
chính sách kịp thời của nhà nước là nhân tố quan trọng tạo nên thành công cho
các dự án khởi nghiệp bằng sản phẩm OCOP.
Hà Giang