Long Thành - Xã Bình Sơn : noi-dung-tin Long Thành - Xã Bình Sơn
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

 

Nội dung

 
Bác Hồ sống mãi trong tôi Cập nhật30-06-2017 09:06
Hoàng Hữu Kháng (Nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Cảnh vệ, Bộ Công an trực tiếp bảo vệ Bác Hồ từ năm 1945 đến 1951) kể


Chủ tịch Hồ Chí Minh câu cá khi rảnh rỗi ở chiến khu Việt Bắc (ảnh chụp năm 1950)Chủ tịch Hồ Chí Minh câu cá khi rảnh rỗi ở chiến khu Việt Bắc (ảnh chụp năm 1950)

 

Một ngày làm việc của Bác

Là người bảo vệ Bác, tôi thấy Bác có thói quen làm việc rất đúng giờ. Bác chủ động đặt ra thời gian làm việc và thi hành nghiêm túc không thay đổi giờ giấc sinh hoạt, kể cả mùa đông. Hàng ngày Bác dậy từ 5 giờ, 5 giờ 15 tập thể dục, 6 giờ ăn sáng, sau đó Bác bắt đầu làm việc, vì vậy người phục vụ Bác cũng rất dễ dàng.

Có một lần ở Việt Bắc, Bác đang ốm, đúng 7 giờ sáng Bác nói:

- Các chú chuẩn bị đưa Bác đi họp Hội đồng Chính phủ.

Tôi ngạc nhiên, vì thấy Bác đang ốm không dậy được. Thế nhưng Bác nói bằng mọi cách Bác phải đi họp. Chúng tôi đành phải chuẩn bị cáng đưa Bác đi. Khi đi Bác dự tính sẽ đi đường trong bao lâu để kịp giờ họp. Vì vậy Bác đến rất đúng giờ.

Bác làm việc suốt ngày, ngày thường cũng như chủ nhật. Sau mỗi bữa ăn, Người nghỉ một lát rồi làm việc ngay. Những việc mà Bác đã định trong kế hoạch đều giải quyết hết.

Buổi sáng Bác giải quyết những công văn giấy tờ hôm trước để đồng chí giao thông mang đi. Tiếp đó, Bác tranh thủ đọc các tác phẩm kinh điển. Khi giao thông về Bác xem công văn, xem xong ngồi viết, đánh máy, suy nghĩ để trả lời các nơi.

Phòng làm việc của Bác ở Việt Bắc có khi chỉ là chiếc chiếu trải xuống sàn nhà, những gì phải viết Bác để lên đùi. Bài viết nào dài Bác đánh máy. Vì vậy những bài viết dài thường có bản thảo đánh máy. Những lúc mỏi, Bác kéo võng nằm suy nghĩ rồi lại dậy đánh máy tiếp. Khi xong công việc Bác đọc báo. Báo đến nhiều, Bác xem rất nhanh, xem xong để ra bên cạnh, sau đó gấp lại cho người chuyển đi. Bác xem báo nhanh nhưng rất kỹ. Những mục cần đọc, Bác không bỏ qua.

Công việc xong mà chưa đến giờ ngủ Bác lại đọc sách, báo. Chủ nhật, ngày lễ cũng có chương trình. Vì vậy không mấy khi Bác có thời gian rảnh. Có những chủ nhật có người đến thăm, hỏi tôi tại sao các cậu không đưa Bác đi chơi, chúng tôi nghĩ: Bác làm việc gì đều đã có chương trình, chúng tôi đâu dám tự ý mời Bác đi.

Bác không muốn ai ngồi chơi không. Có những lần hết giờ gác, chúng tôi nằm tán chuyện với nhau. Lúc giải lao Bác đi thăm anh em. Một hôm Bác gặp chúng tôi đang nằm chơi, Bác nói:

- Các chú không có việc gì làm à? Nếu không có việc thì mang chiếc giường dỡ ra rồi lắp lại, nếu còn thì giờ nữa thì ra ngoài kia vật nhau hay tăng gia. ý Bác muốn nói là phải tìm việc mà làm, không nên ngồi tán gẫu...

Bác có nếp sống rất gọn gàng. Bác nói: Trong lúc kháng chiến, các chú phải luôn luôn gọn gàng, lúc có lệnh là đi ngay. Nghe lời Bác, chúng tôi mỗi người một ba lô, sẵn sàng khi có lệnh là đi.

Gọn gàng là thói quen của Bác nên phòng làm việc của Bác không bao giờ trang trí cầu kỳ; chỉ có một chiếc chiếu và một chiếc máy chữ. Bàn làm việc có một đèn dầu, một bút chì, một bút mực, một ít giấy và phong bì. Giấy tờ, sách, báo sau khi đọc và dùng xong Bác đều cho mang xuống văn phòng.

 

Khó khăn phải tìm cách khắc phục

Bác đã có kế hoạch đi đâu thì nhất định thực hiện bằng được. Có những lần vì phải đến chỗ không an toàn nên chúng tôi đã tìm cớ để không đưa Bác đi, nhưng Bác không chịu. Bác nói: Khó khăn cần phải tìm cách khắc phục. Những ngày ở Việt Bắc, ô tô không đi được vì đường đã phá để kháng chiến, không cho địch dùng đường của ta để đánh ta. Chúng tôi chuẩn bị ngựa cho Bác đi nhưng Bác nói: đi ngựa thì lộ mất, vì chỉ cán bộ cao cấp mới được đi ngựa. Vì vậy khi cần đi xa mấy ngày đường Bác cũng chỉ đi bộ.

Lúc đi bộ Bác cũng đeo ba lô và ăn mặc như người dân địa phương, chúng tôi cũng cải trang như Bác. Khi đi không bao giờ Bác tỏ ra mệt mỏi, chúng tôi không dám kêu ca mặc dù mệt. Có lần đi bộ mấy ngày mà chưa đến địa điểm, chúng tôi sốt ruột hỏi đường, Bác trả lời: Khắc đi, khắc đến. Những lúc mệt thấy chúng tôi không vui, Bác không hài lòng. Bác thường đem chuyện cổ tích ra kể. Đặc biệt Bác nhớ Chinh phụ ngâm và truyện Kiều. Bác nói: Các chú có thích đọc truyện không? Rồi Bác đọc trước, chúng tôi đọc theo, cứ như thế đi quên đường dài.

Hồi trước Cách mạng tháng Tám, ở Việt Bắc, chúng tôi đi giày kiểu đi rừng, khi về Hà Nội, ở 12 Ngô Quyền, sàn nhẵn hay bị ngã nên chúng tôi thay giày đế kếp. Kháng chiến trở lại chiến khu, đi về nông thôn giày này đi không hợp, lại hay bị ngã, chúng tôi phải bỏ giày đi chân không, nhưng vì đau chân, mặt mũi nhăn nhó. Bác nhắc chúng tôi phải tìm cách khắc phục không nên kêu ca nhiều.

Những lần từ Thái Nguyên đi họp Hội đồng Chính phủ sang tận Tuyên Quang, đường xa, để quên mệt Bác thường động viên chúng tôi kể chuyện. Đến chỗ nghỉ Bác bảo đem báo ra đọc. Đến "Suối đọc báo" (tên chúng tôi đặt cho con suối mà Bác cháu thường ngồi nghỉ), Bác nói:

- Trên đường đi các chú không vui, Bác thấy không nên thế. Các chú xem Bác có khác gì các chú, các chú kêu không giải quyết được gì mà lại làm ảnh hưởng đến người khác.

Bác không bao giờ kêu ca phàn nàn kể cả mùa nóng cũng như mùa lạnh. Mùa đông Bác cũng mặc như chúng tôi, một áo bông, một quần nâu. Đi đường Bác nghe thấy ai đó kêu trời, Bác nói ngay:

- Làm gì có trời mà kêu.

Và khi có tiếng anh em kêu chết rồi, Bác nói:

- Sao các chú kêu chết nhiều thế.

Năm 1948, ở xã Thắng Lợi, Bản Ca, Bắc Cạn bị địch tấn công phải về Khuôn Tát, thuộc xã Phú Đình, chân đèo De. Trời rét đậm, tôi và đồng chí Kỳ bàn nhau: Dự kiến phải đi hai ngày. Tính Bác khẩn trương, không muốn rề rà, vì vậy có lúc lội suối đến nứt chân, Bác vẫn đi. Đường đi lẽ ra đi hai ngày, Bác chỉ đi hơn một ngày. Nửa đêm đến nơi, Bác nói:

- Cố một chút đi đến nhà nghỉ tốt hơn, nghỉ dọc đường nhiều phiền hà.

Đến nơi mọi người đau chân nằm cả, riêng Bác vẫn đi đi lại lại xem mọi việc chuẩn bị đã tốt chưa.

Tôi được phục vụ Bác từ năm 1945. Trong thời gian ở gần Bác, tôi thấy ba lần Bác bị ốm nặng.

Hồi mới về xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự, tôi bị ốm Bác khuyên không nên nằm, nằm càng thêm ốm. Bác ngồi làm việc thấy tôi nằm, Bác bảo phải dậy.

ít lâu sau Bác bị ốm, có lúc Bác sốt run lên, nhưng không kêu, lúc sốt nặng quá Bác ngả lưng một tí, rồi gượng dậy đi đi lại lại chứ kiên quyết không nằm. Sau đợt ấy về Hà Nội, bác sĩ Tôn Thất Tùng chữa cho Bác. Sau đó Bác đỡ bị sốt hơn.

Trong lúc mệt Bác vẫn làm việc, nhất là những lúc phải tiếp bọn Tàu Tưởng đến quấy nhiễu. Bác không có thì giờ để nghỉ. Trước tình hình ấy, một số đồng chí tỏ ra bực bội nhưng Bác lại rất bình tĩnh.

Bác ốm lần thứ hai là vào năm 1948. Lúc này Bác đang ở thôn Lục Giã, xã Phú Đình. Tôi được Bác cho đi học lớp chính trị do Trung ương mở. Bác vừa sốt, vừa đau răng. Hàng ngày tôi đi học về vẫn thấy Bác ngồi làm việc.

Lần thứ ba Bác ốm là năm 1969, khi ấy tôi được phân công bảo vệ đoàn cán bộ Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam do luật sư Trịnh Đình Thảo dẫn đầu ra thăm miền Bắc. Khi đang bảo vệ đoàn đi tham quan thì nhận được tin Bác ốm, tôi về ngay. Lúc này Bác lên cơn đau tim, mặt tái, người đờ ra. Nhưng mỗi lần như vậy Bác chỉ để các bác sĩ chăm sóc cho Bác, chứ tuyệt đối không hề rên rỉ một lời.

Những năm cuối đời, Bác yếu đi nhiều, khi Bác tiếp khách, chúng tôi phải dìu. Bác phải chống gậy, nhưng lúc đến gần địa điểm thì Bác bảo chúng tôi lui ra để Bác tự vào. Hôm Bác đi xem pháo binh bắn tập ở Ba Vì, phải leo lên đồi mới xem được, tôi đưa tay để Bác vịn đi lên, khi lên vẫn không ai biết là Bác mệt. Những ngày cuối Bác còn đến thăm phái đoàn cán bộ mới ở Hội nghị Pari về, cách đó chỉ hai mươi ngày trước khi Bác mất, Bác vẫn vui vẻ, vì vậy mọi người trong đoàn không biết là Bác đã yếu.

Năm 1967, Bác bị đau thần kinh tọa phải chống gậy đi, nhưng khi làm việc với các đồng chí Trung ương, các đồng chí vẫn không biết Bác bị đau, vì Bác không để lộ ra là mình yếu.

Tôi lại nhớ năm 1958 khi Hà Nội bắt đầu xây dựng, kiến thiết. Hôm khánh thành cống Chèm mời Bác đi thăm. Chúng tôi vô tình không kiểm tra nên Bác đi bị vấp, móng chân cái bị lật, máu chảy nhiều. Tôi vội xin thuốc lào để đắp. Khi về nhà bác sĩ cắt móng chân bị lật đó, Bác ngồi yên không mảy may xuýt xoa một lời.

Đi công tác không chuẩn bị cẩn thận Bác phê bình. Những lần đi thăm cơ sở nào, Bác đều không muốn báo trước, vì đi bất ngờ mới thấy được thực tế. Tôi thường báo trước cho các nơi được Bác đến thăm để họ chuẩn bị nên Bác phê bình:

- Lần sau không cho chú Kháng đi nữa, đi như vậy không thấy hết những điều cần biết.

Hồi ở Tràng Xá chúng tôi thường đi giúp dân, được dân cho quà, Bác nhắc chúng tôi trả tiền.

Bác rất nghiêm khắc trong việc tự phê bình. Có lần tôi đánh vỡ một lọ hoa to, khá đẹp Bác nhìn không nói. Nhưng nếu tôi mắc khuyết điểm với dân hay phạm nguyên tắc của tập thể là Bác phê bình đến nơi.

Tôi bị Bác phê bình gay gắt nhất là vào dịp bầu cử năm 1969. Năm đó Bác đã yếu nhiều, vì vậy rất khó giữ bí mật về sức khỏe của Bác. Địa điểm Bác đến bỏ phiếu là Nhà thuyền Hồ Tây, quận Ba Đình, Hà Nội. Chúng tôi định khi nào nhân dân bầu gần xong thì đưa Bác vào hoặc để dân dừng một lúc để Bác bỏ phiếu trước. Khi biết chuyện, Bác nghiêm nghị nói với tôi:

- Chú có biết Nguyễn Hải Thần vì sao dân ghét không? Ai là người bảo vệ Bác? Chú nhớ là: Nhân dân là người bảo vệ tốt nhất cho Bác.

Nghe Bác hỏi tôi giật mình, nhớ lại năm 1945, mỗi lần Nguyễn Hải Thần đi đâu thì bọn lính bảo vệ của ông ta ngồi trên xe, tay lăm lăm chĩa súng ra ngoài. Một khẩu trung liên được đặt trên nóc xe luôn luôn sẵn sàng nhả đạn, trông rất chướng mắt.

 

Bác rèn luyện sức khỏe

Bác chú ý rèn luyện sức khỏe rất đều. Trong thể thao Bác thích các môn: võ, bóng chuyền và bơi. Hồi năm 1945, khi đang ở 12 Ngô Quyền, Bác hỏi:

- Chú có biết võ không? Chú xem có bài nào hợp với sức khỏe và tuổi của Bác thì dạy Bác.

Tôi dạy Bác bài: Bát bộ liên hoa quyền, gồm bốn mươi chín động tác trong một tuần. Khi thuộc rồi, hàng sáng Bác thường tập bài quyền.

Vì thích bóng chuyền và bơi nên Bác đề ra nguyên tắc chỗ ở của Bác trên chiến khu nên cách nơi Chính phủ đóng khoảng ba kilômét, phải có bãi để làm sân bóng và có suối để bơi. Tìm được chỗ ở như vậy cũng khó, có khi phải xin phép Bác tìm sân, suối cách từ 500 mét đến một kilômét, Bác đồng ý.

Mấy Bác cháu đánh bóng chuyền. Trình độ đánh bóng cũng bình thường. Khi thua mọi người thường nói đùa là cứ bỏ vào tủ, Bác vỗ vào người và nói: "A, nó truy tủ", Kháng, Chiến, Trường, Kỳ đâu mau lại bảo vệ "tủ”. Quả nào Bác đánh không qua lưới, mọi người cười ồ lên, Bác nói: Không, quả này Bác đánh ngoại giao. Sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc, Bác cháu gặp nhau nơi sân bóng thật là vui. Hôm nào không đủ người đánh bóng chuyền thì đi bơi. Bác bơi theo kiểu dưỡng lão, ngả người, chân đạp nhẹ. Tôi thường bố trí hai người khỏe cùng bơi để bảo vệ Bác.

Về mùa hè, những lần Bác đi công tác phải qua sông, qua suối, chúng tôi đều chuẩn bị thuyền hoặc mảng để đưa Bác qua. Nếu nước lớn, chảy xiết thì Bác đi thuyền. Gặp những hôm trời lặng, nước chảy từ từ thì Bác không chịu ngồi thuyền, ngồi mảng mà tự bơi. Chúng tôi cử một người bơi giỏi cùng bơi với Bác. Lên bờ, Bác nói:

- Bơi thế này vừa sạch người vừa khỏe.

 

 

 

Sau này những thước phim tư liệu hiếm hoi ghi lại cuộc sống của Người trên chiến khu cho chúng ta thấy được hình ảnh Bác lội suối, băng rừng, đầu đội tấm áo vừa đi vừa phơi cho khô. Hình ảnh của một vị lãnh tụ thật gần gũi với nhân dân.

Về Hà Nội, điều kiện bơi và đánh bóng bị hạn chế nên năm 1959 chúng tôi đưa Bác ra Bãi Cháy nghỉ mười ngày. Sáng lấy ca nô đưa Bác ra đảo nghỉ ở đó đến tối mới về, đem theo cả nồi niêu nấu ăn luôn. Những chuyến đi như thế này giúp Bác nghỉ ngơi, thư giãn và có điều kiện gần dân hơn.

 

Bác với việc tăng gia sản xuất

Bác rất chú ý tới việc tăng gia sản xuất và bản thân Người cũng tích cực tham gia. Thời kỳ kháng chiến, lúc mới lên rừng khó khăn nhiều, thóc gạo hiếm, nhân dân đói, cán bộ cũng đói, cơ quan di chuyển luôn Bác thường động viên chúng tôi tăng gia sản xuất, Bác nói:

- Các chú làm mà không ăn thì dân ăn, đi đâu mà thiệt.

Bác còn chỉ thị phải học và làm theo những người dân địa phương, Bác nói:

- Các chú phải phát nương, muốn phát được nương thì phải hỏi dân.

Chúng tôi học tập kinh nghiệm phát nương, trồng mướp, khoai lang, đậu, rau và bắp. Kết quả là chẳng thiếu thứ gì. Hàng ngày, đến giờ tăng gia, Bác cũng tham gia.

Bác thích ăn hoa quả và lá bí. Hồi ở thác Khấu Lấu năm 1949-1950, chúng tôi trồng rất nhiều bí đỏ, có lần Bác hỏi:

- Bí của các chú có bao nhiêu quả. Chúng tôi trả lời không biết.

Bác bảo:

- Sáng mai các chú cho chặt một ít que nứa, vót nhọn rồi đếm xem bao nhiêu que, đến chỗ nào thấy quả bí thì cắm một que, sau đó đếm số que còn lại thì ra số bí.

Nghe lời Bác, chúng tôi đếm được ba trăm quả. Khi thu hoạch Bác bảo đem sang biếu Văn phòng Trung ương và các đồng chí công an. Kết quả đã khuyến khích được việc tăng gia sản xuất, phong trào nhân rộng và phát triển mạnh.

Chúng tôi ăn sáng bằng bí đỏ thoải mái. Anh Cả1 đưa 200 vạn tiền tài chính chỉ để mua gạo, muối và mắm. Anh Dũng và anh Định đi câu cá ở suối. Chúng tôi vào làng mua thóc xay giã ăn dần, có cám nuôi gà, trứng đủ để Bác ăn thường xuyên không phải mua. Vậy là sinh hoạt cũng tạm đủ.

ở chiến khu, công việc kháng chiến bận rộn. Tuy vậy đôi lúc Bác cũng tìm được cho mình một chút thư giãn, đó là thả mình trong cảnh vật thiên nhiên của núi rừng. Bác nuôi một đôi chim bồ câu trắng, Bác cho chim ăn. Đôi chim quấn quít cạnh Người, có khi đậu lên hai vai. Chúng tôi ngắm Bác, giữa khung cảnh núi rừng Việt Bắc trông Bác như một ông tiên, tạm thời quên hết mọi việc nhọc nhằn, khó khăn của những ngày kháng chiến.

Khi về Hà Nội, phát đất trồng rau, trồng chuối, Bác cũng tham gia, vườn nhài Bác góp nhiều công chăm sóc. Ao cá chúng tôi vét bùn cải tạo lại, Bác nhận cho cá ăn. Lúc đầu Bác luyện cho cá ăn bằng mõ, sau vỗ tay. Thế là cứ nghe tiếng vỗ tay là cá bơi đến ăn dày đặc cả bờ ao.

 

Cuộc sống giản dị

Năm 1945, từ chiến khu về Hà Nội, Bác ở 12 Ngô Quyền. Bác được cấp mỗi tháng 200 đồng cho việc ăn uống. Khi có Chính phủ liên hiệp thì Bác về ở số 8 Vua Lê, ông Khương là người nấu ăn cho Bác. Anh Kỳ, anh Cả và tôi cùng ăn với Bác. Bữa ăn của Bác rất đơn giản. Bác thường chỉ có một miếng cá nhỏ, một bát canh, vài quả cà, mấy cọng dưa, một ít ớt và miệng bát cơm. Có khách thì Bác cố ăn được hai bát. Anh Khương quen nấu ăn cho Tây nên nấu nhiều món. Bác không ăn được nhiều nên thường nhắc chúng tôi phải ăn hết kẻo phí.

Kháng chiến bùng nổ, cơ quan Trung ương và Chính phủ trở lại Việt Bắc, chúng tôi theo Bác đi kháng chiến. Bác để anh Khương ở lại, một số anh em muốn anh Khương cùng đi, nhưng Bác nói: Ra khỏi Hà Nội, lên rừng thì chả có gì để Khương trổ tài nấu nướng. Cùng với chị Thanh, tôi và anh em bảo vệ thay nhau nấu ăn cho Bác. Quả đúng như vậy, suốt những năm kháng chiến món thịt Việt Minh gồm: một kilôgam thịt + một kilôgam muối + nửa kilôgam ớt xào lên cho vào ống là món ăn chủ lực đi đến đâu cũng tiện. Chỉ cần lấy rau nấu với thịt Việt Minh hoặc chỉ cần món thịt Việt Minh là đủ. Thật là:

"Bữa cơm muối, măng non, bí đỏ

Tháng ngày vui có Bác mà ngon!"

Khi tăng gia, chăn nuôi được nhiều, chúng tôi xin ý kiến Bác, Bác đồng ý cho bỏ món thịt Việt Minh.

Thỉnh thoảng được bữa ăn tươi, chúng tôi muốn dành bồi dưỡng cho Bác nhưng Người không đồng ý. Một lần, có nửa con gà luộc, tôi chặt to để Bác ăn, nhưng Bác không chịu, Bác bảo tôi chặt và chia đều cho mỗi người một miếng, phần Bác cũng chỉ một miếng. Thấy tình trạng như thế, chúng tôi phải tìm cách ăn trước.

Bác chỉ có hai bộ quần áo kaki để mặc khi tiếp khách và đi thăm các nơi, còn bình thường Bác mặc bộ bà ba nhuộm. Chăn màn, quần áo của Bác đều nhuộm nâu cho bền và dễ ngụy trang. Chỉ khi đi ra nước ngoài Bác mới mặc áo sơ mi. Khi Bác đi thăm nước ngoài, Người mới đồng ý may bộ quần áo dạ đen. Từ kháng chiến đến khi về Hà Nội, Bác vẫn dùng đôi dép cao su. Màn, gối, áo rách Bác đều cho vá lại. Đối với cán bộ Bác cũng yêu cầu như vậy.

Bác nói:

- Nếu làm nhiệm vụ tiếp xúc với khách nước ngoài thì nên mặc đẹp hơn, còn nếu không làm nhiệm vụ mà ăn mặc sang thì không phù hợp.

Một lần đi Quảng Ninh, thấy đồng chí đưa phà đón Bác ăn mặc sang trọng, Bác hỏi:

- Chú làm gì mà ăn mặc sang thế?

Bác có một áo len đã lâu. Tôi thấy cũ quá nên đề nghị anh Cần mua cho Bác một cái khác. Bác hỏi:

- Ai cho phép chú mua, áo còn tốt để Bác mặc.

 

Nơi ở bình dị

Những năm kháng chiến, ở trên rừng, lúc đầu ở nhờ nhà dân, sau thấy không tiện, vả lại còn để giữ bí mật nên Bác bảo chúng tôi tự làm lán ở trong rừng. Bác dặn nguyên tắc tìm địa điểm và những điều kiện cần thiết. Chúng tôi nghe nhiều thành quen. Lời Bác dặn giống như một bài thơ, dễ nhớ:

Trên có núi

Dưới có sông

Có đất ta trồng

Có bãi ta vui.

Tiện đường sang Tổng bộ

Thuận lối tới Trung ương

Nhà thoáng, ráo, kín mái

Gần dân, không gần đường.

Tìm được một địa điểm theo yêu cầu của Bác thật không dễ chút nào. Chúng tôi phải đi tìm, quan sát kỹ rồi cũng tìm được địa điểm như ý.

Bác cũng dạy luôn cả cách làm nhà. Chọn nơi làm nhà Bác luôn có ý thức bảo vệ cây, Bác nói:

- Làm lán phải dựa vào cây, không được chặt cây.

Một lần ở Điềm Mặc, chúng tôi làm một lán, lợi dụng cây làm cột, trời mưa nước chảy theo cây làm lán bị dột, chúng tôi hì hục chống gió xoáy, chống mưa thật vất vả. Sau đó chúng tôi xin phép Bác làm lại lán dưới lùm cây, có cột riêng, Bác đồng ý. Yêu cầu của Bác đặc biệt là lúc nào cũng phải làm nhà sàn vừa vệ sinh vừa phù hợp với nơi rừng núi. Chúng tôi làm nhà sàn chỉ trải vừa cái chiếu, Bác ngồi làm việc ở giữa, với tay ra xung quanh lấy được đủ thước, giấy, túi... treo ở vách bốn xung quanh. Sau này có các anh Cần, anh Kiệm làm thì nhà mới to và đẹp hơn.

 

Hồi Bác ở bản Thít, xã Thắng Lợi, chợ Đồn, chúng tôi làm một cái nhà rất đẹp. Lúc đón Bác lên, Bác nói:

 

- Nhà đẹp đấy nhưng để các chú ở, làm nhà sàn cho Bác. Bác nói tiếp: Bác chỉ có một mình, các chú làm nhà rộng làm gì cho tốn kém.

Về Hà Nội cũng vậy. Phủ Chủ tịch ở Hà Nội nơi Bác ở sau này giống như "Phủ Chủ tịch" nơi chiến khu. Nhà sàn, ao cá, vườn cây tạo cho Bác một không gian thoáng đãng, yên tĩnh để Người làm việc.

Trích từ sách: Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, 2003​

Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.