Thống Nhất - Xã Bàu hàm 2 : noi-dung-tin Thống Nhất - Xã Bàu hàm 2
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

Lượt Truy Cập
 

Nội dung

 
Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng Cập nhật02-06-2023 04:00
Trong những năm qua, nhiều nông dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những ngày này, gia đình ông Phạm Duy Long ở ấp Lê Lợi, xã Bàu Hàm 2 đang phấn khởi thu hoạch 4 ha bơ. Để có những cây bơ phát triển trên đồi đá cho trái xum xuê, trĩu quả là cả một sự quyết định táo bạo, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm của nhà nông này. Ông Long cho biết, trước đây trên diện tích đất đồi đá này, gia đình chỉ trồng chuối sứ và chuối bơm, mỗi năm cho thu nhập chỉ hơn 100 triệu đồng. Đến khi có đường điện, gia đình ông đã mạnh dạn, quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích chuối sang trồng bơ. Để thực hiện việc chuyển đổi, gia đình gặp không ít khó khăn, bởi toàn bộ diện tích là đất đồi đá, để đào được một hố phải tốn rất nhiều thời gian, công sức. Tuy nhiên, với sự cần cù, chịu khó, quyết tâm biến “sỏi đá thành cơm”, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình, hàng trăm cây bơ đã được trồng xuống, cùng với đó là hệ thống tưới nước tiết kiệm cũng được lắp đặt. Đất không phụ lòng người, giờ đây vườn bơ của gia đình đã cho trái ngọt. Ông Long ước tính, vụ bơ năm nay sẽ cho sản lượng khoảng hơn 50 tấn.

Ông Long Phạm Duy Long, cho biết thêm: “Tôi đưa cây bơ vào tôi trồng thì thực sự nó cũng khó khăn lắm, bởi vì đất nó toàn đá không. Để đào một cái lỗ nho nhỏ, để trồng một cây bơ rất là khó, bởi nó đá rất là nhiều. Do vậy khi chuyển đổi cây trồng, tôi cũng phân vân lắm, nhưng giờ sau 5 năm, tôi thấy cây bơ rất hiệu quả, trái rất là nhiều, quả bơ này khi mình trừ hết chi phí này nó cao lắm, một 1ha thu nhập trung bình khoảng 400 triệu đồng”.

Bơ.jpg
Ông Long ước tính, vụ bơ năm nay sẽ cho sản lượng khoảng hơn 50 tấn.

Cùng canh tác trên khu vực đồi đá cùng ấp, cách đây 3 năm gia đình Trịnh Công Thành cũng đã mạnh dạn chuyển đổi 2 ha trồng chuối sứ sang trồng bơ không tên và bơ quốc minh.

Năm nay, toàn bộ diện tích bơ của gia đình ông đã cho trái bói, ước cho thu hoạch khoảng 15 tấn trái. Với giá bán đang được thường lái thu mua tại vườn với giá từ 22-30 ngàn đồng/kg (tùy giống bơ) thì gia đình có thu nhập gấp nhiều lần so với trồng chuối trước đây.

Ông Trịnh Công Thành nói: “Hiện nay, giá cả bơ rất là ổn định, nhưng không biết sau này, sợ đầu ra nó bấp bênh. Tôi chỉ mong chính quyền có phương án gì để có đầu ra ổn định cho nông dân”.

Để từng bước nâng cao giá trị của cây bơ, ông Long, ông Thành cùng bà con nông dân trồng bơ trên khu vực đồi đá thuộc khu vực xã Bàu Hàm 2 và xã Quang Trung đã thành lập Tổ hợp tác cây bơ Bàu Hàm 2-Quang Trung với 11 thành viên tham gia. Tổng diện tích bơ của tổ là hơn 23 ha. Từ khi thành lập tổ, các thành viên đã cùng nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất để nâng cao năng suất của cây bơ. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, bà con đang từng bước triển khai sản xuất bơ theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng mã vùng trồng, liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ để phát triển cây bơ theo hướng bền vững.

Ông Phạm Duy Long, nông dân xã Bàu Hàm 2 bày tỏ: “Tôi cũng mong cơ quan chức năng hỗ trợ về thu mua, rồi cũng hỗ trợ về VietGap để chúng tôi làm cho bơ nó sạch, tuyên truyền cho bà con về hái bơ cho đúng tuổi. Khi đúng tuổi thì bơ nó đủ độ béo, thương lái người ta bán cho người tiêu dùng, rồi người ta còn quay lại người ta mua nữa”.

Ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thống Nhất cho biết: “Chúng tôi phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chương trình VietGAP đối với cây bơ này. Thứ hai, chúng tôi đã đề xuất với Hội Nông dan tỉnh hỗ trợ tham canh cây bơ, thì hiện nay tạo điều kiện cho 10 hộ vay với số tiền 500 triệu đồng. Và bên cạnh đó, chúng tôi đã phối hợp với một số công ty, các siêu thị, thông qua các kênh của Hội Nông dân tỉnh, các ngành để đưa trái bơ này vào siêu thị để thương hiệu hóa trái bơ này và xây dựng mã số, nhãn hiệu hàng hóa, để cho trái bơ này phát triển trong thời gian tới”.

Có thể nói, thành công bước đầu từ việc chuyển đổi cây trồng của nông dân trên địa bàn huyện Thống Nhất là một minh chứng rõ nét cho tinh thần dám nghĩ, dám làm. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi cây trồng của bà con được bền vững, thì rất cần sự chung tay kịp thời của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp thu mua nông sản.

Hoàng Hải

Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.