Dưới đây là một số nội dung quy định pháp luật để giúp bà con hiểu thêm về pháp luật quy định các hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực lâm nghiệp và chấp hành đúng pháp luật.
I. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp: Điều 9, Luật Lâm nghiệp quy định như sau:
- Chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật.
- Khai thác tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản, môi trường rừng trái quy định của pháp luật; xây dựng, đào, bới, đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên và các hoạt động khác trái quy định của pháp luật làm thay đổi cấu trúc cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng.
- Giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng trái quy định của pháp luật; cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái quy định của pháp luật; chuyển đổi diện tích rừng, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng trái quy định của pháp luật; phân biệt đối xử về tôn giáo, tín ngưỡng và giới trong giao rừng, cho thuê rừng.
- Hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng.
- Sử dụng nguyên liệu trong chế biến lâm sản trái quy định của pháp luật.
- Và một số nội dung cụ thể khác như: phòng cháy, chửa cháy, săn bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển buôn bán động vật...
Tổ chức, cá nhân vi phạm các hành vi nêu trên sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành của nhà nước (quy định tại Nghị định 35/2019/NĐ-CP, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp hoặc mức độ nghiêm trọng sẽ bị khởi tố hình sự).
II. Các hành vi khai thác rừng được coi là trái pháp luật theo khoản 2, điều 13 Nghị định 35 /NĐ-CP ngày 25/4/2019 của chính phủ gồm:
1. Khai thác trái pháp luật trong rừng phòng hộ:
a) Đối với gỗ loài thông thường:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật dưới 0,5 m3 gỗ rừng trồng hoặc dưới 0,3 m3 gỗ rừng tự nhiên; cho đến 10 m3 đến dưới 15 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 05 m3 đến dưới 07 m3 gỗ rừng tự nhiên.
b) Đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật gỗ rừng trồng hoặc gỗ rừng tự nhiên;
III. Ngoài ra, còn hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, tịch thu công cụ, phương tiện thô sơ và các loại cưa xăng đối với các hành vi….. Ngoài ra, tùy theo mức độ vi phạm mà tịch thu phương tiện cơ giới.
IV. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật.
V. Ngoài ra, tại Điều 232 Bộ Luật hình sự quy định:
Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản được quy định tại Điều 232 Bộ luật hình sự 2015:
Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng và quản lý lâm sản được hiểu là hành vi khai thác trái phép cây rừng, vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép hoặc có hành vi khác trong khai thác và bảo vệ rừng trái với quy định của pháp luật.
Mặt khách quan
Khung một (khoản 1)
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:. Được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản nêu ở mặt khách quan.
Khung hai (khoản 2)
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
Khai thác trái phép rừng phòng hộ với khối lượng từ 30 mét khối (m3) đến dưới 60 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường; từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
Khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 400.000.000 đồng;
Khung ba (khoản 3)
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị tù từ 05 năm đến 10 năm.
b) Khai thác trái phép tại rừng phòng hộ 60 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật thông thường; 40 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
Hình phạt bổ sung (khoản 4)
Ngoài việc phải chịu một trong các hình phạt chính nêu trên, thì tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Hình phạt đối với pháp nhân
Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm g khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Trang TTĐT xã Xuân Định