Khi
nói đến bình đẳng giới ở nơi làm việc, có nhiều người cho rằng đó là một phong
trào nữ quyền nhằm nâng cao phụ nữ và hạ thấp đàn ông, hoặc là phong trào đưa
phụ nữ vào thay thế đàn ông ở các vị trí kinh tế và xã hội quan trọng. Tuy
nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội và sự biến đổi trong mối quan hệ giữa
nam và nữ, phong trào bình đẳng giới là một hiện tượng lịch sử mang tính trí
tuệ, chính trị, xã hội và kinh tế tất yếu phải xảy ra.
Bình
đẳng giới ở nơi làm việc không có nghĩa là tỉ lệ nam nữ trong công ty phải cân
bằng, mà có nghĩa là mọi người đều được tiếp cận các cơ hội và nguồn lực giống
nhau, cũng như được nhận thù lao như nhau cho những công việc tương đương,
không phân biệt giới tính. Bình đẳng giới là bãi bỏ những rào cản để phụ nữ
được tham gia đầy đủ và bình đẳng trong lực lượng lao động; là không phân biệt
giới tính trong bất cứ ngành nghề nào, bao gồm các vị trí lãnh đạo; là loại bỏ
phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính, nhất là trong các vấn đề liên quan đến
gia đình và trách nhiệm chăm sóc gia đình. Ở Việt Nam, cùng với nhiều nước trên
thế giới, phụ nữ đã đạt được nhiều thành tựu trong bình đẳng giới, đặc biệt là
trong giáo dục, y tế, hay như về tỷ lệ nữ giới tham gia vào lực lượng lao
động. Theo số liệu của Tổng cục Thống Kê năm 2017, phụ nữ trong vai trò lãnh
đạo ở Việt Nam chiếm 28% - khá cao so với tỷ lệ trung bình trên thế giới là
19%, thậm chí so với các nước OECD. Số phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động ở
Việt Nam cũng khá cao – đạt tới 72% tổng số phụ nữ cả nước, và chiếm 48,1% tổng
số lực lượng lao động ở Việt Nam.
Tuy
nhiên, khoảng cách của tổng thu nhập bình quân giữa phụ nữ và đàn ông trong độ
tuổi lao động ở Việt Nam là 11,24%, tức là đàn ông nhận được 1000 đồng thì phụ
nữ chỉ nhận được 887,6 đồng. Phụ nữ vẫn bị coi là phái yếu và kém khả năng hơn
đàn ông khi có tuổi, đồng thời vẫn phải đảm nhiệm vai trò chăm sóc gia đình và
nội trợ.
Thế
giới đang thay đổi và các doanh nghiệp cũng thay đổi theo. Trong một nghiên cứu
của McKinsey, các công ty đa dạng về giới có khả năng hoạt động tốt hơn so với
các đối thủ cạnh tranh của họ 15%. Trong một báo cáo chung của Intel và
Dalberg, những công ty công nghệ với ít nhất một nhà lãnh đạo nữ có giá trị
doanh nghiệp cao hơn 13% -16% so với các công ty có bộ máy lãnh đạo toàn nam
giới. Các nghiên cứu, khảo sát của Goldman Sachs, Morgan Stanley, và World
Economic Forum đều có những kết luận tương tự.
Những
con số trên đã chứng minh rằng việc cải thiện bình đẳng giới ở nơi làm việc đã
đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, năng suất, và sự hài lòng trong công việc của
người lao động (theo nghiên cứu của WGEA, Australia).
Nhiều
công ty trên thế giới đã thành công trong việc đưa phụ nữ vào các vị trí lãnh
đạo. Đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào phát triển bình đẳng giới
ở nơi làm việc thông qua các hình thức như (1) thay đổi cơ cấu giới tính trong
lực lượng lao động, (2) tạo thu nhập bình đẳng giữa nam và nữ; (3) tạo điều
kiện làm việc linh hoạt và hỗ trợ chăm sóc gia đình cho cả nam và nữ; (4) tư
vấn cho cán bộ nhân viên về bình đẳng giới; (5) tạo điều kiện thăng tiến bình
đẳng cho cả nam và nữ, và (6) xóa bỏ phân biệt đối xử liên quan đến giới tính.
Đồng thời, các nhà lập pháp cũng cần cân nhắc phá bỏ các rào cản để phụ nữ có thể
lựa chọn các công việc mà họ muốn làm, bởi vì những công việc nguy hiểm hoặc dễ
ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ thì cũng có những ảnh hưởng tương tự
tới đàn ông; hơn nữa, đàn ông cũng nên được hưởng các chế độ nghỉ chăm sóc con
cái và gia đình như phụ nữ để chia sẻ trách nhiệm gia đình.
Chúng
ta đang sống trong thời kỳ thông tin số, phụ nữ có thể trực tiếp lựa chọn làm
việc cho những công ty đối xử tốt với họ, sử dụng mạng xã hội để gây ảnh hưởng
tới các phụ nữ khác mua hàng từ các công ty có những giá trị tương đồng với họ,
và đầu tư vào những công ty có hàng ngũ lãnh đạo chủ chốt là phụ nữ. Sức ảnh
hưởng của phụ nữ đến các doanh nghiệp đang ở mức độ chưa từng thấy trong lịch
sử nhân loại, và đang trở thành một trong những lực lượng mạnh mẽ nhất có thể
phá vỡ hay tạo nên thành công của một doanh nghiệp. Phát triển quyền năng kinh
tế của phụ nữ và bình đẳng giới ở nơi làm việc sẽ giúp duy trì sự phát triển
bền vững và tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp nhanh hơn chúng ta nghĩ.
Điểm TTKHCN Xã