(LSVN) - 79 năm hình thành và phát triển, cùng
nhìn lại và biểu dương, tuyên dương những thành tích đã đạt được của giới Luật
sư Việt Nam. Mỗi Luật sư cũng cần phải tĩnh tâm, tự nhìn lại những trang sử vẻ
vang của nghề Luật sư, đánh giá lại kết quả hoạt động của chính mình để tự hào,
phát huy; đồng thời, tự nhận thức về hạn chế của mình để sớm khắc phục, không
ngừng trau dồi về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên
môn, nghiệp vụ, gương mẫu về tư cách, phẩm chất đạo đức, giữ được: Tâm – Tầm -
Bản lĩnh - Đam mê nghề nghiệp. Qua đó, tự khẳng định mình, khẳng định vai trò
vị trí của nghề Luật sư trong xã hội, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cách đây 79 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã
giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên độc lập,
thống nhất cho dân tộc Việt Nam. Với sự ra đời của nhà nước công nông đầu tiên ở
Đông Nam Á. Những thiết chế dân chủ đã được khởi dựng và từng bước hoàn thiện
trên cơ sở kế thừa những giá trị lịch sử, truyền thống dân tộc cùng thành quả
cách mạng.
Nhằm đảm bảo quyền
con người, đồng thời phát huy quyền dân chủ trong chế độ mới, ngày 10/10/1945
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 46/SL về việc thành lập Đoàn
thể Luật sư. Ngày 14/01/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số
149/QĐ–TTg lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám thành công, toàn Đảng, toàn dân; mọi giới, mọi
ngành, mọi nghề tập trung vào công cuộc kháng chiến, xây dựng và bảo vệ đất
nước. Hòa trong dòng chảy lịch sử, giới Luật sư Việt Nam khi đó đã có nhiều
người tích cực tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ tổ
quốc. Nhiều Luật sư đã có những đóng góp to lớn được Đảng, Nhà nước, nhân dân
ghi nhận. Nhiều người trong số họ đã được giao giữ các chức vụ quan trọng như
Luật sư Vũ Đình Hòe, Luật sư Phan Anh, Luật sư Vũ Trọng Khánh, Luật sư Nguyễn
Hữu Thọ,…
Năm 1959, Hiến pháp đầu tiên đưa nước ta lên xã hội chủ nghĩa tiếp tục
khẳng định quan điểm của Đảng và nhà nước ta về việc đảm bảo quyền bào chữa để
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Điều 101 Hiến pháp quy định:
“quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm”. Quan điểm này được xuyên suốt, phát
triển đến Hiến pháp năm 1980 quy định tại Điều 133: “ Quyền bào chữa của bị cáo
được bảo đảm. Tổ chức Luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự
khác về mặt pháp lý”.
Hiến pháp năm 1992 quy định: “Tổ chức hành nghề Luật sư được thành lập
để giúp bị cáo và các đương sự khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ,
đồng thời góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa”.
Hiện thực hóa công
cuộc đổi mới của Đảng, năm 1987 Hội đồng Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh Tổ chức
Luật sư. Từ đó các Tổ chức Luật sư chuyên nghiệp ra đời thay thế cho hình thức
Bào chữa viên nhân dân. Cùng với sự vận động, phát triển của lịch sử, đòi hỏi
từ thực tiễn xã hội. Năm 2001, Pháp lệnh Luật sư ra đời đưa chế định Luật sư
của nước ta xích gần hơn với thông lệ quốc tế. Lần đầu tiên pháp luật nước ta
phân định rõ Tổ chức hành nghề Luật sư với Đoàn Luật sư, theo hướng, vừa bảo
đảm sự quản lý của Nhà nước đối với tổ chức và hành nghề Luật sư, vừa phát huy
tính tự quản, tự chịu trách nhiệm của các Đoàn Luật sư.
Sau 05 năm thi hành, pháp lệnh Luật sư 2001 đã góp phần tăng nhanh số
lượng Luật sư trong toàn quốc. Trước yêu cầu của tình hình mới, đặc biệt là
quyết tâm, yêu cầu sớm gia nhập WTO, tháng 06 năm 2006 Luật Luật sư được
ban hành, đến nay chúng ta đã có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Luật sư
năm 2012.
Hiến pháp năm 2013 quy định: Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố,
điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ Luật sư hoặc người khác bào
chữa (Điều 31); Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích
hợp pháp của đương sự được bảo đảm (Điều 103).
Tháng 5 năm 2009, Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập. Từ đây,
nghề Luật sư đã chính thức có một tổ chức thống nhất trong toàn quốc. Từ khi
thành lập đến nay, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã được kiện toàn, ổn định và
phát huy hiệu quả, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều đã có Đoàn Luật sư, với
khoảng 18.000 Luật sư thành viên.
Truyền thống nghề Luật sư và thực tiễn nhiều năm qua cho thấy: Nghề
Luật sư đã góp phần quan trọng trong việc dân chủ hóa hoạt động tố tụng, đóng
góp quan trọng trong công cuộc Cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền
XHCN, phát triển kinh tế - xã hội. Vị trí, vai trò của Luật sư trong đời sống
pháp luật, trong xã hội tiếp tục được khẳng định, nâng cao; uy tín của Luật sư
trước Đảng, Nhà nước được tăng cường; niềm tin của doanh nghiệp, tổ chức, người
dân đã và tiếp tục được khẳng định. Những đóng góp của giới Luật sư Việt Nam mà
đại diện là Liên Đoàn Luật sư Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi
nhận. Ngày 22/9/2014, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 102-KL–TW về hội
quần chúng, trong đó nêu rõ: “Liên đoàn Luật sư Việt Nam được hưởng chế độ như
các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp”.
Ngày 06/5/2022, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 136/TB-VPCP
thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc
với Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã nêu: “Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có
ý kiến kết luận như sau: Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội -
nghề nghiệp, thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị, pháp lý được Đảng và Nhà nước
giao, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các
cá nhân, tổ chức, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặc
biệt trong các lĩnh vực: (1) Góp ý, xây dựng chính sách, pháp luật; (2) Rà soát
thủ tục hành chính; (3) Trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, người dân
tộc thiểu số và các đối tượng khác theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý; (4)
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và một số công tác xã hội khác. Các thành tích
của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nói riêng, đội ngũ Luật sư nói chung được Đảng,
Nhà nước và xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ ghi nhận và biểu dương các thành tích mà đội ngũ Luật sư, Liên đoàn Luật sư
Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua”.
Ghi nhận đóng góp của giới Luật sư Việt Nam nói chung, của Liên đoàn
Luật sư Việt Nam nói riêng Liên đoàn Luật sư Việt Nam vinh dự được Đảng và Nhà
nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
79 năm hình thành và
phát triển, cùng nhìn lại và biểu dương, tuyên dương những thành tích đã đạt
được của giới Luật sư Việt Nam. Thiết nghĩ mỗi Luật sư cũng nhận thấy rằng hoạt
động Luật sư hiện nay còn tồn tại một số hạn chế. Cá biệt còn có Luật sư chưa
nhận thức được đầy đủ sứ mệnh nghề nghiệp cao cả của mình, còn có khoảng cách
về trí tuệ, lòng yêu nước, nhiệt huyết và nhân cách so với các thế hệ Luật sư
đi trước từ đó ảnh hưởng chưa tích cực đến hình ảnh giới Luật sư trong lòng
người dân, xã hội. So với yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, nhu cầu của
người dân, doanh nghiệp và xã hội, số lượng Luật sư, chất lượng dịch vụ của
Luật sư chúng ta còn có nhiều hạn chế. Chúng ta còn thiếu các Luật sư có trình
độ chuyên môn sâu trong các lĩnh vực kinh doanh, thương mại, hội nhập quốc tế
thật sự tạo được thương hiệu đối với Luật sư quốc tế. Năng lực chuyên môn,
nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề của một số Luật sư chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu
công việc.
Trước những cơ hội chưa từng có sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động
nghề Luật sư hiện nay. Những thách thức lớn lao đang và sẽ đặt ra cho hoạt động
Luật sư trước yêu cầu hội nhập, yêu cầu cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng
tranh, dịch vụ pháp lý đặc biệt các dịch vụ pháp lý chuyên sâu. Mỗi Luật sư
chúng ta cũng cần phải tĩnh tâm, tự nhìn lại những trang sử vẻ vang của nghề
Luật sư, đánh giá lại kết quả hoạt động của chính mình để tự hào, phát huy;
đồng thời, tự nhận thức về hạn chế của mình để sớm khắc phục, không ngừng trau
dồi về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, nghiệp
vụ, gương mẫu về tư cách, phẩm chất đạo đức, giữ được: Tâm – Tầm - Bản lĩnh -
Đam mê nghề nghiệp. Qua đó, tự khẳng định mình, khẳng định vai trò vị trí của
nghề Luật sư trong xã hội, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điểm TTKHCN Xã