Năm 2021, Ban Thư ký
Công ước ô-dôn quốc tế đã lựa chọn thông điệp của Ngày quốc tế bảo vệ tầng
ô-dôn là “Nghị định thư Montreal - Làm mát thế giới, bảo quản thực phẩm và vắc
xin” (Montreal Protocol - Keeping us, our food and vaccines cool).
Tháng 12 năm 1994, Phiên
họp Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết số 49/114 lấy ngày 16
tháng 9 là Ngày quốc tế Bảo vệ tầng ô-dôn. Hằng năm, tất cả các nước
thành viên tham gia Nghị định thư Montreal đều tổ chức các hoạt động
kỷ niệm trọng thể này. Việt Nam là quốc gia thành viên đã tham gia sự kiện
nhiều năm qua và có nhiều hoạt động hưởng ứng tích cực, hiệu quả.
Ngày quốc tế về Bảo vệ
tầng ô-dôn là dịp để các quốc gia trên thế giới tăng cường nhận thức và có
những hành động thiết thực bảo vệ tầng ô-dôn, giữ gìn môi trường sống của nhân
loại vì sự phát triển bền vững.
Theo Bộ Tài nguyên và
Môi trường Việt Nam, hưởng ứng Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô dôn năm 2021, Bộ đã
giao Cục Biến đổi khí hậu xây dựng kế hoạch, thể lệ để phát động Cuộc thi với
chủ đề “Bảo vệ tầng ô-dôn để bảo vệ khí hậu trái đất”.
Theo đó, cuộc thi góp
phần cụ thể hoá sự phối hợp giữa Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP),
Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đối với các hoạt động về biến đổi khí hậu,
hướng đến phát triển bền vững và hưởng ứng kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ
tầng ô-dôn (16 tháng 9 năm) năm 2021; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận
thức cộng đồng về biến đổi khí hậu; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và
tăng trưởng xanh của toàn xã hội và thực thi hiệu quả các cam kết của Việt Nam
và cộng đồng thế giới về biến đổi khí hậu. Đồng thời, phản ánh mối liên hệ giữa
việc bảo vệ tầng ô-dôn và biến đổi khí hậu, những hoạt động, thành tựu đạt được
của Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn, Nghị định thư Montreal về các chất
làm suy giảm tầng ô-dôn và các Bản sửa đổi, bổ sung trong khuôn khổ Nghị định
thư nhiều năm qua; đồng thời thông qua Cuộc thi tiếp cận để huy động sự ủng hộ
của cộng đồng trong việc giảm thiểu sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn
(ODS) và loại trừ dần các chất HFC.
Trong điều kiện của một nước
đang phát triển và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và
đang thể hiện nỗ lực cao của quốc gia trong các hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn
và góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
Bộ Tài nguyên và Môi
trường cho biết, Việt Nam đã triển khai kế hoạch quản lý loại trừ các chất
HCFC thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi công nghệ (giai
đoạn I từ 2012-2017, giai đoạn II từ 2018-2023). Ở giai đoạn I, có 11 doanh
nghiệp hoàn thành chuyển đổi công nghệ, giúp loại trừ 1.300 tấn HCFC-141b
nguyên chất và HCFC-141b trộn sẵn trong polyol sử dụng trong sản xuất xốp cách
nhiệt. Trong giai đoạn II, Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam
(HPMP II) tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất điều hòa
không khí, làm lạnh và sản xuất xốp thực hiện chuyển đổi công nghệ nhằm đạt mục
tiêu loại trừ tiêu thụ 1.000 tấn HCFC-22 và loại trừ hoàn toàn HCFC-141b trộn
sẵn trong polyol trong sản xuất xốp cách nhiệt.
Theo cam kết với Ban
Chấp hành Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal, Việt Nam cần ban hành
chính sách cấm sản xuất và nhập khẩu điều hòa không khí gia dụng sử dụng môi
chất lạnh HCFC-22 và cấm nhập khẩu HCFC-141b trộn sẵn trong polyol vào năm
2022. Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến khích các doanh nghiệp trong
lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, sản xuất thiết bị lạnh và xốp cách nhiệt
có đủ điều kiện tham gia Dự án HPMP II, liên hệ với Ban Quản lý dự án HPMP II,
Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường để tham gia và nhận hỗ trợ
chuyển đổi công nghệ, loại trừ HCFC-22 và HCFC-141b trộn sẵn trong polyol.
Bên cạnh những nỗ lực
loại trừ thành công các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chúng ta đang phải đối
mặt với thách thức mới gắn liền với xu hướng gia tăng sử dụng các chất có tiềm
năng làm nóng lên toàn cầu cao - các chất hydrofluorocarbon (HFC), là những
chất được sử dụng để thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ô-dôn trong lĩnh
vực sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí ô tô, dập cháy...
Theo lộ trình đã được
thông qua, các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, cần xây dựng
kế hoạch quản lý, loại trừ các chất HFC, nhằm mục tiêu không gia tăng lượng
tiêu thụ các chất HFC từ năm 2024 và loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HFC
vào năm 2045. Để thực hiện cam kết này, sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các
chính phủ, giữa các bộ, ngành, địa phương, sự tham gia hỗ trợ của các đối tác
quốc tế là rất quan trọng, đặc biệt là sự tham gia thực hiện của doanh nghiệp
trong các lĩnh vực liên quan.
Điểm TTKHCN Xã