Cá
đồng ở Tam An gồm: cá lóc, cá dầy, cá trê, cá rô, cá sặc… Nhiều nơi, cá sống
lưu niên, hết năm này đến năm khác nên rất nhiều và to. Có những con cá lóc có
râu, nặng đến 7 - 8 kg. Mùa khô, khi nước trên đồng, trên rừng đã rút cạn, cá
đồng dồn về dày đặc các con lung trời sanh, các ao đìa tự nhiên để trốn nắng,
chờ mưa. Khi tìm gặp những ổ cá này, cư dân Tam An chỉ việc huy động lực lượng
đến gánh về.
Cứ thế, mùa “cá lên” người dân Tam An cứ ngồi cạnh họng đìa (nơi cá ra vào),
chờ cá bò lên hoặc đi trên những cánh đồng xâm xấp nước mà cứ bắt cá bỏ vào
giỏ. Chỗ sâu trũng thì chờ cho đến đêm tối dùng đèn để soi. Gặp cá, người soi
dùng nom để nom, dùng chỉa 3 mũi để chỉa hoặc dùng dao để chặt rồi bắt cá cho
vào giỏ. Không chỉ có cá mà còn có cả lươn, rắn, rùa… Bắt cho đến khi nào quảy
về không nổi thì mới chịu thôi. Đến mùa gió chướng về, nước “gọt” (nước rút),
cá ở lại với rừng, với đồng. Biết được quy luật này, vào mùa khô, hộ dân nào
cũng vần công đào vài khẩu đìa, mỗi khẩu đìa 3 – 4 giang để mùa khô đến cá gom
về cho dễ thu hoạch.
Việc thu hoạch cá đồng cũng khá đơn giản. Ngày trước, máy móc chưa nhiều nên
việc thu hoạch cá đồng phải dùng gàu vai (có nơi gọi gàu sòng) để tác nước. Để
tát khô một khẩu đìa phải mất mấy ngày, mấy đêm. Về sau, có máy móc, phương
tiện hiện đại nông dân miệt Tam An dùng máy để tác đìa, dùng lưới để chụp nên
việc thu hoạch cá đồng cũng đỡ vất vả hơn.
Cá
thu hoạch được, chủ đìa phần lớn chỉ bắt cá cân (cá đủ cân, chủ yếu là cá lóc
từ nửa ký trở lên) để bán cho thương lái. Còn lại gọi là cá dạt (cá nhỏ, chưa
đủ cân) thả lại nuôi làm giống. Còn những loại cá khác chỉ bắt những loại như
cá trê vàng, cá dầy lớn, cá rô mề, cá thác còm, cá bổi phệt… để bán, để ăn, để
làm mắm, làm khô. Tuy nhiên, chủ đìa nào cũng phải chọn vài cặp cá lóc to nhất,
cắt đuôi làm dấu rồi thả lại để dẫn đàn. Như đã quen nơi sinh sống cũ nên vào mùa
khô năm sau (nếu còn sống, không bị bắt) thì những cặp cá dẫn đàn này cùng với
đàn cá mới kéo nhau về đìa cũ sinh sống. Và như thế, đìa nào có cá dẫn đàn thì
thường trúng hơn những đìa khác. Ngoài việc thu hoạch cá đồng bằng cách tát
đìa, chụp đìa, nông dân Tam An còn làm hầm, xây nò, vó, giăng lưới, giăng câu,
đặt lờ, đặt lọp, nơm, nhấp, thượt… để bắt cá.
Thông
thường, sau 2 mùa thu hoạch, các ao đìa phải được cải tạo, sên vét bùn đất bồi
lắng. Vào mùa nước nổi (khoảng tháng 8 – tháng 9 âm lịch) hàng năm, người nuôi
cá thường trồng rau muống trên mặt ao đìa để cho mát nước, êm đìa; cắm chà để
dụ cá, dùng máy bơm để rút nước đáy đìa. Vì sau khi mưa xuống, phèn chua, nước
lợ thường lắng đọng dưới đáy ao đìa, chất lượng nguồn nước không tốt, làm cho cá
khó về sinh sống, trú ẩn.
Những
năm gần đây, nhiều hộ dân còn ứng dụng khoa học kỹ thuật cho cá đẻ nhân tạo,
nuôi cá đồng theo mô hình công nghiệp để tăng năng suất, sản lượng cá và thu
nhập kinh tế cho gia đình.