Thống Nhất - Xã Xuân Thiện : Nội dung - Nông thôn mới Thống Nhất - Xã Xuân Thiện
Chào mừng quý vị đến với Website xã Xuân Thiện huyện Thống Nhất
Tìm kiếm
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

Lượt Truy Cập
 

Nội dung

 
Chủ động phòng, chống bệnh khảm lá mì đang có dấu hiệu gia tăng trở lại Cập nhật14-09-2020 08:49
Khoảng 3 năm trở lại đây, kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên, bệnh khảm lá mì đã gây thiệt hại nặng cho các địa phương có diện tích trồng mì lớn. Sau một thời gian bệnh lắng xuống, đến thời điểm này (9/2020), bệnh khảm lá mì đang có dấu hiệu gia tăng trở lại. Nếu các địa phương và dân không khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống thì nguy cơ thiệt hại nặng như những năm trước là khó tránh khỏi.

Nông dân huyện Thống Nhất tích cực phòng, chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Gần 58 ngàn ha mì nhiễm bệnh

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), trên phạm vi cả nước, tính đến đầu tháng 9/2020, bệnh virus khảm lá đã gây hại với diện tích 57.986 ha, tăng 22.508ha so cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích nhiễm nặng hơn 7.700ha.

Bệnh đang gây hại tại 19 tỉnh thành: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, An Giang, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Lào Cai.

Tại Đồng Nai, nơi có diện tích cây mì khoảng gần 11.000 ha, bệnh khảm lá mì đã bắt đầu xuất hiện tại một số địa phương trọng điềm về trồng mì. Với 2.150ha, xã Xuân Hòa là địa phương có diện tích cây mì lớn nhất huyện Xuân Lộc. Theo ông Hoàng Thanh Bạch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, bệnh khảm lá đã nhiễm trên 500ha, có diện tích nhiễm hơn 30% cây. Nhiều diện tích bị bệnh khảm lá với tỷ lệ nhiễm bệnh từ 10-30%, nhiều nơi tỷ lệ nhiễm bệnh hơn 50% nên năng suất cây mì ước tính chỉ bằng khoảng 1/3 năm trước, tức khoảng 4 tấn/ha.

Chính quyền địa phương đang khoanh vùng diện tích bị bệnh và hướng dẫn bà con tập trung xịt thuốc trừ bọ phấn trắng truyền bệnh. Tuy nhiên, tình trạng cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá đang diễn ra trên diện rộng và ngày càng nghiêm trọng hơn, khiến người trồng sắn bất an, lo lắng về năng suất cũng như nguồn giống cho vụ tới.

Chủ động phòng, chống

Với sự nguy hiểm của bệnh, dự báo diện tích mì nhiễm bệnh khảm lá sẽ tiếp tục tăng nếu chính quyền cấp xã không tích cực tuyên truyền, vận động nông dân nhổ bỏ tiêu hủy diện tích nhiễm bệnh và phun thuốc phòng trừ bọ phấn trắng.


Theo các nhà khoa học, bệnh khảm lá khoai mì là loại bệnh rất nguy hiểm, khó phòng trừ làm giảm năng suất và chất lượng rõ rệt. Bệnh do virus gây hại và đến nay chưa có thuốc đặc trị, là một trong những bệnh virus hại cây trồng nguy hiểm nhất trên thế giới. Virus gây bệnh khảm lá mì có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus gây ra, viết tắt SLCMV. Khi cây mì còn non bị nhiễm bệnh hoặc cây mọc từ hom giống nhiễm bệnh sẽ không cho thu hoạch. Bệnh lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) và qua hom giống lấy từ cây bệnh. Thông qua 2 cơ chế lan truyền này nếu không phòng trừ, tiêu hủy thì bệnh khảm lá mì lây lan rất nhanh, nguy cơ gây hại nghiêm trọng các vùng trồng mì trên địa bàn tỉnh.

Để ngăn chặn bệnh khảm lá mì lây lan trên diện rộng, góp phần giảm thiệt hại trong sản xuất, nông dân trồng mì cần nắm rõ biểu hiện, tác hại của bệnh và các biện pháp phòng chống. Theo các nhà khoa học, dấu hiệu dễ nhận biết của bệnh khảm lá mì là khảm vàng loang lổ trên lá. Mức độ hại nhẹ là không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ, lấy lá soi dưới ánh nắng mặt trời sẽ thấy vết bệnh mất màu; mức độ hại nặng làm cho lá xoăn, cong queo, nhăn nhúm. Triệu chứng bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây mì, từ 2 tháng tuổi trở đi cho thấy virus lây nhiễm từ khi cây mì còn non.

Để phòng, chống dịch bện, nông dân nên chọn giống kháng bệnh, không trồng các giống nhiễm bệnh nặng, đặc biệt là giống HLS11 bệnh phát triển rất mạnh (giống chưa được công nhận, mật độ bọ phấn trắng trên ruộng giống HLS11 rất cao; Không sử dụng các hom giống có nguồn gốc từ vùng có diện tích mì bị nhiễm bệnh; Không trồng mì hoặc cây ký chủ của bọ phấn (cây thuốc lá, bông, cà chua, cà pháo, cà bát, bầu bí, khoai tây, ớt, …) ở những vùng đã bị bệnh khảm lá ít nhất một vụ; Sử dụng bẫy dính vàng treo trên đồng ruộng diệt bọ phấn trắng; Thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh, những vùng có nguy cơ bùng phát bệnh cần phun trừ bọ phấn trắng bằng thuốc bảo vệ thực vật. Phun khi bọ phấn giai đoạn ấu trùng hiệu quả cao hơn.

Đặc biệt, khi phát hiện bệnh, cần triển khai tiêu hủy để tránh lây lan cho vùng lân cận. Trước khi tiêu hủy từ 2-3 ngày, phun thuốc bảo vệ thực vật trừ bọ phấn trắng để đảm bảo tránh lây lan cho vùng lân cận. Lưu ý, cần phải phun thuốc trừ bọ phấn trắng trên ruộng mì nhiễm bệnh và những ruộng xung quanh để ngăn chặn bọ phấn di chuyển sang nơi khác truyền bệnh.

Bệnh khảm lá mì do một chủng vi rút gây ra và đến nay vẫn chưa có thuốc chữa. Bệnh lây truyền qua hom giống đã ủ bệnh trước đó và một đường khác là do bọ phấn trắng hút virus từ cây có bệnh truyền sang cây khỏe. Theo các nhà chuyên môn, trường hợp cây mì bị nhiễm bệnh này, năng suất mì sẽ giảm từ 50 đến 100% do củ mì không phát triển, nếu có củ, thì tỷ lệ tinh bột cũng gần như không có.

Tại nước ta, ghi nhận bệnh này xuất hiện lần đầu tiên ở Tây Ninh vào tháng 6- 2017 với một vài ha mì bị nhiễm. Tuy nhiên, năm 2018, Tây Ninh đã phải công bố dịch và hiện diện tích mì nhiễm bệnh đã lên đến trên 31.000 ha, tương đương 91% tổng diện tích mì toàn tỉnh Tây Ninh.

Thanh Cảnh

Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.