Gia đình anh Trần Văn Hùng, ấp Bạch Lâm 2 là một trong những hộ
dân nuôi cút có hiệu quả kinh tế cao. Là một trong những nông dân trẻ của xã
nhiều năm nuôi heo tuy nhiên năm 2019 dịch tả heo Châu phi bùng phát ở Việt Nam
gia đình anh cũng hàng trăm hộ dân của xã phải mang heo đi tiêu hủy, thiệt hại
về kinh tế không thể kể hết. Sau khi được nhà nước hỗ trợ do dịch bệnh gây ra,
vợ chồng anh Hùng chủ động tìm những hướng đi mới để phát triển kinh tế gia
đình. Bắt đầu từ việc tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của các hộ nuôi chim khác
trong xã anh chị đã mạnh dạn chuyển trang trại heo sẵn có sang nuôi cút.
Với số vốn 250 triệu đồng, anh
Hùng đã mua 6.000 con chim giống Nai, đồng thời đầu tư xây dựng chuồng trại. Anh
Hùng cho biết, nuôi chim cút phải đảm bảo chuồng trại thật sạch sẽ, không gian
nuôi phải thông thoáng, không ẩm thấp để tránh dịch bệnh. Việc cho chim ăn phải
đều đặn và đúng giờ, nếu không sẽ ảnh hưởng tới chu kỳ đẻ trứng của chim. Từ
khi sinh ra tới lúc đẻ trứng chỉ tầm 50 ngày và thời gian cho trứng chỉ khoảng
7 đến 8 tháng là thay đàn mới. Mỗi ngày, đàn chim cút của gia đình anh Hùng cho
thu hoạch khoảng 6.000 trứng, mang về cho gia đình chị lợi nhuận từ 500 - 700
ngàn đồng. Ngoài thu nhập từ nguồn trứng cút, gia đình anh còn tận dụng bán
phân cút cho các hộ chăn nuôi bón cho cây, bình quân 1 bao phân cút có giá từ
50-70 ngàn đồng.
Theo ông Nguyễn Thanh Long – Phó Chủ
tịch UBND xã, hiện nay xã Gia Tân 2 có 11 trại cút với 332.000 con, trong đó có
một số trại nuôi lâu còn một số nông trại chuyển từ nuôi heo sang nuôi cút. Từ
khi dịch tả heo Châu phi bùng phát, UBND xã cũng đã khuyến khích bà con không
nên vội vàng tái đàn nuôi heo nên bà con cũng chuyển sang nuôi các loại vật
nuôi khác, trong đó có nuôi cút.
Trong thời gian tới, UBND xã sẽ
tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng cung cấp cho nông dân những kiến thức
cơ bản về điều kiện thời tiết, khí hậu cũng như kỹ thuật nuôi chim cút trên địa
bàn xã nhằm giúp nông dân an tâm khi chuyển đổi mô hình sản xuất.
Diệu Linh