Vĩnh Cửu - Xã Tân An : Tổng quan KTXH Vĩnh Cửu - Xã Tân An
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

Lượt Truy Cập
 

Tổng quan KTXH

 
New Page 1


1. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Tân An nằm phía Nam và cách Trung tâm huyện Vĩnh Cửu khoảng hơn 22 km, cách Thành phố Biên Hoà khoảng 25 km, là xã vừa có đồng bằng, vừa có đồi núi. Tổng chiều dài địa giới hành chính là 38,535 km.

Xã Tân An có diện tích tự nhiên 5.270,07 ha, trong đó đất nông nghiệp là 4.503,88 ha chiếm 85,46% tổng diện tích tự nhiên còn lại là đồi núi và đất lâm nghiệp

+ Phía Bắc giáp xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai;

+ Phía Nam giáp xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai;

+ Phía Tây giáp xã Thường Tân và Lạc An huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương;

+ Phía Đông giáp xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

 

2. ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

Xã Tân An được chia thành 07 ấp (gồm ấp 01, ấp 02, ấp 3, ấp Bình Chánh, ấp Bình Trung, ấp Thái An và ấp Cây Xoài).

TRU SO UBND XA TAN AN.jpg

 

3. ĐỊA HÌNH

Xã Tân An có diện tích tự nhiên 5.270,07 ha, trong đó đất nông nghiệp là 4.503,88 ha chiếm 85,46% tổng diện tích tự nhiên còn lại là đồi núi và đất lâm nghiệp.

Địa hình toàn xã nhìn chung hơi nghiêng từ hướng Đông Bắc xuống Tây Nam. Đường đi lại trong xã khá thuận lợi cả về đường bộ và đường thủy do dân cư chủ yếu sống dọc theo sông Đồng Nai và tỉnh lộ 768. Trong đó, đoạn tỉnh lộ 768 và sông Đồng Nai đi qua địa phận Tân An hơn 7 km. Ngoài ra, còn một số con đường, cầu cống, sông, suối liên huyện, liên xã như cầu Thủ Biên trên địa bàn xã nối liền hai huyện Vĩnh Cửu và Tân Uyên, Sông Rạch Đông nối liền từ cầu Rạch Đông qua huyện Trảng bom và thị xã Long Khánh. Đường liên xã Tân An - Hố Nai thuộc huyện Trảng Bom, đường liên xã Tân An - Vĩnh Tân.

 

4. KHÍ HẬU

Khí hậu, thời tiết xã Tân An cũng có chung những đặc điểm của vùng nhiệt đới Đông Nam bộ, hàng năm có hai mùa mưa nắng rõ rệt, khí hậu giữa ngày và đêm tương đối ổn định, không nắng quá và ít khi lạnh. Nhiệt độ trung bình từ 25 - 28 độ C, thỉnh thoảng cũng có gió mạnh nhưng không có dông bão lớn, lượng mưa hàng năm từ 2.000 đến 2.300mm, mưa tập trung vào các tháng 5, 6 và tháng 8, 9 âm lịch, ít khi có sương mù.

 

5. LỊCH SỬ VĂN HÓA

- Con người và truyền thống

Xã Tân An được thành lập năm 1987 do sáp nhập 02 xã cũ thuộc huyện Vĩnh Cửu (Tân Định và Đại An) và một phần của xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom);

Năm 1808, vua Gia Long đổi tên đất Nam bộ từ phủ thành Gia Định thành dinh trấn Biên Hòa, huyện Phước Long thăng lên thành 4 phủ có 4 huyện là Long Thành, Bình An, Phước Chánh và Phước An. Huyện Phước Chánh bao gồm cả vùng đất ngày nay thuộc huyện Vĩnh Cửu.

Năm 1836, vua Minh Mạng cho lập địa bạ các tỉnh để quản lý đất đai. Theo địa bạ này, huyện Phước Chánh từ 2 tổng tách thành 6 tổng gồm (Chánh Mỹ Thượng, Chánh Mỹ Trung, Chánh Mỹ Hạ, Phước Vinh Thượng, Phước Vinh Trung, Phước Vinh Hạ). Địa bàn Vĩnh Cửu ngày nay thuộc 2 tổng Phước Vinh Trung và Phước Vinh Hạ. Theo sách sử lược của Lương Văn Lựu xuất bản năm 1960 thì tổng Phước Vinh Trung có 8 làng, tổng Phước Vinh Hạ có 12 làng. Xã Tân An ngày nay thuộc tổng Phước Vinh Hạ, được thành lập từ năm 1878. Gồm có: Đại An có 3 ấp - Thanh An (Bến Nôm), Bình An Chánh, Trị An (Bến Vịnh); Tân Định có 1 ấp Cầu Xoay và 2 xóm: Đồn và xóm Cháy.

Từ năm 1945 đến năm 1948, theo yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, địa giới hành chánh có thay đổi nên Tân Định, Đại An thuộc huyện Tân Uyên. Từ năm 1948 đến năm 1954, huyện Vĩnh Cửu được thành lập lại, Tân Định, Đại An thuộc huyện Vĩnh Cửu.

Với chính quyền Sài Gòn từ năm 1954 đến 1963 Tân Định, Đại An thuộc tổng Phước Vĩnh Trung của quận Châu Thành và từ 1963 đến 1975 thuộc Quận Công Thanh.

Đối với kháng chiến, về địa giới hành chánh cũng có lúc thay đổi  như năm 1960 huyện Vĩnh Cửu chuyển giao một số xã về cho thị xã Biên Hòa và Long Thành. Tháng 9/1965, huyện Vĩnh Cửu cùng thị xã Biên Hòa thuộc tỉnh Biên Hòa (U1). Tháng 5/1971, huyện Vĩnh Cửu nhập cùng huyện Trảng Bom. Tháng 10/1972 đến tháng 4/1975 huyện Vĩnh Cửu tái lập thuộc tỉnh Biên Hòa và đến năm 1985 huyện Vĩnh Cửu đổi thành thị xã Vĩnh An. Tuy địa giới hành chánh của huyện có lúc thay đổi tùy theo yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ. Song, địa danh và cái tên Tân Định - Đại An luôn được biết tới và tồn tại cho đến tháng 2 năm 1987.

Địa bàn xã Tân An nằm dọc theo sông Đồng Nai, có hệ thống sông, suối rất thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp đặc biệt là cây lương thực vì vậy trong 2 thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Tân An là một trong những đơn vị sản xuất lương thực lớn nhất tỉnh Biên Hòa, đủ sức cung cấp cho lực lượng của huyện, tỉnh và hỗ trợ cho quân chủ lực miền và cho chiến khu Đ. Tân An cũng là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản phục vụ cho sản xuất vật liệu xây dựng như mỏ đất sét và mỏ đá Puzolan…

Ngày nay, Tân An đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trên địa bàn xã hiện đã hình thành 03 cụm công nghiệp địa phương với 10 cơ sở sản xuất các loại vật liệu xây dựng; đồ gỗ gia dụng xuất khẩu; nước ép trái cây và sản xuất thức ăn gia súc…. ngoài ra trên địa bàn xã còn có 20 trang trại với mô hình VAC kết hợp với trồng cây phân tán mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cho người nông dân tăng thu nhập nâng cao đời sống.

Ngoài ra, Tân An còn là một bức tranh sơn thủy hữu tình, là sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người cho nên công ty Dona.coop chọn nơi đây để đầu tư dự án xây dựng công viên nghĩa trang sinh thái với tên giọi “An Viên Vĩnh Hằng” đã khởi công xây dựng và từng bước đi vào hoạt động. (Nghĩa trang sinh thái “An Viên Vĩnh Hằng” có diện tích 116 ha. Khởi công xây dựng tháng 7 năm 2011 và đi vào hoạt động tháng 1 năm 2012).

Về ngành nghề nhân dân chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp như trồng lúa nước, trồng cây công nghiệp, cây ăn trái, chăn nuôi và một số nghề truyền thống khác như đan lát mây, tre.

Về địa lý nhân văn, Tân An là vùng đất thuộc huyện Vĩnh Cửu, là địa bàn cư trú lâu đời của người cổ xưa. Những địa điểm khảo cổ ở Rạch Đông, Đồng Bơ, Suối Ràng đã phát hiện những di tích kiến trúc, tượng thờ có khung niên đại từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ X sau công nguyên, như vậy có thể thấy Tân An là vùng đất thuộc huyện Vĩnh Cửu nằm trong những khu vực thuộc không gian văn hóa Óc Eo, nhưng phát triển có tính độc lập hơn.

Truyền thống đấu tranh

Tân An là một phần của huyện Vĩnh Cửu, luôn mang trong mình niềm tự hào dân tộc có bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Niềm tự hào và lòng yêu nước đã hình thành nên những nét đặc sắc của con người Tân An bất khuất, dám xả thân vì nghĩa chống lại áp bức, cường quyền qua các cuộc chiến đấu chống xâm lược phương tây. Trong hai thời kỳ chống Pháp và Mỹ nhân dân Tân An một lòng, một dạ đi theo Đảng, theo cách mạng, bằng lòng quả cảm, mưu trí, sáng tạo nhân dân Tân An đã quyết chiến đấu và chiến thắng quân thù để giữ vững cửa ngõ chiến lược quan trọng của chiến khu Đ. Các địa danh Xóm Đồn, Xóm Cháy (Tân Định) là nơi một bộ phận quân triều đình nhà Nguyễn do Nguyễn Tri Phương chỉ huy đã lui về xây dựng căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược khi đồn Kỳ Hòa thất thủ vào năm 1861. Hóc Dầu Tư, Hố đá chác, Cầu Xay, Xóm Đồn, Xóm Cháy, Bến Ông Vàng (thời chống Pháp), Ba Dũng, Giang Rế, Ông Tạ, Từ Bi, Chân Chùa, Giang Tói (thời chống Mỹ) là nơi làm bàn đạp của các lực lượng cách mạng tiến đánh vào sân bay quân sự Biên Hòa, Bộ Tư Lệnh Quân đoàn 3, tiểu khu Biên Hòa và các kho đạn, kho xăng, dầu quan trọng như: kho Bình Ý, Tổng kho Long Bình.

Năm 1914, chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Thực dân Pháp ráo riết bắt thanh niên thuộc địa đi lính đưa sang chiến trường Châu Âu chiến đấu với danh nghĩa “bảo vệ Mẫu quốc”. Nhiều thanh niên bị bắt giam ở các nhà làng để chờ xuống tàu sang chiến trường Châu Âu. Bất bình trước cảnh bắt lính của thực dân Pháp, một số thanh niên yêu nước đã tập hợp tại Gò Mọi xã Tân An, lập ra trại Lâm Trung với tôn chỉ chống pháp bắt lính, chống lại việc thanh niên Việt Nam phải đi chết ở chiến trường Châu Âu thay cho chúng. Trại lâm trung gồm 200 thanh niên trong đó có thanh niên Tân An đầy nhiệt huyết trang bị vũ khí thô sơ với kế hoạch của trại là nổi dậy giải thoát cho số tráng đinh bị nhốt ở các nhà làng Tân Trạch, Tân Lương, Tân Khánh, Bình Phước, Khám Biên Hòa.

Đêm 14/2/1946, cuộc nổi dậy nổ ra ở các nơi và giải thoát được nhiều tráng đinh. Do vũ khí thô sơ, lực lượng ít nên nhiều người của trại bị bắn chết, cuộc nổi dậy của anh em trại Lâm Trung bị giặc Pháp đàn áp, thất bại, nhiều người bị bắt, bị đày đi Côn Đảo và bị tử hình.

Một trường bắn được giặc Pháp lập tại bãi cây Gõ Cụt, Dốc Sỏi để thi hành án tử hình. Như vậy, mặc dù trại Lâm Trung chỉ tồn tại rất ít ngày, nhưng với một lớp người chủ yếu là con em nông dân trong cuộc vật lộn với áp bức và bất công, đã tự nguyện chung lưng đấu cật cùng nhau lấy thủy chung và nghĩa khí đối xử với nhau để cùng sống, để cùng làm người, đã để lại cho nhân dân trong vùng sự kính trọng và thương tiếc. Một miếu thờ đã được lập để thờ phụng những người đã bị giặc Pháp xử tử. Di tích này hiện nay là chùa Cô Hồn ở ngã ba Dốc Sỏi.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, nhân dân Tân An đã kiên cường bám trụ, chiến đấu bền bỉ, bám đất, giữ làng, giữ vững địa bàn, đánh bại mọi âm mưu của địch. Tân An còn là nơi đùm bọc, nuôi dưỡng tù chính trị phá khám, vượt ngục ở nhà tù Tân Hiệp, điển hình như bà Võ Thị Sợi, ông Huỳnh Văn Trạng là những cơ sở cách mạng trực tiếp nuôi dưỡng. Nhân dân Tân An luôn phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không những đảm bảo được lương thực cho lực lượng tại địa phương mà còn là 1 vựa lúa, là vùng hậu cần cung cấp lương thực cho huyện, tỉnh, quân chủ lực và cả chiến khu Đ. Ông Trương Văn Hoạch và Lại Văn Lu là những tấm gương tiêu biểu trong việc vận động nhân dân bán lúa chịu và ủng hộ lương thực cho cách mạng. Công tác binh vận được đẩy mạnh với nhiều hình thức, chủ yếu là cơ sở mật, nhất là đoàn thể phụ nữ. Qua đó, ta vừa nắm được tình hình địch, vừa móc nối được một số binh lính làm việc cho ta, một số khác bỏ hàng ngũ hoặc bị đổi đi nơi khác góp phần vào thắng lợi chung, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Với những thành tích và sự đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân Tân An trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đảng bộ và nhân dân Tân An đã vinh dự được Chủ tịch nước CHXHCNVN phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vào năm 1998.

LEDONBANGCNMTMTANAN.jpg

 

6. DÂN SỐ

+ Tổng dân số xã Tân An đến ngày 12/6/2018 do công an cung cấp có khoảng 11.350 người với 2.446 hộ (trong đó 5.760 nam, 5.590 nữ).

+ Lao động trong độ tuổi là 6.936 người, có 1.106 lao động nông nghiệp.

+ Tôn giáo: có 748 hộ gồm: Công giáo, Cao đài và Hồi giáo; Phật giáo 513 phật tử (có pháp danh).

+ Trên địa bàn xã đại đa số là người Kinh và hiện có 25 hộ dân tộc gồm Khơme, Chăm và Hoa với 96 nhân khẩu gồm 50 nam và 46 nữ.

+ Dân cư sống tập trung dọc theo tỉnh lộ 768 và dọc sông Đồng Nai, còn lại sống theo cụm dân cư ở các ấp và địa bàn sản xuất. Tình hình hoạt động tôn giáo trên địa bàn khá ổn định. Các tín đồ tôn giáo luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.