Qua đại dịch COVID-19, hành
vi tiêu dùng của người dân nói chung và du khách nói riêng đã dần thay đổi. Du
khách quan tâm hơn đến vấn đề an toàn, sức khoẻ và sản phẩm du lịch xanh, thân
thiện môi trường, hướng tới những chương trình, sản phẩm du lịch sinh thái có
sự tham gia của cộng đồng, gắn với cảnh quan thiên nhiên và văn hóa đặc sắc địa
phương. Do đó, phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững đang trở thành xu thế
trong phát triển du lịch hiện nay.
Xã Phước An – Nhơn Trạch (Đồng
Nai) là địa phương có bề dày lịch sử hình thành và phát triển, mang những dấu
ấn đặc sắc về văn hóa, tín ngưỡng dân gian, đa dạng các nguồn tài nguyên thiên
nhiên nên có tiềm năng rất lớn về phát triển du lịch, đặc biệt là các loại hình
du lịch sinh thái gắn với thế mạnh tài nguyên rừng ngập mặn, các giá trị văn
hóa, lịch sử địa phương.
Phước An có diện tích tự
nhiên 11.365 ha, trong đó diện tích rừng ngập mặn 4.030 ha, chiếm gần 40% diện
tích tự nhiên toàn xã, sau thời gian phục hồi và phát triển, hệ sinh thái rừng
ngập mặn Phước An đa dạng, phong phú, tạo môi trường sinh thái, cảnh quan thiên
nhiên xanh - sạch - đẹp.
Nhằm đa dạng hóa các
loại hình du lịch trên địa bàn xã, đặc biệt là phát triển du lịch cộng đồng gắn
với du lịch xanh, hướng đến mục tiêu tạo ra sinh kế bền vững và nâng cao nhận
thức của cộng đồng dân cư trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị
đặc sắc của hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh thái nhân văn của địa phương.
Với vị trí địa lý đặc
thù, được thiên nhiên ưu đãi, Phước An có nhiều lợi thế và tiềm năng to lớn để
thúc đẩy phát triển kinh tế rừng ngập mặng. Ngoài ra, Phước An còn có di tích
Căn cứ Sở chỉ huy Đặc khu Quân sự Rừng sác và Đoàn 10 Đặc công Rừng sác dược xếp
hạng di tích Quốc gia và Địa đạo Phước An nay đổi tên thành địa đạo Nhơn
Trạch.Từ năm 1972, địa đạo Nhơn Trạch trở thành nơi bám trụ dài ngày của 500
cán bộ chiến sĩ Đoàn 10 Rừng Sác, là nơi xuất phát đánh địch ở các hướng sông
Lòng Tàu, kho bom Thành Tuy Hạ… gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề.
Ngày nay Địa đạo Nhơn Trạch là địa điểm về
nguồn để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Giới trẻ đến để tham quan, tưởng
nhớ công lao to lớn của cha ông xưa từ đó tu dưỡng đạo đức, nhân cách, cố gắng
phấn đấu, cống hiến để xứng đáng với sự hi sinh to lớn của thế hệ đi trước.
Nguyễn Văn Hiệp