Giãn cách xã hội là
việc mà cả nước ta đã thực hiện trong thời gian qua để nhằm ngăn chặn lây lan
dịch bệnh Covid-19. Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nơi trên thế giới khi bùng phát dịch bệnh cũng
đã lần lượt thực hiện cách ly, giãn cách xã hội để khống chế dịch. Vậy bản chất
của biện pháp này là gì? Vì sao cách ly xã hội giúp ngăn dịch bệnh lây lan?
Chúng ta
hãy thử tưởng tượng nếu như virus xâm nhập vào cơ thể một người, nhưng chỉ có
một mình người đó sống ngoài hoang đảo thì sẽ chẳng ai bị ảnh hưởng ngoài chính
bản thân người ấy. Khi đó, sẽ có hai tình huống xảy ra: Thứ nhất là kháng thể
của người đó chiến thắng virus, sẽ khỏi bệnh và virus bị tiêu diệt; Hoặc thứ
hai là virus chiến thắng và người đó sẽ có thể không còn sống. Tuy nhiên, dù là
ở tình huống nào thì virus cũng sẽ chịu chung một cái kết, đó là chúng không
thể tồn tại, không thể lây nhiễm cho người khác và không thể sản sinh ra thế hệ
tiếp theo. Căn bệnh chấm dứt sau khi xuất hiện một thời gian ngắn.
Quay trở
lại thực tế, khác với ngoài hoang đảo, nếu căn bệnh xuất hiện trong một cộng
đồng thì một người đầu tiên nhiễm bệnh có thể sẽ lây truyền virus sang cho vài
người tiếp xúc gần. Mỗi người trong những người mới nhiễm bệnh lại lây truyền
cho vài người khác. Cứ như thế bệnh lây lan rộng trong cộng đồng sẽ tạo ra dịch
bệnh. Như vậy, chủng virus gây bệnh không thể bị tiêu diệt trong một thời gian
ngắn vì chúng luôn tìm được tế bào sống ở người khác để lây nhiễm, để virus sản
sinh ra thế hệ kế tiếp. Khi dịch bệnh bùng phát, có thể sau một thời gian dài
hoành hành thì virus có thể sẽ dần bị tiêu diệt, nhưng chắc chắn khi đó đã có
rất nhiều người trong cộng đồng tử vong vì dịch bệnh; Chúng ta hãy nhìn vào
những quốc gia rất phát triển nhưng tỷ lệ tử vong cũng rất cao, chúng ta hãy
nhìn vào những nước không có chỗ để hỏa thiêu thi thể và chắc chắn đó là điều
mà không một ai mong muốn cả.
Tại tỉnh
Đồng Nai, sau khi khoanh vùng kiểm soát khi có ca bệnh xuất hiện thì hiện nay
lại xuất hiện nhiều nguồn lây mới và dịch bệnh đã lây lan trong cộng đồng.
Không biết ai là F0 có nghĩa là người đó âm thầm lây bệnh cho người khác mà
không biết, cũng có nghĩa là bất cứ ai quanh ta cũng có thể là người mang virus
chưa phát bệnh. Như vậy, các biện pháp phát hiện người bệnh để cách ly đã không
còn mang vai trò chủ đạo, cần phải áp dụng biện pháp khác.
Bên cạnh
đó, có thể nhận thấy Covid-19 có thể lây truyền trong thời gian người nhiễm
không triệu chứng; thời gian ủ bệnh có khả năng kéo dài hơn 14 ngày; xuất hiện
những bệnh nhân dương tính lại sau khi đã điều trị và hiện nay chưa có thuốc
đặc trị. Chính vì vậy, cách ly, giãn cách xã hội là biện pháp quan trọng được
áp dụng. Nếu chúng ta chỉ ở nhà, không tiếp xúc gần với người khác, thực hiện
việc phòng ngừa cá nhân tốt thì mỗi người đang tự tạo cho mình một “hoang đảo”
để sống, để triệt tiêu điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, lây lan.
Mặt khác,
cũng phải nhận định, cách ly, giãn cách xã hội sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc
sống, đến lao động, sản xuất, kinh doanh. Khi đó, chúng ta phải thay đổi hoàn
toàn thói quen sinh hoạt thường ngày, sẽ có sự xáo trộn trong cuộc sống, cũng
không phải dễ thực hiện. Không dễ thực hiện nhưng không phải là không thể thực
hiện.
Mảnh đất
yên bình, thân thương ngày nào đang phải trải qua thời kỳ khó khăn chưa từng có
trước đại dịch Covid-19. Các cấp bộ Đoàn đã đồng lòng, chung sức, nỗ lực không
ngừng cùng với hệ thống chính trị, người dân trong công tác phòng, chống dịch
bệnh. Tuy nhiên với biến chủng Delta của virus Sars-CoV-2, chúng ta cần phải
quyết liệt hơn nữa, quyết tâm hơn nữa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng
đồng. Hãy cố gắng hy sinh lợi ích ngắn ngày để bảo toàn sự sống lâu dài, đặc
biệt là sức khỏe, thậm chí tính mạng của chính chúng ta, người thân, gia đình.
Mong rằng mỗi người sẽ hiểu, thấu cảm, cảm thông, bình tĩnh và cùng nhau cố
gắng.
Đợt giãn
cách này rất cần thiết để giảm nguy cơ dịch lây lan rộng hơn trong cộng đồng,
giúp hệ thống y tế có thêm thời gian để tập trung cứu chữa cho những bệnh nhân
đã mắc Covid-19. Các tỉnh/ thành phố lân cận như TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương
đang kiểm soát dịch bằng những biện pháp mạnh mẽ, thực hiện giãn cách xã hội và
tại Đồng Nai cũng đang rất quyết liệt, giúp cho các F0 hiện đang ở ngoài cộng
đồng ít di chuyển hoặc đang ở nhà từ đó hạn chế một phần nào sự lây lan. Đây
được xem là thời gian để chúng ta kiểm soát dịch tại Đồng Nai, nếu không làm
sạch được từng ấp, từng xã, từng khu nhà trọ, từng doanh nghiệp thì chúng ta đã
bỏ phí thời cơ để kiểm soát dịch. Đây sẽ là “thời gian vàng” để tập trung thực
hiện truy vết, quản lý, xét nghiệm tất cả những đối tượng ở trong các nhóm nguy
cơ đang ở trên địa bàn tỉnh, trong đó nguồn chính là rà soát lại tất cả những
người về từ TP.HCM và Bình Dương.
Hệ thống
y tế tỉnh nhà sẽ tổ chức một chiến dịch tổng lực trong vòng 15 ngày, phải tận
dụng từng ngày để thực hiện một khối lượng công việc rất lớn: Thứ nhất là truy
vết nguồn lây là những người từ TP.HCM và Bình Dương về, bằng việc huy động
toàn bộ các Tổ Covid-19 cộng đồng, đồng thời huy động lực lượng y tế ở xã,
huyện rà soát, điều tra tất cả những người đã về từ TP.HCM và Bình Dương trong
1 tháng qua, yêu cầu cách ly tại nhà đối với những người về dưới 7 ngày, thực
hiện xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR tất cả hoặc tùy theo đối tượng.
Việc tiếp
theo đó là xử lý các ổ dịch tại các chợ, xuất phát từ các chợ đầu mối có liên
quan đến tại Đồng Nai, xuất phát từ chợ Hóa An, chợ Tân Biên, chợ Phước Tân
bằng cách huy động một lực lượng điều tra, truy vết nhanh tất cả các đối tượng
đã đến đây; Triển khai xét nghiệm tầm soát trên quy mô lớn đối với các tiểu
thương ở chợ, siêu thị, các khu nhà trọ.
Đối với
các doanh nghiệp phải rà soát và thực hiện xét nghiệm tất cả những người cung
ứng dịch vụ và về từ TP.HCM và Bình Dương đang làm trong doanh nghiệp, rà soát
các đối tượng khác như người liên quan đến các chợ, công ty đã bùng phát dịch
để xét nghiệm tầm soát. Nếu xã nào, huyện nào, doanh nghiệp nào cũng thực hiện
được thì chúng ta mới thành công và tận dụng được thời gian vàng để dập dịch,
để sớm phát hiện và “bóc ngay” F0 ra khỏi cộng đồng.
Bên cạnh
đó, hiện nay dịch bệnh đã có sự lây nhiễm thứ phát từ ổ dịch chợ vào trong
doanh nghiệp, khu nhà trọ, khu dân cư. Điều này, khiến việc kiểm soát nguồn lây
sẽ khó khăn hơn và trong những ngày tới sẽ tiếp tục ghi nhận số ca dương tính
tăng từ các tiểu thương ở chợ và các F1, F2, có thể đến F3 đã nhiễm bệnh.
Vì vậy,
thực hiện tốt và nghiêm túc cách ly, giãn cách xã hội là biện pháp hiệu quả để
khống chế, ngăn dịch bệnh Covid-19. Cộng đồng nào không đồng lòng thực hiện
việc giãn cách xã hội thì virus vẫn còn có kẽ hở tồn tại và tiếp tục lây lan
trong những nhóm người không thực hiện. Đó là nguy cơ tiềm ẩn có thể khiến dịch
bệnh bùng phát trở lại khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Vì vậy, mọi người
không được chủ quan trong phòng dịch. Nếu như biện pháp cách ly, giãn cách xã
hội thất bại thì con đường duy nhất là phải dựa vào miễn dịch cộng đồng thụ
động, nhưng điều đó cho thấy khả năng chiến thắng dịch bệnh là rất rất thấp và
hậu quả sẽ rất nặng nề về số người mắc bệnh, số người tử vong, cũng như chi phí
khủng khiếp để giải quyết hậu quả của dịch bệnh gây ra.
Do đó, có
bảo vệ được chính chúng ta, chính gia đình của chúng ta hay không còn tùy thuộc
vào suy nghĩ, hành động và quyết định của bạn:
Thứ nhất,
mỗi cán bộ, đoàn viên thanh niên hãy trở thành một chiến sỹ kiên cường; vận
động chính mỗi gia đình mình, người thân, hàng xóm, tổ, khu phố trở thành một
“pháo đài” vững chắc, cùng nhau các lực lượng chức năng, hệ thống y tế tỉnh nhà
“giữ chặt vùng xanh” an toàn, tập trung lực lượng để quyết tâm cắt đứt chuỗi
lây nhiễm “vùng đỏ”, từng bước “giảm mức độ vàng”, “mở rộng vùng xanh”.
Thứ hai,
trong hoàn cảnh càng khó khăn, phức tạp, chúng ta càng phải bản lĩnh, đoàn kết
và quyết tâm. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có
dịch hoặc khi dịch bệnh đã đi qua; không lo sợ, hốt hoảng, lúng túng, mất bình
tĩnh, thiếu kiên trì, thiếu bản lĩnh khi dịch xảy ra. Việt Nam của chúng ta
luôn là một dân tộc có truyền thống đoàn kết sắt son, luôn thể hiện được bản
lĩnh, ý chí vững vàng mỗi khi đương đầu với mọi hiểm nguy, thách thức - chính
nhờ vậy, không có khó khăn nào mà chúng ta không thể vượt qua. Đất nước ta,
miền đất Đồng Nai yêu thương đang rất cần sự chủ động chung tay, góp sức của
mỗi chúng ta. Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi chúng ta thể
hiện khí chất của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, “bầu ơi thương lấy bí cùng”,
“đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, cùng hành động có trách nhiệm vì
đất nước. Nếu chúng ta có sự đồng lòng, đoàn kết, thống nhất cùng nhau chống
“giặc” thì chắc chắc sẽ tạo ra nguồn sức mạnh to lớn chiến thắng “kẻ thù”.
Thứ ba,
tạo dựng niềm tin, lan tỏa những giá trị tốt đẹp là nhân tố quan trọng, là
nguồn sức mạnh góp phần vào “cuộc chiến” chống đại dịch của đất nước, của tỉnh
nhà. Khi chúng ta bước vào gian đoạn khó khăn, chông gai thì có phải niềm tin,
sự động viên, khích lệ đã tạo nên sức mạnh tinh thần cho chúng ta đương đầu thử
thách, dũng cảm tiến lên, bước qua khó khăn không? Hơn lúc nào hết, lúc này
niềm tin của các bạn về chủ trương, giải pháp, những nỗ lực, công tác phòng
chống dịch bệnh để cùng thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ cùng nhau.
Việt Nam
không phải là quốc gia giàu mạnh, trang thiết bị y tế còn hạn chế so với những
nước khác, nhưng chúng ta đã vượt qua giai đoạn trước đây của dịch bệnh bởi có
được niềm tin cao nhất của nhân dân, khơi dậy sức mạnh cộng đồng cùng chung tay
chống dịch. Với sự đồng lòng của cả xã hội, khi mỗi người dân trở thành “một
chiến sĩ” trên mặt trận chống dịch, chúng ta sẽ tạo dựng được bức tường thành
vững chắc ngăn dịch thành công. Chúng ta sẽ làm được và chắc chắn sẽ làm
được./.
Nguồn: Tỉnh đoàn Đồng Nai
|