1. Vị trí địa lý
Người dân Biên Hòa chắc ai cũng từng nghe đến cái tên “Chợ Đồn”, cái tên
nghe nôm na, bình dị, thân thiết với bao thế hệ cư dân đất Đồng Nai –
Gia Định. Là một địa danh nằm ven sông Đồng Nai quanh năm nước trong
xanh đưa luồng không khí mát mát, nếu ai có dịp đến cầu Ghềnh qua cầu
đến đất Bửu Hòa ngày nay.
Phường Bửu Hòa rộng khoảng 48.25ha, về đại thể, có hình tứ giác không đều.
Phía Bắc giáp Xã Hóa An
Phía Nam giáp phường Tân Vạn
Phía Đông giáp sông Đồng Nai – bên kia sông là thành phố Biên Hòa và xã Hiệp Hòa
Phía Tây giáp xã Bình An (tỉnh Bình Dương). Bửu Hòa cách trung tâm thành
phố 01 km theo đường chim bay, phường ở vị trí giao thông thuận tiện.
Có đường sắt đi qua và đường Quốc lộ1 về thành phố Hồ Chí Minh (30 km)
ra thủ đô Hà Nội (1.700 km). Và các con đường liên tỉnh lộ 16 (đi Tân
Uyên, Thủ Dầu Một, Bình Dương, quốc lộ 51 đi Nhơn Trạch, Long Thành, Bà
Rịa Vũng Tàu)…Có hệ thống đường sông Đồng Nai thông với hệ thống kênh
rạch ở đồng bằng sông Cửu Long thuận tiện cho việc giao lưu với các thị
xã thị trấn miền Tây Nam Bộ.
2. Các ấp, khu phố
Phường Bửu Hòa chia làm 5 khu phố với 97 tổ nhân dân
Khu phố 1 có 26 tổ nhân dân
Khu phố 2 có 20 tổ nhân dân
Khu phố 3 có 25 tổ nhân dân
Khu phố 4 có 12 tổ nhân dân
Khu phố 5 có 14 tổ nhân dân
3. Địa hình
Phường Bửu Hòa có địa hình không bằng phẳng. Khu phố 3 - Tân Bản có vùng
đất gò cao trung bình 5 m, đỉnh gò cao 11,8 m. Do phương thức đốt rừng
làm rẫy từ lâu đời mà vùng gò rộng này đất đai cằn cỗi, nghèo chất dinh
dưỡng, hàng mấy chục năm bỏ hoang hóa cho cỏ mọc, làm bãi chăn thả trâu
bò. Sau vì thiếu đất trồng trọt, nhân dân khai phá làm đất nông nghiệp
cho đến ngày nay
4. Khí hậu – Thủy văn
Nằm trong khu vực Đông Nam Bộ, khí hậu ôn hòa, được phân ra 2 mùa mưa
nắng rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 - 7, mùa nắng từ tháng 12 - 4 hàng năm
5. Sơ lược lịch sử
Trong bản đồ
Boilloux năm 1881 ghi làng Mỹ Khánh và Tân Bản thuộc tổng Chánh Mỹ
Thượng tỉnh Biên Hoà. Đến năm 1939, hai làng Mỹ Khánh và Tân Bản hợp
nhất thành làng Bửu Hoà. Mỹ Khánh là quê hương của bà Nguyễn Thị Tồn vợ
của danh nhân Bùi Hữu Nghĩa; người vượt ngàn trùng ra Huế minh oan cho
chồng, được Thái hậu Từ Dũ phong tặng danh hiệu "liệt phụ khả gia".
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1948-1951 Bửu Hòa
thuộc huyện Tân Uyên. Năm 1951-1954, Bửu Hòa nhập với Hóa An thành xã
Hóa An. Cuối năm 1951, Bửu Hòa cắt về thị xã Biên Hòa. Năm 1954, Bửu Hòa
thuộc quận Châu Thành. Năm 1955 thuộc huyện Vĩnh Cửu, từ năm 1960 đến
1967 thuộc huyện Lái Thiêu (Thủ Dầu Một), từ năm 1968 đến 1975 thuộc
tỉnh Biên Hòa (U1) và thị xã Biên Hòa, là một cơ sở quan trọng cung ứng
hậu cần và thông tin cho thị xã trong kháng chiến.
Từ năm 1976 đến nay, phường Bửu Hòa thuộc thành phố Biên Hoà tỉnh Đồng
Nai. Trên địa bàn phường có Tổ đình Long Thiền, đình Nguyễn Tri Phương
là hai di tích lịch sử Văn hoá được Bộ Văn hoá thông tin xếp hạng di
tích cấp Quốc gia.