Xuân Lộc - xã Xuân Hiệp : noi-dung-tin Xuân Lộc - Xuân Hiệp
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

Lượt Truy Cập
 

Nội dung

 
NHỮNG MÔ HÌNH SẢN XUẤT TIÊU BIỂU TRONG THỰC HIỆN NÔNG THÔN MỚI Cập nhật04-06-2023 10:24
Sầu riêng Nhờ thổ nhưỡng phù hợp với cây sầu riêng, nhiều năm qua các xã như Xuân Định, Bảo Hòa, Xuân Phú đã chuyển đổi các cây trồng cho năng suất thấp sang trồng các giống sầu riêng mới, đã cho ra những quả sầu riêng không chỉ đạt năng suất cao mà chất lượng và độ thơm ngon đã được nâng lên rõ rệt. Để từng bước phát triển thương hiệu sản phẩm cạnh tranh trên thị trường, huyện Xuân Lộc đã xây dựng HTX sản xuất thương mại nông nghiệp sầu riêng Xuân Định, sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn ViệtGap, nhờ đó thời gian gần đây sầu riêng của Xuân Lộc đã được nhiều người biết đến và đã có mặt trên thị trường ở trong và ngoài tỉnh.



Với giá cả khá ổn định, một số vùng đất phù hợp với cây sầu riêng phát triển, cũng được huyện định hướng nông dân chuyển đổi sang trồng sầu riêng để nâng cao thu nhập. Hiện tại theo số liệu thống kê diện tích sầu riêng toàn huyện khoảng 375 ha, sản lượng 3.640 tấn/năm. Trong đó diện tích cho sản phẩm là 331 ha, với giống sầu riêng chủ yếu như: Ri6 (khoảng 220), Thái (khoảng 100 ha), còn lại là các giống khác.

 

Xoài

Theo thống kê của phòng nông nghiệp huyện: Xuân Lộc hiện có trên 2.083 ha xoài, trong đó trên 1.600 ha đang cho sản phẩm. Để sản phẩm xoài có thể cạnh tranh với nhiều sản phẩm trên thị trường, huyện Xuân Lộc đã vận động nhân dân sử dụng các loại giống mới có năng suất chất lượng cao để dần thay thế các giống cũ.

  Nhờ vậy những năm gần đây Xuân Lộc đã phát triển 1.000 ha xoài cát bưởi, 500 ha xoài Đài Loan và xoài Thái, 200ha xoài Cát Hòa Lộc cho sản lượng khoảng 21.400 tấn trái mỗi năm. Song song với việc sử dụng các giống xoài mới, chất lượng sản phẩm xoài của Xuân Lộc cũng cũng thay đổi rõ rệt. Không chỉ trái xoài có kích thước lớn hơn, mà hương vị các loại xoài Cát hòa lộc, xoài Cát bưởi cũng có hương vị ngọt lịm, rất được người dùng ưu chuộng. Hiện nay trên địa bàn huyện đã xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xoài mà HTX Xoài Suối Lớn đang đi đầu triển khai xây dựng liên kết sản xuất, sản xuất theo hướng an toàn và xây dựng chứng chỉ Global GAP. Sản phẩm xoài Suối Lớn tại xã Xuân Hưng cũng đã được nhập vào nhiều siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản.

Thanh long

Trong những năm gần đây, diện tích trồng thanh long của huyện phát triển khá nhanh. Nhờ khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, loại quả này có vị ngọt thanh, mát dịu, thơm ngon đặc trưng, màu đỏ rực rỡ, bảo quản lâu ngày trong môi trường tự nhiên nên được thị trường khá ưu chuộng, sau khi thanh long thu hoạch, được các thương lái vào đến tận vườn thu mua và vận chuyển tiêu thụ đi các Tỉnh miền Trung và miền Bắc.

 

 

Đáng chú ý là một số sản phẩm thanh long đạt chuẩn được vận chuyển ra Tỉnh Bình Thuận đóng gói xuất khẩu… Nhìn chung đa số nhà vườn đều áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào sản xuất. Đặc biệt là xử lí ra hoa trái vụ nên trung bình mỗi năm, thanh long cho thu hoạch 8 đến 10 đợt/năm do đó lợi nhuận từ cây thanh long đem lại khá cao. Đến nay toàn Huyện đã có trên 365 ha tập trung chủ yếu tại xã: Xuân Hưng (HTX thanh long Xuân Hưng), Xuân Phú (trang trại thanh long Bùi Đình Anh)... Hiện nay nông dân trên địa bàn đang tích cực đầu tư, áp dụng qui trình sản xuất theo các tiêu chuẩn Gap để từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Thanh Long.

Chôm chôm

Xuân Lộc là một trong những địa phương có diện tích chôm chôm lớn của tỉnh với gần 2000 ha. Được trồng tập trung tại các xã Xuân Định, Bảo Hòa, trong đó diện tích đã cho sản phẩm trên 1.700 ha. Các giống chôm chôm chủ yếu được trồng ở Xuân Lộc như: Java khoảng 330ha, Thái 710 ha, còn lại là chôm chôm Nhãn với diện tích chừng 700 ha. Hiện nay HTX SXTMDVNN Bảo Hòa đã xây dựng chuỗi liên kết trên sản phẩm chôm chôm và định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

 

Đáng nói là: chôm chôm Xuân Lộc đã được Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là loại sản vật thứ 44 của cả nước được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý chứng tỏ chôm chôm ở Xuân Lộc và các huyện lân cận có danh tiếng và khẳng định chất lượng đặc thù mà chôm chôm vùng khác không thể giống được.

Bưởi

Xuân Lộc có thổ nhưỡng phù hợp để phát triển những loại cây có múi. Trong đó, nhiều mô hình trồng bưởi da xanh, bưởi năm roi, bưởi lông hồng được nông dân xây dựng đã cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm bưởi chất lượng.


 

Theo đánh giá của nhà vườn trồng bưởi: cây bưởi ở Xuân Lộc phát triển tốt cho ra những quả bưởi ngon ngọt, nhưng độ chua vừa phải, rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngoài ra nhờ giá bưởi luôn ổn định nên người trồng có điều kiệm chăm sóc tốt giúp sản lượng bưởi ở Xuân Lộc đạt 1.800 tấn/năm. Hiên tại với khoảng 300 ha, trong đó 150ha cho sản phẩm, Xuân lộc kỳ vọng sẽ đưa sản phẩm bưởi đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Ngoài 2 vùng trồng bưởi lớn ở Huyện là Xuân Hiệp, Bảo Hòa, HTX sản xuất thương mại dịch vụ nông nghiệp bưởi Suối Đá xã Xuân Bắc đang xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bưởi theo hướng an toàn.

Quýt

Quýt đường, quýt tiều là 2 giống quýt được nhiều nông dân ở huyện Xuân Lộc sử dụng để nhân rộng các mô hình trồng quýt. Với ưu điểm ngọt thanh, dễ lột vỏ, quýt đường, quýt tiều là loại trái cây rất được nhiều phụ nữ lựa chọn cho gia đình, nhất là con nhỏ. Hiện nay với diện tích khoảng 188 ha, huyện Xuân Lộc đã tạo nhiều điều kiện để các địa phương thành lập các câu lạc bộ và tổ hợp tác để nông dân trồng quýt tập trung, ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật để cho ra sản phẩm quýt đảm bảo về chất lượng dinh dưỡng và an toàn với người tiêu dùng. Với năng suất 10 tấn/ha, cho sản lượng hằng năm khoảng 1.500 tấn, huyện Xuân Lộc kỳ vọng sản phẩm quýt đường, quýt tiều sẽ được quảng bá rộng rải trên các phương tiện thông tin đại chúng, để kết nối gần hơn đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.




Cánh đồng lúa bắp(HTXD Xuân Tiến)

- Các cánh đồng lúa, bắp với mô hình trồng 02 vụ bắp + 01 vụ lúa hoặc 01 vụ bắp + 2 vụ lúa, toàn huyện với diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 9.000 ha lúa và 13.000 ha bắp, với năng suất bắp bình quân 08 tấn/ha, lúa từ 05 - 5,5 tấn/ha, tổng sản lượng lúa, bắp toàn huyện trên 150.000 tấn.

 

 

Nếu quý khách có dịp tham quan các cánh đồng lúa bắp của huyện thì tùy theo thời vụ gieo trồng như vụ Đông Xuân (từ tháng 01 đến tháng 3) với các cánh đồng bắp rộng lớn và vụ Mùa (tháng 9 đến tháng 11) thay vào đó là các cánh đồng lúa xanh mướt, vàng óng trải dài dọc hai bên các tuyến đường giao thông đã được bê tông hóa, tập trung tại các xã Xuân Phú, Lang Minh, Xuân Thọ, Xuân Tâm, Xuân Bắc và Xuân Hưng. Đặc biệt vào mùa thu hoạch sẽ thấy được sự tấp nập của các máy tuốt bắp, máy gặt lúa và người nông dân hoạt động liên tục trên các cánh đồng.

 

Hiện nay, sản phẩm lúa bắp của huyện một phần được bán cho các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi trên địa bàn, một phần bán cho các thương lái. Để từng bước xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường, HTX TMDVNN Xuân Tiến, xã Xuân Phú được thành lập, với qui trình sản xuất sạch 100% như: bón phân hữu cơ vi sinh và sử dụng thuốc bảo vệ sinh học nên chất lượng gạo rất tốt, hạt cơm dẻo, thơm và lâu thiu… Hiện nay sản phẩm gạo sạch của HTX đã được sơ chế đóng gói và phân phối cho nhiều khách hàng các địa phương như: TP Biên Hòa và TP HCM với giá bán từ 16-18 ngàn đồng/kg, đối với sản phẩm bắp được sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp đặt hàng. Từ những hiệu quả đó, huyện đang nhân rộng mô hình này đến các xã khác.


Cây Tiêu

Diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện là 3.443 ha, diện tích cho sản phẩm là 2.100 ha, tập trung tại các xã Xuân Thọ (760 ha), Suối Cao (898 ha), Xuân Bắc (362 ha), Xuân Trường (363 ha), Lang Minh (428 ha), Xuân Hiệp (295 ha)… , năng suất bình quân toàn huyện đạt 30 tạ/ha.

 

Đi đầu trong xây dựng và phát triển cây hồ tiêu Xuân Lộc là HTX Hồ tiêu Xuân Thọ, được thành lập vào tháng 5/2014, giám đốc HTX Hồ tiêu Xuân Thọ là ông Trần Hữu Thắng, người được Hiệp hội Hồ tiêu thế giới phối hợp với Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương Việt Nam trao bằng khen “Người trồng tiêu giỏi nhất thế giới”. Hợp tác xã Hồ tiêu Xuân Thọ trở thành đầu mối thu mua hồ tiêu cho bà con, liên kết và bán trực tiếp với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, vừa tạo sự ổn định, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người nông dân. Hiện nay, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Hồ tiêu Xuân Lộc” cho cây hồ tiêu trên địa bàn huyện và HTX đang tiếp tục xây dựng chứng nhận Global Gap trên cây hồ tiêu.


 

Rau các loại

Diện tích rau toàn huyện cao nhất ở vụ Đông Xuân khoảng 1.500 ha và thấp nhất trong vụ Hè Thu khoảng 950 ha. Trong đó: Huyện đã phát triển mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới tại các xã Xuân Phú, Xuân Hiệp, Xuân Bắc... huyện đã và đang hướng dẫn người dân các vùng rau phát triển sản xuất rau theo hướng an toàn, hướng đến tiêu chuẩn VietGAP. Một số mô hình rau tiêu biểu như:

+ Mô hình sản xuất rau trong nhà lưới (có thể điều chỉnh được nhiệt độ, độ ẩm, tưới tự động và hẹn giờ tưới, trồng được các loại rau ôn đới như xà lách Pháp, cà chua và cả dâu tây) của Công ty TNHH Trang trại Việt, xã Xuân Trường. Với hướng sản xuất các loại Rau hữu cơ, giá thể để trồng các loại rau, quả bao gồm cát đã được xử lý sạch, trộn với phân gà hữu cơ do đơn vị sản xuất ra. Sản phẩm rau sau thu hoạch được cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn tại thành phố Hồ Chí Minh.


 

+ Rau mầm sạch: Sau nhiều năm nghiên cứu tìm hiểu, anh Diên ở Xuân Hiệp là một trong những nông dân đầu tiên ở Xuân Lộc xây dựng thành công mô hình rau mầm sạch để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Hoàn toàn sử dụng phân vi sinh trong việc bón rau cùng với kỹ thuật trồng rau hiện đại, sản phẩm rau mầm tại Xuân Lộc không chỉ có hương vị cay nồng thơm ngon, mà còn bổ sung vitamin rất có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng cho người dân trong huyện, thương hiệu rau mầm sạch của anh Nguyễn Đình Diên ở xã Xuân Hiệp còn đã được nhiều phụ nữ lựa chọn cho bữa ăn cho gia đình. Hiện tại mỗi ngày anh Diên cung cấp ra thị trường từ 30 đến 40kg rau mầm cải và rau muống. Có ngày lên đến 1 tạ. Sản phẩm này cũng đã được một số siêu thị trên địa bàn trong và ngoài tỉnh tiếp nhận để cung ứng ra thị trường.


 

Sản phẩm Trứng gà sạch Thanh Đức

Thương hiệu trứng gà sạch Thanh Đức tại Đồng Nai là thương hiệu được người tiêu dùng “tin tưởng”. Là trang trại chăn nuôi gà đầu tiên của tỉnh Đồng Nai tham gia bình ổn giá cả thị trường nhằm cung cấp những sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng với giá cả phải chăng. Đến nay thương hiệu trứng gà sạch Thanh Đức đã và đang tạo được niềm tin lớn cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện nay Thanh Đức đã có hệ thống gần 40 điểm phân phối trứng gà sạch tại Đồng Nai và các tỉnh lân cận: Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu, Bình Dương, TP.HCM và xuất khẩu gián tiếp sang thị trường Nhật Bản trung bình khoảng 100.000 quả trứng cho 1 tháng.

 

Tiểu thủ công nghiệp: Gỗ mỹ nghệ

Các cơ sở gỗ mỹ nghệ tập trung nhiều tại các địa bàn xã Xuân Tâm, Xuân Hưng, Xuân Hòa. Một số cơ sở gỗ mỹ nghệ lớn của huyện như cơ sở gỗ mỹ nghệ của ông Đoàn Minh Tiên, ấp 5, xã Xuân Tâm; cơ sở gỗ mỹ nghệ ông Đào Thiện Hùng, ấp 6, xã Xuân Tâm, Cơ sở gỗ mỹ nghệ ông Phan Khắc Dũng, ấp 6, xã Xuân Tâm; Cơ sở gỗ mỹ nghệ ông Nguyễn Mười, ấp 3, xã Xuân Hưng… Các mặt hàng gỗ mỹ nghệ tạo ra như bàn, ghế, giường, sản phẩm từ đồ gỗ mỹ nghệ…

Năm 2017, Trung tâm Khuyến Công tỉnh Đồng thực hiện hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú đối với 02 nghệ nhân thuộc Hội gỗ mỹ nghệ huyện Xuân Lộc là ông Đào Thiện Hùng ấp 6, xã Xuân Tâm và ông Đặng Công Lộc, ấp 1, xã Xuân Tâm; thực hiện hồ sơ đề nghị xét tặng 01 sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu đối với sản phẩm Giường gỗ đỏ của Công ty TNHH TMDV Hồ Sơn Tư.

Để tạo điều kiện giúp đỡ các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn gắn bó cùng phát triển, giúp các cơ sở mộc mỹ nghệ có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm nguồn nguyên liệu, tạo mối quan hệ hợp tác liên kết, liên doanh và giúp đỡ nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh và gìn giữ và bảo tồn các ngành nghề truyền thống tại địa phương. Hội gỗ mỹ nghệ huyện Xuân Lộc được thành lập với 24 Hội viên, được UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 271/QĐ-UBND ngày 25/01/2014 về phê duyệt Điều lệ Hội gỗ mỹ nghệ huyện Xuân Lộc. Sự ra đời của Hội gỗ mỹ nghệ huyện Xuân Lộc đã nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường, tạo ra vị thế mới cho ngành gỗ mỹ nghệ huyện Xuân Lộc trong giai đoạn hội nhập, góp phần làm tăng tính đa dạng trong sản phẩm, tạo thị trường tiêu thụ các sản phẩm khi có thương hiệu.


Sản phẩm du lịch: ĐẶC SẢN CHUỐI HỘT RỪNG



Chuối hột rừng được biết đến là một đặc sản của Chùa Gia Lào, huyện Xuân Lộc. Cây chuối hột rừng mọc rải rác trên núi Chứa Chan, tập trung nhiều nhất ở các thung lũng hoặc những khe nước chảy trên vách núi nên sản phẩm chuối hột nơi đây mang hương vị thơm ngon đặc biệt. Theo kinh nghiệm dân gian chuối hột rừng dùng chữa bệnh sỏi thận, bệnh dạ dày, kích thích tiêu hóa, bổ thận, chữa đau lưng, mệt mỏi, kém ăn, bồi bổ cơ thể… và một số bệnh khác như cảm sốt, táo bón, hắc lào... Chuối hột rừng sấy khô, ngâm với rượu cao độ, càng lâu càng tốt, cho ra một loại rượu có màu vàng tươi đẹp, uống thơm và bổ dưỡng, có tác dụng bổ thận, ngăn ngừa các bệnh về xương khớp. Với nhiều công dụng nên được người tiêu dùng rất ưu chuộng, hiện giá chuối hột rừng dao động từ 60 - 70 ngàn đồng/kg. Theo các cơ sở chế biến chuối hột rừng núi chứa chan: Sản phẩm chuối hột rừng nơi đây không chỉ cung cấp cho lượng khách đến hành hương tại chùa Gia Lào - núi Chứa Chan mà còn được các cơ sở cung cấp đi tiêu thụ ở thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Hà Nội.

Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.