Xuân Lộc - xã Xuân Hiệp : noi-dung-tin Xuân Lộc - Xuân Hiệp
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

Lượt Truy Cập
 

Nội dung

 
​Du lịch sinh thái nông thôn mới Cập nhật28-04-2023 02:38
Những năm gần đây, Xuân Lộc bắt đầu được lựa chọn trong điểm đến du lịch của nhiều du khách. Nói đến Xuân Lộc, người ta nhắc ngay đến huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước. Nơi đây, ngoài du lịch tâm linh về với danh lam thắng cảnh quốc gia Núi Chứa Chan uy nghi, hùng vĩ và hữu tình thì các địa danh như: khu du lịch thác trời, hồ Núi le, Gia ui cùng những sản vật của núi rừng và các món quà từ vườn cây ăn trái,… sẽ là điểm ghé lý tưởng cho các tour du lịch của du khách thập phương.


Cuối năm 2014, huyện Xuân Lộc được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của cả nước; năm 2015, 14/14 xã của huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2016, 02 xã Xuân Định, Xuân Thọ đã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện nay toàn huyện đang bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Qua phong trào xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của Xuân Lộc có nhiều khởi sắc, kinh tế phát triển theo hướng bền vững, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Các mục tiêu về chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn của huyện luôn đi đúng hướng, đạt kết quả khả quan, nhất là công tác xã hội hóa trong xây dựng cơ sở hạ tầng, mà trọng tâm là hạ tầng giao thông nông thôn, được huy động đầu tư đúng mức từ nhiều nguồn lực; đặc biệt đã tạo ra chất mới của một huyện miền núi; đã hình thành con người mới, diện mạo mới, sức sống mới, từng bước xóa dần khoảng cách giữa khu vực thành thị và nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 11,99 triệu đồng năm 2008 lên 49,6 triệu đồng năm 2016. Giá trị sản xuất trên 01 ha đất nông nghiệp của huyện năm 2010 là 77,6 triệu đồng, tăng lên 125,6 triệu đồng năm 2016.


Đạt được kết quả như trên, huyện đã chú trọng tập trung những nhiệm vụ đột phá, phát triển nhanh theo hướng bền vững với mục tiêu cốt lõi là “nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”. Đặc biệt quan tâm đến đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, phát huy tối đa nội lực gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và bảo đảm phương châm:“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để làm đường giao thông, xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất, chăm lo sự nghiệp giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội và quốc phòng an ninh. Chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”.

 

Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong xây dựng đường giao thông nông thôn, huyện đã xây dựng cơ chế và vận động nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp cùng tham gia với nhà nước, qua đó phong trào xã hội hóa đường giao thông nông thôn phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, giao các ban ngành của huyện giúp xã khảo sát, thiết kế, lâp dự toán, đánh giá hồ sơ mời thầu, đề xuất chỉ định thầu, giám sát thi công... Qua đó, tiết kiệm 15% chi phí xây dựng công trình. Trong những năm qua, toàn huyện đã đầu tư trên 800 tuyến đường, 8 trung tâm văn hóa thể thao học tập cộng đồng xã, 83 trụ sở ấp. Tổng kinh phí tiết kiệm được trong xây dựng cơ sở hạ tầng trên 450 tỷ đồng.

Đồng thời, để duy trì và phát huy các kết quả đạt được và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, huyện đã phát động và thực hiện phong trào xây dựng Tổ nhân dân kiểu mẫu, hộ gia đình kiểu mẫu với các nội dung xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn tự quản đảm bảo các tiêu chí “sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”; hộ gia đình có cảnh quan “xanh, sạch, đẹp“, tích cực tham gia BHYT, thu gom rác thải, sử dụng nước sạch, xây dựng hộ gia đình văn hóa, không có tệ nạn xã hội... Từng bước được hình thành và lan tỏa ra toàn huyện, với nhiều mô hình nổi bật tại xã Xuân Định, Xuân Thọ, Xuân Hiệp, Bảo Hòa, Xuân Bắc...

 

 

 Cùng với đó, nông thôn mới phải gắn liền với đời sống người dân, xây dựng nông thôn mới thì đời sống người dân phải ngày một nâng lên, đây là mục tiêu cốt lõi. Là một huyện nông thôn miền núi, huyện luôn xác định thế mạnh của ngành nông nghiệp, tập trung chỉ đạo và vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế các loại cây trồng có giá trị kinh tế thấp, các giống già cỗi để chuyển sang các loại cây trồng có giá trị cao được áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật; nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với từng vùng; thâm canh, tăng vụ nhằm tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác. Qua đó, trên địa bàn huyện Xuân Lộc hiện nay đã phát triển nhiều vùng sản xuất nông sản chuyên canh tập trung với diện tích, năng suất và sản lượng lớn; tập trung xây dựng các chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng và giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp. Việc phát triển các trang trại chăn nuôi heo, gà tập trung với quy mô lớn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi cũng được phát triển rất nhanh trong thời gian qua. Việc nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp cho giá trị thu nhập cao, hiệu quả nhằm nâng cao đời sống người dân, từ đó người dân mới có nguồn lực để đóng góp xây dựng nông thôn phát triển.

Có thể nói: Xuân Lộc là địa phương có nhiều địa danh, phong cảnh đẹp như: Khu du lịch Thác Trời, Khu du lịch sinh thái Hồ Núi Le, Hồ Gia Ui... Cùng với các địa điểm di tích như: Khu căn cứ Rừng Lá; Di tích QGDLTC Núi Chứa Chan…, là căn cứ kháng chiến của cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Núi Chứa Chan, còn được gọi là núi Gia Lào, nằm trong địa phận huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Trong cung đường chinh phục núi Chứa Chan, nếu đi bằng đường bộ, du khách sẽ phải vượt qua 2 đoạn đường chính gồm: đoạn đường lên chùa Bửu Quang với những bậc thang và đoạn đường còn lại với hàng bụi rậm lẫn trong gành đá cheo leo. Trên hành trình, bạn sẽ được trải nghiệm các tuyệt tác thiên nhiên ấn tượng nổi tiếng, màu xanh mơn mởn tràn đầy sức sống của cây và núi. Càng lên cao, du khách sẽ được hòa vào dòng mây trôi lơ lửng, bồng bềnh và đắm chìm trong không gian bình yên giữa thiên nhiên. Ngoài ra, trong chặng đường leo chinh phục ngọn núi cao thứ hai ở phương Nam, du khách còn được khám phá suối Tiên vắt ngang lưng chừng núi, có dòng nước trong vắt, chảy róc rách quanh năm. Dòng suối này như nàng sơn nữ giữa rừng, điểm tô vẻ đẹp huyền ảo và lung linh cho vùng sơn cước của mảnh đất Đồng Nai. Trong tour du lịch – chinh phục núi, du khách sẽ được tham quan ngôi chùa Bửu Quang nằm trên độ cao 600 m giữa núi rừng xanh thẳm, là nơi linh thiêng của tín đồ Phật giáo. Ngôi chùa này tọa lạc trong hang đá, được xây dựng từ thế kỷ XX và có kiến trúc hang động độc đáo với mái chánh điện vòm. Về với Chùa Gia Lào núi Chứa Chan, quý khách không thể ko ghé thăm các địa điểm như: Láng da, vườn trà Bảo Đại, Mật khu Hầm hinh và cây da ba gốc. Mật khu Hầm Hinh là nơi hoạt động của các chiến sĩ cách mạng (điểm đóng quân của Ban chỉ huy Chi đội 10 Biên Hòa thời 9 năm). Nơi đây là điểm lý tưởng khai thác du lịch tìm hiểu lịch sử và có tính chất khám phá mạo hiểm. Cửa vào hầm phải len lỏi leo qua nhiều tảng đá cheo leo hiểm trở, tạo sự hồi hộp và thú vị. Cây da ba gốc: là một địa điểm tín ngưỡng quan trọng nằm trên trục đường khi đi lên chùa Bửu Quang. Vì tính chất linh thiêng, cây da ba gốc là nơi thu hút nhiều khách ghé thăm khi đến núi Chứa Chan theo hướng du lịch tâm linh. Đây là một địa điểm quan trọng gắn kết không gian với khu vực cụm công trình di tích chùa Bửu Quang. Chiêm ngưỡng cây đa cao khoảng trên 50 m, với ba gốc một ngọn, chúng ta có thể cảm nhận được một vẻ đẹp có một không hai ở Việt Nam, bởi vẻ đẹp hoang dại của nó và những sự tích mà con người gắn cho nó như là một bức tranh vẽ đẹp tuyệt trần. Ở dưới gốc cây có một miếu thờ nhỏ, miếu có tên gọi là Miếu Sơn Thần, miếu này được cho là rất linh thiêng nên ai ai khi đến đây đều ghé vào để xin sức khỏe từ các vị thần.

Một điểm nhấn là vào đầu năm 2016, hệ thống cáp treo du lịch lên quần thể di tích lịch sử danh thắng núi Chứa chính thức khánh thành đưa vào sử dụng. Đây là tuyến cáp treo du lịch đầu tiên của Đồng Nai và là tuyến cáp treo du lịch thứ 3 ở khu vực Đông Nam bộ. Hệ thống cáp treo này được huyện kêu gọi đầu tư hoàn toàn bằng vốn của tư nhân, trị giá 300 tỷ đồng với chiều dài toàn tuyến cáp là 1.265 mét, độ cao chênh lệch giữ hai nhà ga là 254,90 mét. Tuyến cáp treo du lịch đi vào hoạt động sẽ tạo ra cú hích mạnh, khai thác tối đa tiềm năng du lịch của Núi Chứa Chan, đồng thời tạo ra nguồn thu đáng kể cho huyện. Việc xây dựng va đưa hệ thống cáp treo núi Chứa Chan đi vào hoạt động cũng góp phần “Phát triển du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trên cơ sở khai thác lợi thế và điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hoá lịch sử, đáp ứng nhu cầu du lịch trong nước và phát triển nhanh du lịch quốc tế, sớm đạt trình độ phát triển du lịch trong khu vực”. Một diện mạo mới của du lịch, thương mại, dịch vụ du lịch Xuân Lộc được định hình rõ nét, ấn tượng, hứa hẹn nhiều triển vọng trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế địa phương.


Bên cạnh khu di tích nổi tiếng Núi chứa chan, chùa Gia Lào, Các khu/Điểm du lịch hiện nay trên địa bàn huyện Xuân Lộc cũng đang được phát triển và kêu gọi đầu tư trong  giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó Khu du lịch Thác Trời: nằm trên tuyến đường Thanh Sơn – Xuân Bắc (thuộc ấp 7, xã Xuân Bắc). Vị trí nằm giáp Sông La Ngà. Với quy mô diện tích 57,8 ha. Khu du lịch sinh thái Thác Trời cách trung tâm Huyện Xuân Lộc 29 km. Nơi đây là một bức tranh hùng vĩ và hoang sơ của núi rừng, nơi con sông La Ngà đổ qua nhiều bậc đá là địa điểm xây dựng điểm đi thuyền trên sông và một số trò chơi mạo hiểm cùng các dịch vụ khác để phục vụ du khách, hứa hẹn sẽ là một điểm đến rất hấp dẫn với khách du lịch trẻ tuổi. Hiện nay, UBND huyện Xuân Lộc đang tiến hành đầu tư vườn cây ăn trái cạnh Thác Trời với diện tích 50 ha, với đa dạng chủng loại như: cam, quýt, xoài ở đồi Sapi, xây dựng thương hiệu trái cây sạch để phục vụ du khách.  Chia tay với Thác trời, hướng về Bình Thuận là khu vực hồ Núi le, Với quy mô diện tích khoảng 100ha nằm trên địa bàn Thị trấn Gia Ray. Ở đây phong cảnh hữu tình với nhiều dịch vụ quán ăn gia đình thoáng mát được xây cất sát nhau nhờ được thiết kế xây dựng xung qoanh bờ hồ với nhiều món ngon vật lạ là sản vật địa phương như các món tép xúc bánh tráng, ếch nấu chuối và cá lóc nấu cháo, cá lóc chưng tương… rất tươi ngon, bổ rẻ. Là địa điểm thích hợp cho gia đình, bạn bè vào dịp cuối tuần đến đây du ngoạn và thưởng thức. Đến nơi đây, du khách còn có thể du ngoạn tham quan hồ bằng thuyền hay tham gia các trò chơi câu cá giải trí. Trên trục đường quốc lộ 1A, Khu du lịch sinh thái Hồ Gia Ui: Với diện tích khoảng 260 ha; trong đó có 67 ha nằm trong quy hoạch đất du lịch; nằm trên địa bàn xã Xuân Tâm đây cũng là địa điểm sông nước, với cảnh quan thiên nhiên hết sức thơ mộng. Du khách đến đây có thể dạo thuyền trên hồ, tham gia picnic và vui chơi giải trí. Nằm cách trung tâm huyện lụy Xuân Lộc chừng 20km, Khu căn cứ Rừng Lá là điểm đến lý tưởng cho du khách trong các dịp về nguồn: Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, khu vực Rừng Lá trở thành căn cứ kháng chiến của cách mạng. Đây không chỉ là căn cứ của quân dân huyện Xuân Lộc, mà còn là căn cứ của lực lượng vũ trang tỉnh Biên Hòa trong những năm đầu kháng chiến. Từ căn cứ này, quân dân Đồng Nai đã tổ chức nhiều trận đánh địch vang dội, như: Bàu Cá, Bảo Chánh, Trảng Táo, Gia Huynh. Để ghi nhớ các anh hùng liệt sĩ và quá trình đấu tranh cực kỳ gian khó của nhân dân địa phương, đồng bào Chơro, các mẹ Việt Nam anh hùng sinh sống trên vùng đất Rừng Lá qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ, chính quyền và quân dân Xuân Lộc đã tiến hành xây dựng khu Đền thờ liệt sĩ căn cứ Rừng Lá đúng vào dịp kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng huyện Xuân Lộc ( 9-4-2013). Khu đền thờ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân huyện Xuân Lộc, góp phần giáo dục lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ sau.

Đến với Xuân Lộc là đến với huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước vào cuối năm 2014. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm trên địa bàn huyện với hơn 40 ngàn hec-ta. Trong đó, một số loại cây chủ yếu mang lại thu nhập cao cho nông dân như bắp, rau. Rau đã được chứng nhận VietGAP và sản xuất rau an toàn trong nhà lưới an toàn. Bắp là cây ngắn ngày chủ lực với diện tích trên 13 ngàn ha đều được trồng bằng giống mới. Diện tích cây lâu năm hơn 26 ngàn ha với các loại cây chủ yếu như điều, tiêu, xoài, sầu riêng, chôm chôm, thanh long. Trong đó, xoài đã được chứng nhận VietGAP, tiêu được chứng nhận nhãn hiệu “Hồ tiêu Xuân Lộc”. Thu nhập bình quân trên mỗi ha đất nông nghiệp của huyện Xuân Lộc đạt gần 215 triệu đồng/năm. Sản phẩm nông nghiệp của huyện Xuân Lộc có chất lượng tương đối cao và luôn hướng đến sản xuất an toàn cho người tiêu dùng.

Trên tuyến du lịch từ hướng thành phố Hồ Chí Minh ra, chúng ta có thể ghé qua vùng đặc sản sầu riêng, chôm chôm, măng cụt ở xã Xuân Định, Bảo Hòa với diện tích sầu riêng 375 ha, chôm chôm 1.831 ha, các loại sản phẩm có chất lượng và đa dạng như sầu riêng Ri6,  sầu riêng Thái Lan; chôm chôm nhãn, chôm chôm thái, chôm chôm Java. Ở đây, du khách có thể tận hưởng cảm giác tự mình hái trái, thưởng thức trái cây ngay tại chổ và mua trái cây tại vườn.

Sau đó, ghé vào vùng thanh long ruột đỏ diện tích 30 ha tại trang trại thanh long của ông Bùi Đình Anh và mô hình sản trứng gà sạch theo công nghệ nhật Bản của công ty TNHH TM DV Sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức ở xã Xuân Phú. Ở đây, du khách có thể mua về những trái thanh long mọng đỏ, những quả trứng gà sạch, làm quà biếu cho người thân hoặc dùng cho gia đình với sự an tâm tuyệt đối về chất lượng. Trên đường ra Miền Trung, du khách có thể ghé qua vùng sản xuất chuyên canh xoài ở xã Xuân Hưng, Xuân Hòa khoảng 1.000 ha, với nhiều chủng loại như xoài cát Hòa Lộc, xoài 3 mùa hay gọi là xoài bưởi, xoái cát Chu, xoài ăn xanh Thái Lan,  xoài ăn xanh Đài Loan.

Trong hành trình tổ chức Tour đến với Xuân Lộc quý khách có thể ghé xã Xuân Định cùng trao đổi, học tập kinh nghiệm thực hiện mô hình NTM , tham quan HTX sầu riêng và các tuyến đường giao thông theo chí sang xanh sách đẹp và an toàn, tham quan mô hình trồng hoa lan, công ty TNHH trứng gà sạch Thanh Đức sau đó vào khu du lịch danh thắng thưởng thức ẩm thực với các món đặc sản núi rừng, gồm thịt nướng, cơm lam, măng rừng; củng giao lưu các tiếc mục văn nghệ cồng chiêng, tham gia một số trò chơi dân gian do các hướng dẫn viên tổ chức. Qua một ngày trãi nghiệm du lịch với các địa danh nổi tiếng, đêm về du khách có thể nghỉ ngơi tại các khách sạn Hà Thi I, Hà Thi II, khách sạn Ngọc Anh với phong cảnh thoát mát, phòng ốc sang trọng và dung cơm trưa, cơm chiều tại các quán ăn như: cơm niêu Thanh Vân, các Trạm dừng chân Đại Phú, Mai Phương…

Song song với việc tập trung đấu tư phát triển kinh tế,  Xuân Lộc còn chú trọng đến đời sống văn hóa tinh thần, tập trung kêu gọi các đầu tư xây dựng và nâng cao vị thế, tầm quan trọng của các điểm du lịch các khu du lịch sinh thái như: Khu du lịch Thác Trời, Khu du lịch sinh thái Hồ Núi Le, Khu du lịch sinh thái Hồ Gia Ui... để đa dạng hóa các loại hình du lịch, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện. góp phần xây dựng Xuân Lộc trở thành huyện văn minh giàu đẹp, xứng đáng là đơn vị đạt danh hiệu nông thôn mới đầu tiên trong cả nước.

Nguồn Trang TTĐT​ huyện

 

Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.