Biên Hòa - P. Trảng Dài : noi-dung-tin Biên Hòa - P. Trảng Dài
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

Lượt Truy Cập
 

Nội dung

 
Văn hóa đọc sách trong xã hội hiện đại hôm nay Cập nhật17-02-2017 10:52
Có thể nói rằng, ở thời đại nào đi chăng nữa thì Văn hóa đọc sách luôn có ý nghĩa thôi thúc con người tìm hiểu, mở mang kiến thức, nâng cao sự hiểu biết và góp phần cải thiện nhân cách. Không chỉ có vậy, đọc sách còn giúp chúng ta thư giãn, tích lũy kiến thức một cách có hiệu quả. Nhưng thực tế hiện nay, bạn đọc đang giảm dần, nhất là lớp trẻ đang thờ ơ với văn hóa đọc sách, cái gì nhanh cái gì tiện thì họ theo dõi và họ cho rằng đọc sách là không cần thiết. Hiện nay, theo khảo sát ở một số trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học tại Bà Rịa – Vũng Tàu thì có rất ít bạn sinh viên đọc hết quyển giáo trình bộ môn mình học. Những quyển giáo trình như vậy dường như bị quên lãng, hay thậm chí họ còn không đụng đến, chỉ cần lướt web hay bây giờ giới trẻ đang có câu “cứ hỏi trang Google là rõ nhất”.

Những năm gần đây, nhịp sống hiện đại hối hả, bận rộn khiến cho thời gian nhàn rỗi của con người bị thu hẹp. Trong khi đó, văn hóa nghe nhìn đang phát triển vượt bậc, với rất nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hấp dẫn và nó có ở mọi nơi mọi lúc khiến cho người ta lười đọc sách và dần xa rời văn hóa đọc. Thực trạng văn hóa đọc sách ở Việt Nam hiện nay thật đáng lo ngại qua một số thống kê cụ thể như: có đến 32,27% công chức chỉ dành có 30 phút một ngày cho việc đọc sách, còn tầng lớp cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ có trên 10% đọc sách 2 giờ một ngày, con số quả là rất ít. Hiện nay, ở các nước phát triển như: Israel, Pháp, Nhật Bản, trung bình 1 người dân đọc từ 20 cuốn sách/năm. Các nước trong khu vực như: Singapore, số sách người dân đọc trung bình là 14 cuốn/năm; Malaysia là 10 cuốn/năm. Còn ở Việt Nam, trung bình 1 người chỉ đọc 4 cuốn sách/năm, trong đó 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn là sách khác.

Chúng ta có thể biết rằng, trước khi có phương tiện nghe, nhìn hiện đại như: TV, di động, Iphone… sách là con đường tốt nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Sách là một sản phẩm xã hội, là công cụ để tích lũy, truyền bá tri thức từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sách là một khái niệm mở; hình thức sách được thay đổi và cấu thành các dạng khác nhau tùy vào sự phát triển khoa học, công nghệ ở mỗi thời đại. Đọc sách sẽ giúp ta tích lũy nhiều kinh nghiệm, mở mang kiến thức trong mọi lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, tăng cường khả năng tư duy. Sách làm ta thấy thoải mái và yêu đời hơn; đưa ta vượt thời gian, không gian để tìm hiểu lịch sử hay khám phá những ý tưởng, phát minh mới trong tương lai. Đọc sách còn cho ta biết thêm về tình hình trong và ngoài nước, giúp ta tìm ra giá trị bản thân và chấp cánh cho những ước mơ, sáng tạo.

Thực tế, tác dụng của việc đọc sách không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu kiến thức mà còn là một biện pháp để hoàn thiện con người, rèn luyện cho người đọc những kĩ năng, tình cảm và thói quen hữu ích. Với ý nghĩa này, các loại sách văn hóa học, văn chương, lịch sử, triết học không chỉ là những loại sách thuần chuyên môn mà đã trở thành sách chung cho mọi người, cho xã hội. Lấy ý kiến của một số sinh viên ở các trường Trung cấp và Cao đẳng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hầu hết các bạn chung quan điểm là “chủ yếu chỉ đọc sách chuyên ngành của mình, còn các loại sách thuộc chuyên ngành khác thì rất hiếm khi đọc.” Chính suy nghĩ ấy, “văn hóa đọc sách ấy” đã khiến không ít bạn trẻ “loay hoay” trong việc giao tiếp, “cụt què” trong cách sử dụng ngôn ngữ, hạn chế trong năng lực tưởng tượng, sáng tạo và bao quát vấn đề…

Hiện nay, không thể không nói tới tác dụng của Internet đã tạo ra một phương thức đọc hiện đại, một mạng lưới thông tin, tri thức khổng lồ. Hệ thống thư viện ở các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc thi kể chuyện, sách thiếu nhi, các sự kiện như ngày hội đọc sách trong mỗi dịp hè để tạo dựng, phát triển và giáo dục thói quen đọc sách cho thiếu nhi. Bên cạnh những mặt tích cực trên, văn hóa đọc ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế nhất định. Chúng ta chưa hình thành được một chiến lược phát triển văn hóa đọc và cách phát triển nó trên bình diện quốc gia. Những sự kiện về sách chưa đủ để thu hút người đọc đến với sách. Người dân vẫn chưa có thói quen và kỹ năng đọc sách phù hợp mà chủ yếu đọc theo ngẫu hứng, chỉ có một bộ phận nhỏ học sinh, sinh viên và những người làm công tác nghiên cứu khoa học… mới có thói quen và cách đọc đúng. 

Xã hội ngày càng bận rộn, nhịp sống căng thẳng đòi hỏi con người phải cập nhật thông tin nhanh hơn mà đọc sách thì cần có thời gian để hiểu và tập trung cao độ. Chính điều này đã trở thành một vấn đề lớn: mọi người chỉ đọc lướt qua với tốc độ cao nên tuy kiến thức được tăng lên về lượng nhưng lại thiếu chiều sâu. Nói một cách khác chúng ta tưởng rằng chúng ta đã hiểu biết nhưng thực chất chúng ta mới chỉ chạm đến bề nổi của kiến thức chứ chưa hiểu được bản chất của vấn đề.

Nói tóm lại, học tập là một quá trình lâu dài. Đọc sách cũng vậy. Nếu chúng ta nhận thức được đầy đủ vai trò của sách cũng như biết cách tự tạo cho mình một kỹ năng, sở thích đọc hiệu quả thì chắc chắn rằng văn hóa đọc của nước ta sẽ ngày càng phát triển bền vững. Chúng ta cần phải bắt đầu từ gốc rễ, phải xây dựng hạ tầng cơ sở cho văn hóa đọc, giáo dục và nhận thức. Lúc đó tự bản thân mỗi người sẽ thấy việc đọc cần thiết như ăn cơm, uống nước hằng ngày./.

 

 ​

Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.
Tiếng Việt | English
tim kiem