Biên Hòa - P. Trảng Dài : noi-dung-tin Biên Hòa - P. Trảng Dài
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

Lượt Truy Cập
 

Nội dung

 
“Lời chào cao hơn mâm cỗ” - Nét ứng xử văn hóa của người Việt Nam Cập nhật08-11-2016 08:01
Từ xưa đến nay ông cha ta đã truyền miệng nhau và để lại biết bao nhiêu câu nói ngắn gọn nhưng lại giàu ý nghĩa, trong đó có một câu nói đáng để cho chúng ta quan tâm là “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Lời chào là biểu hiện đầu tiên của ứng xử giao tiếp, là sự thể hiện của con người trước tác động của người khác đến với mình. Lời chào thân thiện là hành vi ứng xử văn hóa và biểu hiện hành động ban đầu của con người, nó hình thành do lối sống, nếp suy nghĩ và cách nói năng của con người đối với những người chung quanh.

Trong cuộc sống thường ngày nhân dân ta rất trọng chữ tình, nói “lời chào cao hơn mâm cỗ” ở đây ông cha ta muốn nói lên những tình cảm tốt đẹp mà chỉ cần thể hiện bằng lời nói đã khiến cho người ta cảm thấy vui, thấy được quan tâm rồi chứ không phải là có mâm cao, cộ đầy mới vui. Nhớ lại thời đang đi học, ở trường mỗi khi gặp các thầy cô tất cả học sinh đều khoanh tay, cúi đầu đồng thanh “Em chào thầy (cô) ạ!”, về nhà gặp ông bà, cha mẹ, cô dì, chú bác, anh chị … những người lớn tuổi cũng đều khoanh tay cúi đầu “… chào … ạ!” một cách rất tự nhiên, thuần thục như một bản năng sống của chính mình vậy. Đó là do cách giáo dục về ứng xử giữa con người với nhau rất tinh tế của người Việt Nam, mà từ xưa ông cha ta đã để lại và được xem như một nét văn hóa ứng xử mang đậm bản sắc dân tộc của người Việt Nam chúng ta.

Hành vi ứng xử văn hóa của mỗi cá nhân là khác nhau, nó được hình thành qua quá trình học tập, rèn luyện và trưởng thành của mỗi người. Xã hội ngày càng phát triển, xu thế mở cửa hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng, chúng ta tiếp xúc và học tập được rất nhiều kinh nghiệm của nền kinh tế thị trường, nâng cao công nghệ sản xuất hiện đại. Nền kinh tế của nước ta đã có những bước phát triển nhảy vọt. Bên cạnh những thuận lợi về phát triển kinh tế, chúng ta còn phải đối mặt với những luồng văn hóa ngoại lai trái chiều khác, đi ngược lại với văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc, nhất là về cách ứng xử giữa con người với nhau. Về hành vi ứng xử có văn hóa của chúng ta và nhất là giới trẻ hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau, tuy nhiên chúng ta cần có cái nhìn khách quan khi đề cập, nhận xét về vấn đề này.

Tuổi trẻ ngày nay phần đông là những người năng động, có kiến thức rộng, đồng thời không ngừng học hỏi vươn lên để cống hiến dựng xây đất nước. Nhìn chung họ sống có hoài bão, lý tưởng rõ ràng, có những cách ứng xử tích cực, phù hợp với truyền thống, đạo lý dân tộc. Trong học tập, công tác tuổi trẻ ngày nay không ngừng vươn lên để đạt được những thành công. Trong nhiều kỳ thi Ô-lim-pích các môn học, những giải thi đấu thể thao khu vực và quốc tế, nhiều bạn trẻ Việt Nam đã nỗ lực vươn lên mang vinh quang về cho Tổ quốc, các diễn đàn dành cho thanh niên nói về xây dựng lối sống văn hóa như: “Tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích”; “Thanh niên tình nguyện” … đã thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Những hoạt động này góp phần giúp cho đoàn viên, thanh niên có những ứng xử tích cực, thể hiện bản lĩnh, sức trẻ và trách nhiệm với đất nước.

Bên cạnh những biểu hiện của hành vi ứng xử có văn hóa, hiện nay vẫn còn một bộ phận trong giới trẻ có những hành vi ứng xử thiếu văn hóa. Các cháu học sinh ở trường cũng chào thầy (cô) mỗi khi giáp mặt, nhưng chỉ qua quýt cho có lệ như vừa chạy vừa chào, hoặc miệng thì chào nhưng mắt lại nhìn chỗ khác. Còn khi về nhà, nhất là những lúc có khách đến, bố mẹ, ông bà thường phải nhắc nhở các cháu mới chịu chào. Trong các khu dân cư, nhất là ở các thành phố lớn, việc ra đường gặp nhau chào hỏi là một chuyện ít thấy. Trong các công sở nhất là những nơi tiếp công dân, việc nhân viên niềm nở, ân cần mỗi khi người dân tới tiếp xúc, làm việc là một chuyện càng hiếm hơn. Đối với một số ít bạn trẻ, bản thân họ không chịu tu dưỡng, không có ý chí phấn đấu, sống buông thả, sa đà vào các tệ nạn xã hội: cờ bạc, ma túy, mại dâm... Đây hoàn toàn là những biểu hiện của nếp sống xa lạ, sai trái, đi ngược với truyền thống văn hóa dân tộc.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay chúng ta cần có sự nhìn nhận nghiêm túc và có trách nhiệm về vấn đề này, cần có những biện pháp thích hợp nhân rộng, tuyên dương những hành vi ứng xử đẹp, phù hợp với văn hóa, đạo đức truyền thống của người Việt Nam, vừa phù hợp với các chuẩn mực của một xã hội hiện đại. Cần có nhiều việc làm cụ thể và thiết thực để làm chuyển biến nhận thức cho giới trẻ; phát động các phong trào thi đua để hướng họ vào những hành động tốt, Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm đúng mức, hướng dẫn, giúp đỡ và tháo gỡ những khó khăn, điều chỉnh những hành vi ứng xử chưa đẹp. Chúng ta cần quan tâm đến việc giáo dục về văn hóa ứng xử, biết nở nụ cười và có những lời chào thân thiện đối với nhau như câu nói truyền thống của người Việt Nam là coi “Lời chào cao hơn mâm cỗ”./.

                                                                                                                                                                   Mai Quyên  ( sưu tầm)                   

 

 ​

Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.
Tiếng Việt | English
tim kiem