Một mô hình tưới nước tiết kiệm tại ấp 6
Trong thực tế áp dụng tưới nước
cho vườn tiêu thì biện pháp tưới nước tiết kiệm trong mùa khô có thể giảm
khoảng 4,5 triệu đồng/ha cho mỗi tháng (công lao động và nhiên liệu). Trung
bình với 4 tháng khô hạn gay gắt thì người dân có thể tiết kiệm được khoảng 18
triệu/ha. Như vậy trong một năm canh tác, người dân đã có thể tiết kiệm chi phí
tương đương với việc lắp đặt một hệ thống tưới nước tiết kiệm. Việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm
nước (tưới phun mưa tại gốc, tưới nhỏ giọt) kết hợp bón phân có thể đảm
bảo đủ nước để lâu năm bung hoa đạt tới 93 - 95%; so với kỹ thuật tưới truyền thống, áp dụng
tưới phun mưa tại gốc và tưới nhỏ giọt có thể tiết kiệm đáng kể lượng nước tưới
(17% đối với tưới phun mưa tại gốc và 50% đối với tưới nhỏ giọt); tiết kiệm từ
7 - 9% phân bón đối với tưới phun mưa tại gốc và 30 - 40% đối với tưới nhỏ
giọt; giảm công chăm sóc và vận hành trên 50%.
Mô hình này hoạt động theo hình thức đưa nước
trực tiếp đến vùng gốc cây trồng qua hệ thống ống dẫn nước áp lực một cách liên
tục, có thể tưới phun và tưới nước nhỏ từng giọt nhờ các thiết bị đặc trưng là
các vòi tạo giọt. Lượng nước nhỏ liên tục từng giọt nhỏ nên tiêu hao nước không
nhiều, hạn chế được sự thất thoát nước nhưng lại cho hiệu quả tưới cao nhờ nước
tưới được cấp trực tiếp cho cây trồng. Thời gian tưới rất linh động và có thể
tưới, phun vào ban ngày lẫn ban đêm.
Phương pháp
tưới tiết kiệm này đã và đang áp dụng nhiều năm qua tại xã Phú Thịnh và là một
trong những “cách giải” hiệu quả cho bài toán tăng năng suất, chất lượng cây
trồng, giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm nước tưới, hạn chế sâu bệnh.
Theo các mô hình đã được áp dụng tại địa phương
thì mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây trồng không chỉ mang lại hiệu quả kinh
tế, mà còn mang lại hiệu quả cao về môi trường, nhất là đối với xã có chủ yếu
là cây lâu năm. Theo ông Nguyễn Bá Tường – Chủ tịch Hội nông dân xã thì để một công nghệ tưới tiên tiến, mô hình tiết kiệm nước thực sự
đến được với người nông dân cần phải tuyên truyền để nông dân thấy được hiệu
quả kinh tế và tính bền vững của các công nghệ này. Bên cạnh đó cần xây dựng cơ
chế, chính sách hỗ trợ về vốn để khuyến khích nông dân tích cực áp dụng công
nghệ.
Hiện
nay có khoảng 590ha
được đầu tư mô hình này, trong đó một số hộ có cây lâu năm như ca cao, tiêu,
bưởi, cà phê sẽ được nhà nước đầu tư vốn còn những hộ trồng các loại cây ăn
trái như sầu riêng, chôm chôm, xoài bước đầu cũng đã hướng đến mô hình này.
Phòng Nông nghiệp huyện Tân Phú thường xuyên tổ chức tập huấn, hội thảo hướng
dẫn người dân hiểu hơn về mô hình này cũng như tổ chức cho người dân tham quan
các mô hình đã đem lại hiệu quả trong thời gian qua.
Phạm Diễm