Thu mua bưởi tại chợ 8.5
Trước khi đến với mô hình trồng bưởi da
xanh, ông Nguyễn Văn Đúng, cư ngụ ấp 5 – xã Phú Thịnh – huyện Tân Phú, đã trồng
cây mảng cầu và cây cà phê nhưng hiệu quả kinh tế không cao nên ông mạnh dạng
chuyển qua trồng cây bưởi da xanh với diện tích gần 1,2 hecta, khu vườn này ông
trồng trên 350 gốc bưởi đang trong độ cho ra trái. Theo ông, yếu tố đầu tiên để trồng
thành công bưởi da xanh là phải nắm vững đặc tính sinh trưởng của cây, phương
pháp canh tác khoa học đúng kỹ thuật, thường xuyên tỉa cành, tạo tán cho cây
thông thoáng. Với hơn 11.000 m2 đất chuyên cây bưởi, hàng năm thu hoạch đạt sản
lượng gần 20 tấn trái/ năm, bình quân mỗi năm trừ đi các khoản chi phí ông Đúng
cho thu lãi 500 – 600 triệu đồng/năm.
Một nông dân đã từng trồng cây ăn quả có
múi, nhưng theo ông không có cây gì thu nhập ổn định và lợi nhuận cao như bưởi
da xanh. Tuy
nhiên, người nông dân cần nắm vững kỹ thuật chăm sóc thì cây bưởi mới đạt hiệu
quả, một số bà con trong và ngoài huyện Tân Phú đã đến tham quan học hỏi kinh
nghiệm cách trồng của ông Đúng. Hiện nay, mô hình trồng bưởi da xanh trên địa
bàn xã Phú Thịnh đang phát triển mạnh, đây là cơ hội để nông dân làm giàu từ
cây bưởi da xanh.
Ông Nguyễn Bá Tường, Chủ tịch Hội nông dân xã Phú Thịnh cho biết, địa phương xác định bưởi da xanh
là một trong những cây trồng chủ lực để phát triển nhằm nâng cao thu nhập
cho nông dân. Hiện
nay, trên địa bàn xã có gần 200 hecta bưởi da xanh, vì chất đất phù hợp vùng
đất ở địa phương. Trong thời gian qua, Phòng nông nghiệp huyện Tân Phú đã đầu tư cho những hộ trồng
mới về vật tư, kỹ thuật, phân bón và con giống, còn những hộ trồng thâm canh 1
ha được hỗ trợ 13 – 14 triệu đồng, cho hệ thống tưới nước bét quay nhạn thấp.
Và hướng tới đây xã sẽ tổ chức hội thảo, tham quan để cho nông dân trang bị thêm
kiến thức về kỹ thuật chăm sóc và áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh, xử
lý cho hoa ra trái vụ để xây dựng những vườn bưởi da xanh có giá trị kinh tế
cao.
Phạm Diễm