Tân Phú -Xã Phú Thịnh : noi-dung-tin Tân Phú  -Xã Phú Thịnh
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

Lượt Truy Cập
 

Nội dung

 
Trồng bưởi - Hướng đi mới cho nông dân xã Phú Thịnh Cập nhật16-06-2020 03:29
Những năm gần đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi lông hồng và bưởi da xanh nên nhiều hộ dân ở xã Phú Thịnh có nguồn thu nhập khá cao, ổn định kinh tế.

 
Thu mua bưởi tại xã Phú Thịnh

           ​Điều đáng chú ý là những nông dân chuyên canh cây bưởi ở xã Phú Thịnh đã không còn làm kinh tế theo kiểu tự phát, lẻ tẻ và mạnh ai nấy giữ bí quyết. Từ 2 năm nay, họ đã bắt đầu chuyển sang hướng làm kinh tế dạng tập thể và hướng đến trồng bưởi sạch. Hiện nay xã đang mở lớp dạy nghề trồng bưởi tại trung tâm Học tập cộng đồng do Trung tâm dạy nghề huyện Tân Phú kết hợp mở lớp dạy cho nông dân đang có nhu cầu tìm hiểu về kỹ thuật trồng cây bưởi đặc biệt là bưởi da xanh.

Anh Trần Quốc Tấn ở ấp 5 có 1h trồng bưởi da xanh và lông hồng chia sẻ " Ngoài phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây, muốn cây bưởi da xanh mang lại hiệu quả cao thì mình phải chịu khó chăm sóc tưới nước, bón phân đầy đủ. Khi bưởi ra quả thì mình dùng bao bọc từng quả lại để tránh sâu rầy, côn trùng và ánh sáng, không cần phải phun thuốc bảo vệ thực vật, do đó bưởi ngon ngọt và rất sạch”.

Còn đối với hộ gia đình Nguyễn Văn Tùng ở ấp 6 thì hơn 3 năm trồng bưởi da xanh, tôi thấy cây bưởi da xanh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây, cây sinh trưởng và phát triển tốt, trồng 4 - 5 năm thì có trái để bán ra thị trường. Hơn 100 gốc bưởi của gia đình tôi, mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng. So với nhiều loại cây trồng khác thì bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần.

Như gia đình bà Bùi Ngọc Yến có một mảnh vườn diện tích  khoảng 2 ha trồng đủ loại cây ăn trái như mãng cầu, cam, quýt, nhưng đầu ra bấp bênh, hiệu quả kinh tế không cao cùng với kinh nghiệm trồng các loại cây này chưa có nhiều nên kinh tế không phát triển. Những năm gần đây, nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng do địa phương phát động, được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về các loại cây giống mới cùng với đó là kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây trồng chủ lực được nhà nước hướng dẫn cụ thể. Gia đình bà Yến nhận thấy trồng bưởi da xanh có triển vọng tốt tại địa phương nên gia đình bà quyết định mua giống bưởi này để về trồng tên mảnh đất của mình. Nhờ vận dụng kinh nghiệm được tham gia các lớp tập huấn nên gia đình bà Yến bước đầu có kết quả khả quan khi cây bưởi phát triển tốt, ít sâu bệnh và cho trái đạt kết quả.

Những năm gần đây, có thời điểm trái bưởi da xanh hút hàng, giá tăng đến hơn 50.000 đồng/kg, nên vườn bưởi da xanh củabà Bùi Ngọc Yến thu nhập tăng nhiều lần so với các loại cây ăn trái khác tại địa phương. Có được nguồn vốn khá, gia đình bà đầu tư nuôi thêm dê giống và trồng thêm cây mít để có thức ăn chăn nuôi dê và lấy phân cải tạo vườn của mình. Đến nay gia đình bà Yến có hơn 20 con dê giống, mỗi năm bà thu nhập gần 200 triệu đồng.

Hiện bưởi da xanh có giá bán tại vườn từ 30.000 - 40.000 đồng/kg; thời điểm Tết Âm lịch có giá cao từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Nhờ giá trị kinh tế từ cây bưởi mang lại khá cao, vài năm trở lại đây nhiều hộ dân có thu nhập khá cao và ổn định. Xã Phú Thịnh đang khuyến khích nông dân đầu tư mở rộng diện tích trồng bưởi, xem đây là hướng thoát nghèo, làm giàu.

Thị trường tiêu thụ bưởi đặc biệt là bưởi da xanh hiện nay rất lớn. Bưởi da xanh hiện có giá trung bình khoảng 30.000 đồng/kg. Dịp Tết Mậu Tuất 2018 vừa qua, giá bưởi có lúc tăng trên 50.000 đồng/kg, nông dân thu hoạch được bao nhiêu, thương lái vào thu mua hết bấy nhiêu. Bưởi da xanh trồng ở Phú Thịnh được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, bưởi có vị thơm, ngọt, mọng nước không thua kém bất cứ loại bưởi nào trồng ở các tỉnh miền Tây.

Ông Nguyễn Bá Tường - Chủ tịch Hội nông dân cho biết: Theo định hướng của địa phương thì  mô hình chuyển đổi canh tác từ đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, cây công nghiệp đã mở ra một triển vọng mới trong phát triển kinh tế ở các xã miền núi như xã Phú Thịnh. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá đã làm thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ của người dân, từng bước góp phần hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân từ đó phát triển kinh tế địa phương vững mạnh.         Vấn đề về đầu ra cho loại trái cây này cũng đang được nông hết sức quan tâm. Hiện tại, bưởi thu hoạch xong vẫn phụ thuộc vào thương lái. Nếu thương lái đánh giá bưởi ngon sẽ mua giá cao, ngược lại sẽ bị chê và ép giá. Nếu giải quyết được đầu ra ổn định, người trồng bưởi ở  Phú Thịnh nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung sẽ có thể làm giàu trên mảnh vườn của mình.

Tin, ảnh: Kiều Diễm

Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.