Nhơn Trạch - Xã Phú Thạnh : Chính sách khoa học và công nghệ Nhơn Trạch - Xã Phú Thạnh
Tìm kiếm
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

Lượt Truy Cập
 

Nội dung

 
Chuyển đổi số “nối dài những giấc mơ” Cập nhật19-10-2021 09:15
“Chuyển đổi số sẽ là chìa khóa giúp Thái Nguyên hiện thực nhiều giấc mơ, giấc mơ này tiếp nối giấc mơ khác” – Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nói.

Tận dụng thời cơ

Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho biết, lựa chọn Chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 là chìa khoá tất yếu để phát triển kinh tế xã hội theo hướng xây dựng chính quyền điện tử; thực hiện Kinh tế số và Công dân số, trong đó, mục tiêu hướng tới là lấy sự hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp đối với các dịch vụ công trực tuyến làm thước đo hiệu quả của chính quyền, cải cách thủ tục hành chính theo hướng “một lần khai báo, trọn đời phục vụ”. 

"Địa phương nào triển khai thực hiện trước, địa phương đó sẽ có nhiều lợi thế. Chuyển đổi số sẽ là chìa khóa giúp Thái Nguyên hiện thực nhiều giấc mơ, giấc mơ này tiếp nối giấc mơ khác”, bà Hải cho hay.

Chuyển đổi số “nối dài những giấc mơ”

Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải: Chuyển đổi số cho phép Thái Nguyên “nối dài những giấc mơ” 

“Tiên phong thực hiện, Thái Nguyên còn “tranh thủ” được sự ủng hộ, giúp đỡ của Bộ Thông tin – Truyền thông, trực tiếp là Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã hỗ trợ cho tỉnh những ngày đầu bỡ ngỡ. Khi anh nói về vấn đề chuyển đổi số, tôi đã mạnh dạn đề nghị Bộ trưởng hỗ trợ, quan tâm tới tỉnh" - bà Hải kể lại.

Gần 2 tháng sau buổi họp với Bộ trưởng Bộ TT&TT năm 2020, Thái Nguyên đã "hiện thực hoá" quyết tâm chuyển đổi số với việc ban hành Nghị quyết số 01 và Kế hoạch triển khai.

Thay đổi nhận thức

Thời điểm trước khi Bộ trưởng Hùng nói câu chuyện về chuyển đổi số, các chỉ tiêu của Thái Nguyên vẫn ở mức độ khiêm nhường: việc cung cấp dịch vụ công cấp độ 4 phục vụ qua mạng tạo tiền đề cho việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số trên địa bàn tỉnh mới đạt 35%; tỷ lệ xử lý hồ sơ điện tử đạt trên 65%... 

Sau 3 tháng, Thái Nguyên đã nâng mức này lên 100% các thủ tục hành chính đủ điều kiện cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến. Các hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung được phát triển và khai thác hiệu quả, đặc biệt là việc xây dựng, đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Thái Nguyên. 

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là khi đã xây dựng được các dịch vụ công trực tuyến, người dùng - cụ thể là người dân và doanh nghiệp - có ứng dụng, tiếp nhận và sử dụng hay không. 

“Tôi yêu cầu các Sở, ngành, địa phương cần ganh đua nhau. Mình có dịch vụ công cấp độ 4 nhưng người dân có dùng hay không? Tỉnh uỷ yêu cầu các địa phương có phương án, kế hoạch hành động để thay đổi thói quen của người dân, ví dụ như tư vấn miễn phí. Xây dựng được đại lộ rồi mà không có người đi thì cũng không có tác dụng gì.  Đó là những vấn đề liên quan đến nhận thức", bà Hải giải thích.

Chẳng hạn, khi làm giấy khai sinh cho con từ trước tới nay người dân vẫn có thói quen ra gặp cán bộ tư pháp xã mang theo hộ khẩu, đăng ký kết hôn; giấy chứng sinh…, thậm chí còn kẹp cả phong bì  để "việc mới thuận". Đây là điều cần thay đổi từ trong thói quen, nhận thức. 

Hồ sơ được gửi đến trực tuyến, nơi tiếp nhận sẽ tự động đánh dấu thời hạn giải quyết, quá thời hạn hệ thống sẽ tự động nhắc những việc còn tồn đọng, và như thế, cán bộ thực hiện nhiệm vụ đã “được” tự động đánh giá mức độ có hoàn thành công việc hay không vào các kỳ cuối năm. Như vậy, bà con hoàn toàn yên tâm là yêu cầu của bà con sẽ được giải quyết. 

Vai trò người đứng đầu 

Trả lời câu hỏi, việc thay đổi thói quen từ lâu của người dân và của chính đội ngũ cán bộ (đặc biệt cấp xã) trong việc sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số, vai trò của người đứng đầu, cụ thể là vai trò của Bí thư Tỉnh uỷ và Chủ tịch UBND tỉnh sẽ như thế nào, bà Hải thẳng thắn: "Cán bộ là khâu quan trọng nhất, then chốt của then chốt".

Đến nay vẫn còn nhiều người lầm tưởng chuyển đổi số là số hóa toàn bộ quy trình vận hành và tổ chức thực hiện hoặc đánh đồng chuyển đổi số với chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số chỉ cần có công nghệ là đủ… Nhiều người còn băn khoăn trước câu hỏi tổ chức, địa phương mình chuyển đổi số bắt đầu từ đâu? Và thực hiện chuyển đổi số như thế nào?

"Để thực hiện chuyển đổi số thành công trước tiên phải bắt đầu từ tư duy, nhận thức của chúng ta" - Bí thư Thái Nguyên đúc rút bài học.

Những cuộc họp không sử dụng giấy - một "thói quen mới" đang được hình thành ở Thái Nguyên bắt đầu từ cuộc cách mạng chuyển đổi số.

Chuyển đổi số sẽ không thể diễn ra nếu chính mỗi người làm lãnh đạo không “chuyển đổi nhận thức”, thay đổi thói quen; thay đổi tư duy quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh đến nâng cao kỹ năng, năng lực số của cán bộ, đảng viên và người dân. 

“Trong các cuộc họp, tôi mở điện thoại của mình lên để minh chứng với những người tham dự là tôi đã cài phần mềm đây. Các đồng chí nếu không cài được sẽ có người hướng dẫn. Phải nghiêm khắc, tránh việc tạo cơ hội nảy sinh nguy cơ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, tiêu cực. Chính quyền số giúp hạn chế tiếp xúc với những người ở khâu khung gian, đặc biệt là các thủ tục hành chính", bà Hải chia sẻ. 

Sự ra đời của trung tâm dịch vụ hành chính công chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến một số người. Tuy nhiên, việc này sẽ giúp giảm thiểu việc tham nhũng vặt. Có thể nói chuyển đổi số đã tạo nên nhận thức của cả hệ thống chính trị, các cơ quan phải thực hiện đồng bộ, có sự nhắc nhở, giám sát lẫn nhau. 

“Thái Nguyên còn có một lợi thế khác, đó là đội ngũ lãnh đạo tỉnh nhiệm kỳ này rất trẻ trung, năng động, sáng tạo, hầu hết là thế hệ 7X. Cá nhân Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng, khi Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết 01 về Chuyển đổi số, đã ngay lập tức yêu cầu các cơ quan tham mưu xây dựng Kế hoạch triển khai, đưa nghị quyết vào cuộc sống. Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) là một ví dụ” -  Bí thư Tỉnh uỷ lạc quan khi đề cập tới "khâu then chốt" nhất trong hành trình chuyển đổi số mà Thái Nguyên đang từng bước xây dựng bền vững và quyết tâm cán đích mục tiêu sớm.

Nguồn: vietnamnet.vn
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.