Sản phẩm OCOP tham gia xúc tiến thương mại.
Theo nhiều chủ thể OCOP, hiện nay vấn đề tìm kiếm đầu ra cho
sản phẩm OCOP là bài toán được quan tâm nhất, đặc biệt là các thị trường tiêu
thụ, kênh bán hàng ổn định, bền vững. Nhiều doanh nghiệp, HTX, cơ sở có sản
phẩm OCOP vẫn đang loay hoay tìm cách kết nối để đưa sản phẩm vào các siêu thị,
chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn. Để các sản phẩm OCOP có đầu ra bền vững, ngành công
thương Đồng Nai đã và đang triển khai nhiều giải pháp để các sản phẩm OCOP có
thị trường tiêu thụ tốt hơn.
Ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Công thương, thời gian qua, ngành Công thương đã và đang tập
trung hỗ trợ các sản phẩm OCOP của tỉnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ, thông qua
các hội chợ, triển lãm để xúc tiến thương mại, mở rộng kênh phân phối…
Cũng theo lãnh đạo Sở Công thương
tỉnh, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều chương trình xúc tiến thương
mại, kết nối giao thương ở nước ngoài bị ảnh hưởng. Do đó, Sở Công thương sẽ
đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, giao thương với các địa phương
trong nước, trong đó tăng cường các hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm
OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của địa phương nhằm hỗ trợ đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Nai kết nối, tiêu thụ sản phẩm
OCOP. Hiện nay, đã có 7 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với 21 sản phẩm OCOP tỉnh
Đồng Nai đã ký hợp đồng tiêu thụ với hệ thống siêu thị BigC.
Đại diện nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn
tỉnh cho biết, nhiều sản phẩm OCOP của Đồng Nai có tiềm năng để vào các kênh
phân phối này. Tuy nhiên, vẫn cần thời gian để các bên thương thảo, lựa chọn
các mặt hàng phù hợp nhu cầu của thị trường mới có thể ký hợp đồng tiêu thụ lâu
dài. Thời gian qua, Sở Công thương Đồng Nai đã triển khai 18 điểm bán hàng Việt
trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là các sản phẩm OCOP chưa được
thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng, do đó việc tiêu thụ còn nhiều khó khăn.
Để chương trình OCOP đạt hiệu quả cao, Sở Công thương Đồng Nai đã phối hợp với
Sở Nông nghiệp và PTNT làm cầu nối thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn
không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.
Động lực để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phấn đấu đạt
chuẩn OCOP chính là đầu ra ổn định của sản phẩm. Sự hỗ trợ lớn nhất của chương
trình OCOP là giúp sản phẩm, đặc sản của địa phương được khách hàng nhận diện,
mở rộng kênh tiêu thụ vào các hệ thống siêu thị. Việc được chứng nhận sản phẩm
OCOP có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện, khẳng định uy tín để sản phẩm
OCOP Đồng Nai đi xa hơn nữa không chỉ trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.
Như vậy, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi
tắt là OCOP) trên địa bàn Đồng Nai đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Hiện toàn tỉnh có 71 sản phẩm OCOP, trong đó có một sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5
sao. Điều đáng nói là nhiều sản phẩm trong số đó là sản phẩm công nghiệp nông
thôn tiêu biểu các cấp của tỉnh Đồng Nai. Điều này cho thấy, giá trị cốt
lõi của Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đã thực sự đi vào chiều sâu, chú
trọng chất lượng và giá trị sản phẩm chứ không chỉ theo phong trào trong xây
dựng danh hiệu cho sản phẩm. Từ kết quả của chương trình, các cấp, các ngành và
địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang có những giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ
tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh nhà.
Lê Khôi