Thống Nhất - Xã Gia Kiệm : noi-dung-tin Thống Nhất - Xã Gia Kiệm
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

Lượt Truy Cập
 

Nội dung

 
NHỮNG NGÀY TẾT DÂN TỘC CỦA BÁC HỒ Cập nhật27-01-2022 03:44
NHỮNG NGÀY TẾT DÂN TỘC CỦA BÁC HỒ

Mỗi khi Tết đến, xuân về, không một người Việt Nam nào lại không nhớ đến Bác Hồ - lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, Danh nhân văn hóa thế giới, Anh hùng giải phóng dân tộc đã suốt đời hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Vào những ngày Tết dân tộc, Người vẫn dành trọn các ngày nghỉ của mình để đi thăm và chúc Tết đồng bào, chiến sỹ. 

Đối với Bác, việc đi thăm và chúc Tết này đã thành nền nếp bởi Người cho rằng, đây là cơ hội tốt để hiểu được đầy đủ đời sống của người lao động, là niềm vui, hạnh phúc lớn của người “đầy tớ của nhân dân” khi được tiếp xúc và nghe họ nói về mơ ước, khát vọng và niềm tin của mình về một năm mới đang gõ cửa từng nhà. Đã không ít lần Bác tâm sự, là người dân của một nước bị thực dân đô hộ, Người phải ra đi tìm đường cứu nước từ những năm còn niên thiếu và bắt đầu từ làm phụ bếp trên tầu Latusơ Trêvin, đến làm vườn ở Xanh Ađretro và cào tuyết ở Luân Đôn... không biết đến ngày nghỉ lễ, tết, nên khi nước nhà đã độc lập càng thấy quý trọng những ngày Tết dân tộc. Tuy vậy, với Bác, hạnh phúc lớn nhất trong những ngày Tết này lại ở chỗ được chứng kiến không khí mọi người, mọi nhà đoàn tụ và tận hưởng niềm vui trước những thành quả lao động sau một năm làm việc vất vả.

Vì quan niệm về hạnh phúc đơn giản, nhưng sâu sắc ấy mà kể từ ngày Bác đọc Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (trừ những năm ở chiến khu Việt Bắc) đến trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, hầu như năm nào, Người cũng đi thăm và chúc Tết đồng bào, chiến sỹ. Chương trình này được Bác chỉ thị cho Văn phòng chuẩn bị ngay từ khi kết thúc năm Dương lịch và được Người đôn đốc, kiểm tra rất kỹ trong những ngày giáp Tết. Có những Tết, mặc dù sức khỏe rất yếu, nhưng Bác vẫn muốn được đi thăm nhiều nơi làm cho Văn phòng phải lúng túng khi sắp xếp chương trình và cuối cùng phải nhờ đến Thủ tướng Phạm Văn Đồng thuyết phục, Người mới chấp nhận một chương trình phù hợp với mình. Bác đến với các gia đình công nhân, viên chức: Nguyễn Đình Kỳ, Mai Đình Cường, Nguyễn Phú Lộc, Giáo sư Tôn Thất Tùng, cụ Phạm Văn Hoan (92 tuổi)... ngay trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới; đến với công nhân các nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Dệt kim Đông Xuân, nông dân các HTXNN Lỗ Khê (ngoại thành Hà Nội), Văn Phú (Hà Tây), cán bộ và chiến sỹ bộ đội phòng không và không quân ở sân bay Bạch Mai... ngay trong buổi sáng của ngày mồng một Tết. Bác mang theo mùa xuân của đất trời đến với mọi người, truyền thêm sức mạnh và lòng tin cho từng tập thể, người lao động vững bước vào năm mới với năng suất và hiệu quả mới.

Nhiều cuộc gặp gỡ giữa Bác với những người lao động, nhất là lao động nghèo, đã diễn ra đầy xúc động trong giờ phút đáng nhớ của năm mới. Đó là vào đêm giao thừa của Tết đầu tiên sau ngày Độc lập, Bác và đồng chí Thư ký cùng dò dẫm trong một ngõ tối của phố Sinh Từ đến thăm một người từ tỉnh khác về Hà Nội kéo xe không đủ tiền về quê ăn Tết. Bác đứng nhìn người kéo xe đang lên cơn sốt với tất cả sự thương cảm. Bác lặng lẽ đi ra và dặn Thư ký hôm sau mang thuốc, quà của Người đến thăm hỏi. Xe đi được một đoạn, Bác nói: “30 Tết mà không có Tết” như để nhắc nhở mình về trách nhiệm chăm lo Tết cho những người nghèo. Ngay sáng mồng một, Bác đã mời đồng chí Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội lên phê bình không thực hiện thư của Người về tổ chức Tết, làm cho nhiều gia đình không có Tết và yêu cầu đồng chí Chủ tịch phải sửa chữa ngay khuyết điểm này. Và Tết năm sau, hầu hết các gia đình nghèo đều được hưởng Tết do các đội tuyên truyền phối hợp với nhân dân đường phố vận động tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau.

Nguồn: Tạp chí Lịch sử Đảng.7/2/2008​
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.
Tiếng Việt | English
tim kiem