Thống Nhất - Xã Gia Kiệm : Nội dung - Nông thôn mới Thống Nhất - Xã Gia Kiệm
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

Lượt Truy Cập
 

Nội dung

 
Tập trung hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID – 19 Cập nhật24-03-2020 03:13
Do ảnh hưởng của dịch COVID – 19, việc tiêu thụ và xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung gặp rất nhiều khó khăn. Trước thực trạng, UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản của nông dân trên địa bàn tỉnh.

 

Thời gian tới, chôm chôm sẽ vào thu hoạch chính vụ, nên cần sự chung tay để hỗ trợ tiêu thụ.

Tỉnh Đồng Nai có diện tích và sản lượng lớn các loại cây ăn trái như: chôm chôm, sầu riêng, cam, quýt (thời gian thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 9 dương lịch), trong điều kiện như hiện tại sẽ gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ dù giá bán đã dưới giá thành sản xuất, nông dân lỗ vốn. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy hiện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người nông dân vẫn chưa thực hiện được… Điều này dẫn đến việc tiêu thụ nông sản trong công nghiệp chế biến còn hạn chế.

Các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh và của các tỉnh bạn chủ yếu được sơ chế và xuất khẩu tươi sang Trung Quốc. Một số sản phẩm khác chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế nên giá trị gia tăng chưa cao. Vì vậy, giải pháp đưa ra là cần đẩy nhanh, mạnh hơn nữa việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách bền vững và đúng hướng.

Trước hết là tập trung vào công tác chế biến. Chúng ta đã có những nhân tố rất tích cực trong chuỗi giá trị, vì vậy phải chuyển đổi nhanh hơn, nâng cao năng lực các nhà máy chế biến hiện có; đưa nhiều nhà máy mới vào hoạt động, từ đó quay lại tổ chức vùng nguyên liệu thật chặt gắn nông dân với các nhà máy.

Song song với đó, cần phải tổ chức lại thị trường, không thể phụ thuộc vào một thị trường mà phải có nhiều thị trường tiêu thụ. Trước hết sức, người dân nên chú ý đến thị trường tiêu thụ nội địa, với gần 100 triệu dân trong nước.

Đối với xuất khẩu phải đa dạng hóa nhiều loại thị trường, đối với các thị trường truyền thống phải làm sâu sắc hơn, đồng thời tiếp tục đàm phán, mở cửa khai thác nhiều thị trường hơn nữa. Bên cạnh chế biến còn có tiêu thụ sản phẩm tươi; do đó, phải chú ý đa dạng hóa sản phẩm; sản phẩm nào chế biến được thì chế biến, sản phẩm nào cấp đông thì cấp đông, sản phẩm nào xuất tươi được thì xuất tươi… để cố gắng có thị trường đa dạng trên một nền sản xuất đa dạng.

Tiếp theo, phải tổ chức gắn sản xuất với tiêu thụ theo một chuỗi chặt chẽ, khi sản xuất là phải có địa chỉ tiêu thụ; sản xuất là phải có nơi chế biến; như vậy, mới hình thành nên một kịch bản sản xuất bền vững.

Cần tập trung rà soát lại toàn bộ quy hoạch, kế hoạch sản xuất; trên cơ sở đó, yêu cầu các doanh nghiệp cùng vào cuộc để làm hạt nhân, liên kết chặt chẽ với nông dân trong việc tổ chức sản xuất, tổ chức chế biến.

Các cơ quan chức năng phải tổ chức tốt hơn công tác thị trường, thông qua hội chợ, hội thảo quảng bá, giới thiệu sản phẩm để làm cho tái cơ cấu nông nghiệp bền vững, hiệu quả hơn.


Hiện nay, trái xoài tại Đồng Nai cũng đang trong vụ thu hoạch.

Trước thực trạng trên, ngày 18-3, UBND tỉnh đã có văn bản số 2755/UBND-KTN gửi các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản của nông dân trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Công thương thông qua Sở NN&PTNT nắm sản lượng các sản phẩm nông nghiệp có nguồn cung dư thừa cần hỗ trợ kết nối; Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành thực hiện công tác kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Trong trường hợp cần thiết, phối hợp tham mưu UBND tỉnh xây dựng chủ trương hỗ trợ kinh phí tiêu thụ nông sản cho nông dân (khâu chi phí vận chuyển, bao bì, thùng giấy đựng…); Kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, vận động các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn tỉnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân, cung cấp cho các bếp ăn tập thể, vận động các doanh nghiệp chế biến nông sản thu mua, chế biến đối với các loại nông sản có khả năng chế biến sâu; Kết nối với Sở Công thương các tỉnh nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản khi có nhu cầu…

Sở NN&PTNT theo dõi sản lượng của các sản phẩm nông nghiệp có nguồn cung dưa thừa cần hỗ trợ kết nối; Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện hướng dẫn nông dân trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản nông sản quy hoạch, yêu cầu kỹ thuật, đúng thời vụ; Thường xuyên kiểm tra dư lượng thuốc BVTV, đảm bảo sản phẩm nông sản an toàn đến tay người tiêu dùng; Phối hợp với UBND các huyện vận động các hộ nông dân liên kết với các doanh nghiệp để thuận lợi trong việc bao tiêu sản phẩm…

Các Sở, ngành liên quan và UBND các địa phương cũng được UBND tỉnh giao trách nhiệm trong việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản của nông dân trên địa bàn tỉnh.

Lê Khôi

Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.
Tiếng Việt | English
tim kiem