Xây dựng chính quyền thân thiện
là thiết lập, củng cố và phát triển mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân
ngày càng tốt đẹp hơn, đội ngũ cán bộ, công chức của chính quyền có thái độ tôn
trọng, ân cần và niềm nở với nhân dân; lắng nghe và chia sẻ góp ý của nhân dân
với chính quyền; không hách dịch, cửa quyền, không ...
1. Khái niệm và bản chất của
chính quyền thân thiện
1.1. Khái niệm
Hiến pháp năm 2013 là văn bản quy
phạm pháp luật cao nhất sử dụng thuật ngữ “Chính quyền địa phương” với tính chất
là một chế định pháp luật để thay cho chế định Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân
dân trước đó, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 1958 là văn bản luật đầu
tiên đề cập đến thuật ngữ “chính quyền địa phương”. Tuy nhiên, trong các văn bản
pháp luật, ngay cả Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 1958 và năm 2015
cũng không có định nghĩa chính thức về “chính quyền” hoặc “chính quyền địa
phương” mà chỉ nêu cách thức tổ chức chính quyền địa phương.
Hiện nay, thuật ngữ “chính quyền”
được sử dụng khá phổ biến nhưng nghĩa của thuật ngữ này chưa được hiểu thống nhất.
Trong Từ điển tiếng Việt, thuật ngữ chính quyền được hiểu là “bộ máy điều hành,
quản lý công việc của Nhà nước ở các cấp”(1), là “quyền điều khiển bộ máy nhà
nước”, “bộ máy điều khiển, quản lý công việc của nhà nước”(2). Từ đây có thể hiểu
chính quyền là tổ chức có quyền và khả năng buộc tổ chức khác và cá nhân phải lệ
thuộc vào ý chí của mình, nhằm thực hiện chức năng quản lý xã hội; nói cách
khác, chính quyền là cơ quan quản lý nhà nước sử dụng quyền lực nhà nước để quản
lý xã hội.
“Thân thiện” là thuật ngữ được
dùng trong lĩnh vực tình cảm hoặc các mối quan hệ, thể hiện sự dễ mến, gần gũi,
thân mật. Trong Từ điển tiếng Việt, thân thiện là “tỏ ra tử tế và có thiện cảm
với nhau”(3). Thân thiện là có tình cảm tốt, đối xử tử tế và thân thiết với
nhau. Nội hàm thuật ngữ “thân thiện” đã chứa đựng sự công bằng, bình đẳng, dân
chủ về pháp lý và sự yêu thương, tôn trọng về đạo lý. Bởi nếu bất bình đẳng, mất
dân chủ, vô cảm trong quan hệ thì không còn “thân”, “thiện”.
Chính quyền thân thiện là cách gọi
chính quyền được tổ chức và hoạt động gần gũi với nhân dân, tạo được sự thiện cảm
với nhân dân. Xây dựng chính quyền thân thiện là thiết lập, củng cố và phát triển
mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn, đội ngũ cán bộ,
công chức của chính quyền có thái độ tôn trọng, ân cần và niềm nở với nhân dân;
lắng nghe và chia sẻ góp ý của nhân dân với chính quyền; không hách dịch, cửa
quyền, không quan liêu trong giải quyết công việc của nhân dân…
Như vậy, chính quyền thân thiện
có thể được hiểu là những hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước nhằm loại bỏ
rào cản với nhân dân, luôn gần gũi với nhân dân, lắng nghe và tôn trọng ý kiến
của nhân dân để phục vụ nhân dân tốt hơn.
1.2. Bản chất của chính quyền
thân thiện
Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày
03/6/2013 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa XI về “Tăng cường và đổi mới
sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đã đề ra giải
pháp nhằm tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận,
trong đó đáng chú ý có nội dung: “Cán bộ, công chức, viên chức phải có trách
nhiệm vận động nhân dân. Xây dựng và thực hiện phong cách: “trọng dân, gần dân,
hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm
dân tin”; thường xuyên đi công tác cơ sở. Các cơ quan nhà nước, nhất là những
ngành, cơ quan, đơn vị có quan hệ trực tiếp với nhân dân cần công khai các quy
định cụ thể về trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức,
viên chức để nhân dân biết và giám sát, kiểm tra việc thực hiện. Đẩy mạnh cải
cách thủ tục hành chính, đổi mới lề lối làm việc, chấn chỉnh thái độ phục vụ
nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”(4).
Tại Hội nghị toàn quốc về tiếp tục
đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ngày 16/7/2018, Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu bộ máy chính quyền phải: “Nâng cao đạo đức
công vụ, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;
xây dựng chính quyền thật sự thân thiện, gần dân, trọng dân và vì dân”(5).
Từ phong trào xây dựng chính quyền
thân thiện ở các địa phương hiện nay cho thấy, mục đích của việc xây dựng chính
quyền thân thiện nhằm: 1) Thực hiện tốt việc phục vụ nhân dân khi đến giải quyết
công việc hành chính; 2) Đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc, chấn chỉnh thái độ phục
vụ nhân dân của cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước; 3) Cải
thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị và hành chính công.
Xây dựng chính quyền thân thiện
chính là việc thực hiện một chuỗi hoạt động trong cải cách hành chính của chính
quyền như: cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dân chủ ở cơ sở, xây dựng đạo
đức công vụ, chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, khiếu
nại, tố cáo...
Như vậy, chính quyền thân thiện
thực chất là các hoạt động của chính quyền nhằm thực hiện cải cách hành chính,
nghĩa là các hoạt động nhằm loại bỏ rào cản giữa công dân, tổ chức trong xã hội
với chính quyền, làm cho người dân, tổ chức không còn lo ngại khi tiếp xúc, làm
việc với chính quyền và người dân được thực hiện trên thực tế quyền làm chủ của
mình.
2. Sự cần thiết xây dựng chính
quyền thân thiện
Thứ nhất, từ bản chất Nhà nước ta
là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Chính quyền thân thiện bắt nguồn
từ bản chất của nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân
dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi
ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”(6); “Đảng ta là một đảng cầm
quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật
sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch,
phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân
dân”(7).
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nước
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước
thuộc về nhân dân”(8); “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân
dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân;
thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người
có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”(9).
Dân là chủ và dân làm chủ nên chính quyền phải phục vụ nhân dân. Chính quyền phải
làm cho người dân thực sự là người chủ của nhà nước, chứ không phải là người bị
cai trị.
Thứ hai, củng cố và nâng cao lòng
tin của nhân dân đối với chính quyền.
Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục
vụ của một bộ phận cán bộ, công chức đối với nhân dân chưa cao, thậm chí nhũng
nhiễu, tiêu cực, thiếu trách nhiệm và vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân
dân. Một số người có chức, có quyền có tác phong quan liêu, hách dịch, cửa quyền…“Tình
trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh
vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với
Đảng và Nhà nước. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận
còn diễn biến phức tạp hơn; một số rất ít cán bộ, đảng viên bị phần tử xấu lợi
dụng lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuộc đã có tư tưởng, việc làm chống đối
Đảng, Nhà nước”(10).
Những biểu hiện, hành vi đó không
chỉ gây khó khăn cho cá nhân và tổ chức đến làm việc với chính quyền, mà còn
làm cản trở sự phát triển của nền hành chính nhà nước, phát triển kinh tế - xã
hội, làm giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà
nước.
Thứ ba, các thế lực thù địch đang
tìm cách chống phá nhà nước bằng nhiều hình thức khác nhau.
Hiện nay, các thế lực thù địch
không ngừng tìm cách chống phá trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, tư
tưởng, văn hóa, xã hội, ngoại giao, quốc phòng - an ninh, khoa học, giáo dục...
Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước lợi dụng
internet và mạng xã hội để phát tán tin, bài, video clip có nội dung tuyên truyền,
kích động, xuyên tạc, tung tin thất thiệt, xoáy vào một số hiện tượng tiêu cực
trong xã hội làm cho một bộ phận nhân dân mất phương hướng, dẫn đến hoài nghi, thiếu
niềm tin với Đảng.
Do đó, cần phải xây dựng chính
quyền thân thiện để gần gũi với nhân dân, nắm bắt tư tưởng, mong muốn của nhân
dân. Chỉ có phục vụ nhân dân thì mới có được cảm tình của nhân dân,củng cố niềm
tin của nhân dân đối với bộ máy nhà nước.
3. Nội dung xây dựng chính quyền
thân thiện
3.1. Triển khai xây dựng và thực
hiện mô hình “Chính quyền thân thiện” tại xã.
3.2. Đảm bảo công khai dân chủ,
hướng tới chính quyền điện tử:
- Thực hiện nghiêm túc việc công
khai, minh bạch thủ tục, quy trình giải quyết thủ tục hành chính và các vấn đề
có liên quan đến thủ tục hành chính đối với các cá nhân và tổ chức tại trụ sở
UBND xã (fanpage, zalo page,…), trang thông tin điện tử của xã.
- Công khai số điện thoại của Bí
thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và cán bộ, công chức xã.
- Niêm yết danh mục thủ tục hành
chính và nội dung từng thủ tục hành chính theo quy định, công khai trên mục
thông tin cải cách hành chính của xã trên trang thông tin điện tử và trang mạng
xã hội (fanpage, zalo page).
- Thực hiện hệ thống tin nhắn trả
kết quả cho tổ chức và công dân khi đến giao dịch tại Ủy ban nhân dân xã.
- Lắp đặt hệ thống truyền thanh
thông minh tại các ấp thuộc xã.
- Duy trì hệ thống camera theo
dõi, giám sát cán bộ, công chức khi làm việc trực tiếp với người dân (cán bộ,
công chức làm việc ở bộ phận một cửa
xã).
- Duy trì hòm thư điện tử, địa chỉ
zalo, facebook,… để tiếp nhận ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân; đồng thời lắp
đặt thiết bị điện tử tại bộ phận một cửa để người dân đánh giá trực tiếp hiệu
quả công tác tiếp công dân, giải quyết các thủ tục hành chính.
3.3. Đảm bảo cơ sở vật chất,
môi trường công sở văn minh, thân thiện:
- Xây dựng cảnh quan môi trường
cơ quan trụ sở Ủy ban nhân dân xã thường xuyên đảm bảo “Sáng, xanh, sạch, đẹp,
an toàn” tạo ấn tượng tốt đối với công dân khi đến liên hệ, giao dịch.
- Bố trí phòng làm việc của bộ phận
một cửa:
+ Bố trí internet (wifi) miễn phí
cho người dân khi đến giải quyết thủ tục hành chính tại trụ sở Ủy ban nhân dân
xã.
+ Bàn ghế, nước uống; tủ, sách,
báo phục vụ đón tiếp công dân đến làm việc tại bộ phận một cửa.
+ Sắp xếp, bố trí vị trí làm việc,
các phòng làm việc của cán bộ, công chức, bố trí bộ phận tiếp nhận và trả kết
quả gọn gàng, khoa học đảm bảo tổ chức và công dân đến giao dịch thuận tiện,
đáp ứng 4 tiêu chí “nhanh hơn, tiết kiệm hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn”; đảm
bảo không có sự ngăn cách giữa cán bộ, công chức và Nhân dân khi làm việc ở bộ
phận một cửa.
3.4. Xây dựng hoạt động của
chính quyền theo hướng gần gũi, thân thiện
- Tổ chức các hoạt động thăm hỏi,
chúc mừng, động viên nhân dân, tổ chức, cá nhân như:
+ Tổ chức lễ trao Giấy chứng nhận
kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã; trao giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế (theo thủ
tục liên thông) tại nhà.
+ Nhân dịp năm mới, các ngày lễ lớn
của đất nước, người đứng đầu chính quyền soạn thảo nội dung và trực tiếp chúc mừng
toàn thể Nhân dân qua hệ thống thông tin truyền thanh của xã, trang tin điện tử
và các trang mạng xã hội của Ủy ban nhân dân xã.
- Hàng năm gặp gỡ, tiếp xúc với
các tổ chức, cá nhân có nhiều hoạt động ủng hộ địa phương, những người có uy
tín đang sinh sống tại địa phương. Gửi thư cảm ơn tổ chức, cá nhân có những
đóng góp bằng sức lực, trí tuệ, vật chất góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Chính
quyền và cộng đồng dân cư,...
+ Tổ chức đoàn đến thăm hỏi,
phúng viếng hoặc gửi thư chia buồn đến gia đình công dân có người thân qua đời
kèm theo Quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang.
+ Gửi thư xin lỗi với Nhân dân, tổ
chức, cá nhân về giải quyết công việc còn chậm, không đúng hẹn, trong quá trình
tiếp dân còn nhũng nhiễu, phiền hà,…
3.5. Xây dựng hình ảnh người đứng
đầu chính quyền gương mẫu, thân thiện và có trách nhiệm với Nhân dân:
- Thường xuyên gương mẫu đi đầu
trong việc thực hiện nghiêm túc các quy định, chuẩn mực về đạo đức, lối sống,
tác phong công tác của người cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt là trong giao tiếp, ứng xử và giải
quyết công việc với Nhân dân theo hướng “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân
và có trách nhiệm với dân”. Chịu trách nhiệm trước Ban chấp hành Đảng ủy, trước
Nhân dân về công tác điều hành toàn bộ hoạt động của chính quyền và việc thực
thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên thuộc Ủy ban nhân dân xã
do mình quản lý.
- Chỉ đạo xây dựng và triển khai
thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy chế, quy định về thực hiện đạo đức
công vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên thuộc chính quyền quản lý.
Thường xuyên làm tốt công tác bồi dưỡng, giáo dục, đôn đốc nhắc nhở, kiểm tra,
giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ công chức, nhất là công chức
làm việc tại Bộ phận một cửa, trực tiếp giải quyết các chế độ chính sách cho
Nhân dân.
- Xây dựng và thực hiện nghiêm
Quy chế tiếp công dân theo Luật Tiếp công dân; niêm yết công khai các quy định
về tổ chức tiếp công dân và xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định
của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.
- Thực hiện nghiêm Quy chế đối
thoại với Nhân dân theo Điều 125, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã tổ chức đối thoại trực tiếp với Nhân dân định kỳ
ít nhất 01 lần/năm theo Quyết định số 728-QĐ/TU, ngày 12/9/2016 của Ban Thường
vụ Tỉnh ủy Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp uỷ đảng,
chính quyền các cấp với Nhân dân.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thường
xuyên lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của Nhân dân tham gia xây dựng chính quyền,
giải quyết kịp thời những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân theo
quy định của pháp luật; đồng thời kiên trì tuyên truyền, giải thích, thuyết phục
Nhân dân đối những vấn đề Nhân dân chưa rõ, chưa đồng thuận.
3.6. Xây dựng đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức thân thiện và có trách nhiệm với Nhân dân:
Mỗi cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên
trách đều phải gương mẫu và thực hiện nghiêm túc các quy định, chuẩn mực về đạo
đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên, đạo đức công vụ, lề lối, tác phong
công tác trong giao tiếp, ứng xử và giải quyết công việc với Nhân dân. Thực hiện
tốt “Nụ cười công sở”, tiếp đón niềm nở, giải thích, hướng dẫn tận tình cho
Nhân dân và tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính.
- Thực hiện nghiêm “4 xin”, “4
luôn” và “5 không”:
+ “4 xin”: Xin chào, xin lỗi, xin
cảm ơn, xin phép.
+ “4 luôn”: Luôn mỉm cười, luôn
nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.
+ “5 không”:
+ Không cửa quyền, hách dịch, gây
khó khăn, phiền hà;
+ Không quan liêu, vô cảm, vô
trách nhiệm;
+ Không tham nhũng, lãng phí, lợi
ích nhóm;
+ Không xu nịnh, chạy chọt, gian
dối;
+ Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn
trong thực thi công vụ.