Bên cạnh đó, tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người dân về những mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán sản xuất. Từ việc đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương đã tạo chuyển biến rõ nét trong lựa chọn cây, con chủ lực để tập trung đầu tư phát triển; tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ với quy mô lớn; chú trọng quy hoạch và phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tỷ lệ và tốc độ cơ giới hóa sản xuất tăng nhanh, giảm được nhiều chi phí.
Ngoài các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao quy mô nhỏ lẻ, hiện tỉnh Đồng Nai đã thu hút được một số tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp Công nghệ cao như: Công ty TNHH Vineco đã xây dựng được 80 ha nhà màng và sản xuất trên 40 loại rau, củ, quả, đồng thời có khoảng 450 ha các loại cây ăn trái có ứng dụng công nghệ cao ở các khâu trong quy trình sản xuất; Công ty TNHH Trang trại Việt tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc có quy mô sản xuất 13 ha để cung ứng sản phẩm cho thị trường TP.Hồ Chí Minh; hay Công ty Cổ phần Việt Rau huyện Long Thành đã đầu tư xây dựng 08ha nhà màng, nhà lưới để sản xuất từ 30-40 loại rau xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.
Được biết, Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ hình thành được các vùng tập trung chuyên canh cây ăn trái chủ lực phục vụ xuất khẩu, các loại sản phẩm cung cấp nguyên liệu cho chế biến. Phấn đấu 100% diện tích cây trồng được áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao một phần hoặc toàn phần vào quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản. 100% người lao động trong các trang trại, HTX được tập huấn, bồi dưỡng ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng được đội ngũ nhân sự, chuyên gia nông nghiệp, lực lượng được đào tạo bài bản, đáp ứng nhu cầu sản xuất, canh tác nông nghiệp công nghệ cao, tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế.
P.Hương