Mỗi dịp Tết Nguyên đán gần kề cũng là thời điểm nông dân trồng hoa trên địa bàn xã Phú Hội lại tất chuẩn bị các công đoạn chăm sóc, bón phân để hoa nở đúng mùa vụ, phục vụ thị trường hoa Tết.
Anh Lý Tùng Khang giới thiệu vườn hoa mào gà đang khoe sắc đỏ rực
Đến thăm vườn trồng thọ và hoa mào gà của hộ anh Lý Tùng Khang - ấp Phú Mỹ 1 đã thấy hàng chục nhân công đang tỉa đọt, tưới cây, công việc không ngơi tay. Anh Khang là một trong những hộ nông dân có thu nhập ổn định nhờ vào trồng hoa bán Tết, thế mạnh của anh chính là trồng hoa vạn thọ giống Rồng Vàng và hoa mào gà Tháp. Do năm trước nhu cầu của thị trường khá cao nên hầu như “cung không đủ cầu”, do đó dịp tết Tân Sửu năm nay, anh đã mạnh dạn tăng số lượng hoa mào gà từ 900 chậu lên 2.200 chậu, riêng hoa vạn thọ anh vừa trồng để bán tết vừa bán cây con cho các thương lái, với số lượng khoảng 50 ngàn chậu, hiện tại anh còn giữ lại khoảng 20 ngàn chậu để tiếp tục chăm sóc, chờ ngày xuất bán.
Ông Phạm Văn Dưng cẩn thận tỉa đọt cây hoa giấy cẩm thạch đỏ đang chờ ngày xuất bán
Theo anh Khang, đa số các thương lái đến mua chủ yếu là trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, có người mua thọ con với mục đích trồng chưng tết, số còn lại mua về bán lại, thu lợi nhuận chênh lệch. Đối với giống thọ con, anh bán với giá từ 20 – 30 ngàn đồng/cây, còn thọ sau khi vô chậu được anh bán với giá sỉ khoảng 130 ngàn/cặp. Với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề trồng hoa Tết, vườn nhà anh Khang thường xuyên là địa điểm lui tới của nhiều người, ngoài cây giống anh cũng là nhà cung cấp hạt giống cho các hộ nông dân khác, đồng thời anh cũng nhiệt tình hướng dẫn cách trồng thích hợp giúp cây phát triển và ra hoa đẹp theo ý muốn.
Đối với giống hoa mào gà Tháp, anh Khang cũng phấn khởi cho biết đây là mặt hàng “hút khách” vì hoa có mào đỏ nổi bật, dáng đẹp như tòa tháp nên rất được người dân ưa chuộng. Trước đó, anh đã bán khoảng 18 ngàn cây mào gà giống. Hiện tại, còn lại gần 2.200 chậu mào gà lớn cũng đã có khách đặt mua gần hết, trung bình mỗi người đặt từ 100 – 200 chậu, với giá thành dao động từ 40 – 90 ngàn đồng/chậu; đặc biệt, anh không bày bán ở chợ như những người khác mà thương lái thường tự tìm đến mua với số lượng lớn vì chất lượng hoa do anh trồng rất đạt, hoa nở to và đều, với sắc đỏ đặc trưng, người bán có thể thu lợi nhuận từ 30 – 60 ngàn đồng/chậu khi bán lẻ ra thị trường. Cũng theo anh Khang, mặc dù năm nay là năm nhuận và thời tiết lạnh nên hoa nở sớm hơn so với dự tính. Tuy nhiên, chất lượng hoa vẫn đảm bảo phục vụ đúng dịp tết vì thời gian hoa mào gà sinh trưởng khá dài nên không ảnh hưởng nhiều đến vụ tết năm nay. Chia sẻ về các công đoạn chăm sóc hoa Tết, anh Khang cho biết, hoa mào gà được anh bắt đầu tỉa vào rằm tháng 9 âm lịch, khoảng 6 ngày thì bắt đầu ương và 4 ngày sau thì tưới phân, sau 25 ngày thì xuất cây con, cứ cách 3 ngày thì tưới phân một lần dưới dạng loãng, cứ 1 kg phân thì pha với 1.000 lít nước; đối với cây thời gian đầu thì sử dụng phân bón lá NPK 30-10-10, giai đoạn cây bắt đầu “làm bông” thì sử dụng phân NPK 20 – 20 -15, muốn cây xanh lá thì tiếp tục sử dụng phân NPK 30 – 10 – 10, vì thời điểm cây ra bông nếu không bón phân để giữ lá thì cây rất dễ bị vàng lá, khó bán hơn; trung bình mỗi ngày tưới 1 lần vào lúc sáng sớm, khoảng 20 tháng Chạp âm lịch anh bắt đầu xuất bán ra thị trường.
Nói về công đoạn trồng thọ, anh Khang cho biết thêm: “Tôi bắt đầu trồng ngày 28 tháng 10 âm lịch và làm khuôn, tỉa láng, sau 6 ngày thì bứng lên và cho vào vỉ theo từng cây, khoảng 15 ngày là có thể xuất bán và khoảng 17 ngày thì cho nhân công trồng”. Cũng theo anh Khang, hiện tại do công việc nhiều nên anh thuê khoảng 7 nhân công, có ngày tăng lên 12 người để chăm sóc cây, với mức lương là 300 ngàn đồng/ngày. Sau khi trừ các chi phí thuê nhân công, phân bón, chậu và hạt giống, ước tính mùa Tết năm nay, gia đình anh thu về lợi nhuận từ 300 – 400 triệu đồng. Rời vườn hoa của anh Khang, chúng tôi đến thăm vườn hoa giấy của ông Phạm Văn Dưng – cùng ngụ ấp phú Mỹ 1. Tại vườn hoa giấy với hàng trăm cây đang ra hoa, ông Dưng và nhân công đang thực hiện các công đoạn như: bón phân, tỉa cành chuẩn bị xuất bán ra thị trường. Năm nay, hộ ông Dưng đầu tư trồng khoảng 700 cây bông giấy các loại, trong đó có những giống mới như: cẩm thạch tím, cẩm thạch đỏ được ông chăm sóc cẩn thận, vì giá bán các giống này khá cao. Theo ông Dưng, trồng hoa giấy khâu quan trọng nhất là thời điểm cây đang “làm bông”, cây cần chăm sóc, tưới nước mỗi ngày nhưng phải đảm bảo được lượng nước cho mỗi cây phải khác nhau, nếu tưới nước quá nhiều thì ngọn bông giấy sẽ vượt cao làm hoa trổ không đều. Cũng theo ông Dưng, do năm nay là năm nhuần nên ngày ra hoa của cây bị chậm hơn nên mặc dù lượng khách đến xem có tăng nhưng chưa đặt mua nhiều. Hiện ông cũng đang chọn những cây ra hoa đạt để xuất bán còn những cây chưa đạt sẽ được giữ lại cho năm sau, riêng những cây có giá trị cao từ vài chục triệu đã có khách đặt trước để chưng tết. Tuy năm nay, chất lượng hoa không như mong muốn nhưng ông Dưng cho biết vẫn có lợi nhuận, phần nào giúp gia đình trang trải, mua sắm tết.
Đánh giá về lượng hoa tết và thu nhập của nông dân trồng hoa năm nay, anh Nguyễn Huy Sang – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội cho hay: “Năm nay, thị trường hoa Tết chậm hơn so với hằng năm nhưng chất lượng và số lượng vẫn đảm bảo cung cấp đủ cho người dân chơi tết, phục vụ các loại hoa giấy, mào gà và thọ. Thực tế cho thấy nông dân xã khi trồng vụ hoa Tết sau khi trừ chi phí các loại thì thu nhập rất khá, nhờ vậy cuộc sống của hội viên, nông dân cũng ổn định hơn”. Cũng theo anh Sang, trong thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục vận động các hội viên có niềm đam mê với hoa, cây cảnh vào Tổ hợp tác, từ đó áp dụng khoa học kỹ thuật và tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, giúp cho đời sống của nông dân tại địa phương ngày càng phát triển hơn nữa. Phía hội cũng khuyến khích các hộ nông dân có kinh nghiệm hướng dẫn, chia sẻ phương pháp, quy trình trồng và chăm sóc hoa cho những hội viên mới, qua đó giúp cho thị trường hoa tết thêm phong phú và sôi động.
Trương Huyền