Nhơn Trạch - Xã Phú Hội : noi-dung-tin Nhơn Trạch - Xã Phú Hội
Tìm kiếm
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

Lượt Truy Cập
 

Nội dung

 
Gương nông dân sáng tạo và vườn bưởi da xanh sai trĩu quả trên mảnh đất Phú Hội Cập nhật06-06-2022 10:16
​Từ một hộ nông dân chuyên trồng trà và các loại cây ăn trái như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt tại ấp Phú Mỹ 1, xã Phú Hội nhưng 4 năm qua, ông Nguyễn Thanh Phương (55 tuổi), là hội viên Hội nông dân huyện Nhơn Trạch đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng bưởi da xanh, nhờ sáng tạo trong cách làm nông nghiệp khi các loại cây ăn trái khác bị “thất thế”, gia đình ông mỗi năm thu lợi nhuận thêm trên 200 triệu đồng, giúp ông trang trải trong cuộc sống.
 

Từ một hộ nông dân chuyên trồng trà và các loại cây ăn trái như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt tại ấp Phú Mỹ 1, xã Phú Hội nhưng 4 năm qua, ông Nguyễn Thanh Phương (55 tuổi), là hội viên Hội nông dân huyện Nhơn Trạch đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng bưởi da xanh, nhờ sáng tạo trong cách làm nông nghiệp khi các loại cây ăn trái khác bị “thất thế”, gia đình ông mỗi năm thu lợi nhuận thêm trên 200 triệu đồng, giúp ông trang trải trong cuộc sống.

Ông Phương hiện đang sở hữu 7 ngàn m2 đất nông nghiệp, trong đó ông dành ra 2 ngàn m2 để trồng bưởi da xanh. Chia sẻ về cơ duyên chuyển sang trồng bưởi vì trên địa bàn xã Phú Hội vốn dĩ chưa có hộ dân nào trồng loại cây ăn trái này, theo ông Phương, trước đây đất của gia đình là một khu đồi cao hơn 20m, vì để lấy mặt bằng trồng trọt nên ông cho khai thác bằng phẳng, mảnh đất sau khi san bằng thì ông nhận thấy rất thích hợp để trồng cây trà, không chần chừ ông đầu tư trồng hơn 1 ngàn gốc, những năm đầu cây trà cho lợi nhuận rất tốt, thu hoạch đều. Tuy nhiên, những năm gần đây do tình hình ô nhiễm môi trường nên hàng ngàn cây trà của gia đình ông chết dần. Với bản chất của người nông dân hay làm, ông mới bàn với vợ trồng thử 20 gốc bưởi da xanh vừa để lấy bóng mát vừa có cây ăn trái nhưng kết quả khiến ông bất ngờ, chỉ sau 2 năm cây bưởi phát triển rất tốt, ra hoa rồi kết quả, trái sai trĩu cành càng làm ông phấn khởi. Năm 2016, ông mạnh dạn mua thêm 200 gốc bưởi giống ở miền Tây dạng chiết cành về trồng, không ngoài sự mong đợi của ông, những cây bưởi da xanh cứ lớn dần, đâm chồi nảy lộc, giúp gia đình ông thu hoạch quanh năm, trung bình mỗi tháng ông bán khoảng 500kg, với giá thành dao động từ 30 – 35 ngàn đồng/kg, thu về lợi nhuận trên 15 triệu đồng/tháng. Bưởi da xanh tại vườn của ông được nhiều khách hàng đánh giá ngon, ngọt, mọng nước, vỏ mỏng, bưởi đúng chuẩn mỗi trái nặng hơn 2,5kg.

Là hộ trồng bưởi da xanh đầu tiên trên đất Phú Hội nhưng ông không giấu nghề, ông Phương cho biết: “quy trình trồng cây bưởi rất dễ, đầu tiên là đào hố rộng khoảng 1 m, sâu 0,7m, cho bưởi giống xuống rồi trộn phân chuồng với phân lân cùng với đất vừa đào lên, sau đó lấp đất. Thời điểm trồng tốt nhất là cuối mùa khô, đầu mùa mưa”. 

Ông cũng chia sẻ thêm về bí quyết trồng bưởi, đó là đặc tính của cây bưởi thích hợp phát triển trên tầng đất cát, khi trồng nên sử dụng phân chuồng nhưng vẫn phải có phân hóa học chuyên dùng cho cây có múi và sử dụng với liều lượng phù hợp. Nếu không bón phân hóa học thì múi bưởi dễ bị khô, hay gọi theo dân gian là bưởi “bị chay”.

2020.23.10 ong Nguyen Thanh Phuong 1.png

Ông Nguyễn Thanh Phương giới thiệu vườn bưởi da xanh của gia đình

Đặc biệt, vì trồng trên đất cát nên cây bưởi hình thành bộ rễ chùm, cây phát triển theo dạng tầng, cành lá sum suê, đan xen giữa các cây với nhau, nhờ đó đã tạo nên bóng mát che chắn cho trái bưởi không bị tác động bởi ánh nắng mặt trời. Khi cây bưởi bị côn trùng, sâu bệnh tấn công, ông Phương bơm thuốc vào kim tiêm và chích trực tiếp vào chỗ thân cây bị nhiễm bệnh; còn trường hợp cây bị nhiễm nấm hồng (còn gọi là mốc hồng), loại bệnh này khi cây bưởi gặp phải nếu để lâu sẽ chết, qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu, ông Phương đã nghĩ ra giải pháp pha vôi bột với nước, sau đó quét đều lên chỗ thân cây bị nấm có thể giúp cây khỏi bệnh. Biết cách chăm sóc và phòng trừ các loại sâu bệnh nên vườn bưởi của ông Phương hầu như rất ít sâu bệnh, trên cây thời điểm nào cũng có trái chín và trái non nên thu hoạch mỗi ngày, giúp gia đình ông có thu nhập ổn định.


Ngoài vườn bưởi, ông Phương còn dành ra khoảng 3 ngàn m2 trồng măng cụt, với hơn 100 gốc. Vườn măng cụt có tuổi thọ trên 30 năm cũng là một trong những niềm vui của ông vì hiện nay, các loại cây ăn trái quen thuộc trên địa bàn xã Phú Hội ngày càng ít, chỉ một vài hộ còn giữ nhưng số lượng không nhiều. Măng cụt được thu hoạch tầm tháng 4 và tháng 5 âm lịch, ông bán khoảng 1 tấn mỗi năm. Nhờ có diện tích đất rộng, ông tận dụng các khoảng đất trống trồng thêm 5 – 6 bụi lá ren và 1 ngàn cây trà Phật, đây là những nguyên liệu quan trọng dùng ướp trà Phú Hội nhằm tạo nên hương vị đặc trưng, thơm ngon cho loại trà này. Lá ren được ông bán khoảng 200 ngàn đồng/kg cho các điểm chế biến trà Phú Hội, những nguyên liệu này hầu như ông có quanh năm vì trồng số lượng nhiều. 

 2020.23.10 ong Nguyen Thanh Phuong 2.JPG
Bụi lá ren được ông chăm sóc tốt nên nhiều người tìm mua

Ông Phương ngoài nguồn thu từ bưởi da xanh, măng cụt, lá ren trà phật, ông còn sở hữu đất trồng 3ha lúa tại khu vực xã Long Phước, huyện Long Thành, hiện mỗi năm ông trồng 2 vụ lúa, năm nay, ông tăng lên trồng 3 vụ. Mỗi đợt thu hoạch khoảng 1 tấn lúa/1 ngàn mét vuông, giá bán dao động từ 5.500 – 6.000 đồng/kg. Theo như tính toán của ông thì mỗi tháng ông có thu nhập khoảng 20 triệu đồng từ cây lúa, như vậy sau khi cộng tất cả các khoản thu nhập của gia đình ông từ hình thức làm nông nghiệp là gần 500 triệu đồng.

Nói về cách làm nông nghiệp của ông Phương và những đóng góp của ông cho công tác hội, anh Nguyễn Huy Sang – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú hội cho biết: “với vai trò vừa là đảng viên vừa là hội viên hội nông dân của xã, đồng chí Phương rất tích cực trong các phong trào do hội phát động, nhất là vận động nhân dân làm đường GTNT, phát quang bụi rậm, khơi thông dòng chảy các mương thoát nước vào mùa mưa. Từ năm 2016  đến năm 2020, đồng chí là gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện; đồng chí  cũng thường xuyên tham gia sinh hoạt các Tổ hợp tác và rất nhiệt tình đóng góp ý kiến, sáng kiến của mình giúp cho các Tổ hợp tác trên địa bàn xã hoạt động hiệu quả hơn”.

Nhờ có quỹ đất rộng và tinh thần ham học hỏi, chịu khó tìm tòi và trồng các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng của xã Phú Hội mà ông Phương, từ một nông dân bị thất thu do đất đai ô nhiễm thì chỉ trong vòng vài năm, sau khi chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh, ông đã “vực dậy” kinh tế của gia đình và trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi suốt 4 năm liền. Có thể nói, ông chính là một trong những tấm gương sáng về người nông dân biết tư duy, sáng tạo, thích nghi với hoàn cảnh và sẵn sàng ứng dụng những giống cây mới vào trồng trọt, góp phần đa dạng hóa các loại cây trồng tại địa phương.

Trương Huyền

 
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.