Cây có múi được người
dân ở xã Bình Lợi trồng khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Bắt đầu từ các hộ trồng nhỏ
lẻ, hiện đã có 100 hộ tham gia trồng cây có múi, mở rộng ra toàn xã với tổng
diện tích khoảng 217 ha. Những năm gần đây, xã đã chuyển đổi dần các loại cây trồng
truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp bằng cây có múi, hình thành vùng trồng tập
trung gồm các loại bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, cam, quýt... Mặc dù chưa theo quy
trình tiêu chuẩn, nhưng các hộ đã hướng đến sản xuất nông sản sạch, chất lượng,
hạn chế tối đa các loại thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm hóa học. Vụ thu hoạch
năm 2019, các loại cam, bưởi giá cả ổn định, cao nhất là 15.000 đồng/kg, tuy
không cao như các năm trước, nhưng hiệu quả vẫn tốt hơn so với các loại cây
trồng truyền thống khác.
Nhằm tiếp tục phát triển, mở rộng, tạo sự bền
vững cho cây có múi, xã đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ
cải tạo vườn tạp, vốn vay, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả... Bên
cạnh đó, xã từng bước xây dựng vùng chuyên canh cây có múi, thành lập HTX,
khuyến khích người dân sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng thuốc bảo
vệ thực vật, nhằm hướng tới tiêu chí nông sản sạch, chất lượng, tạo ra các sản
phẩm chất lượng cao, tạo dựng uy tín trên thị trường.
Ông Lê Hoàng Long, Phó chủ tịch UBND xã Bình Lợi cho biết, trên địa bàn xã hiện có 2 cây trồng chủ lực là cây lúa (400 hécta) và cây bưởi da xanh (217 hécta). Dự kiến đến năm 2025, diện tích trồng bưởi của xã Bình Lợi sẽ tăng lên khoảng trên 300 hécta, từ những diện tích trồng cây tràm, trồng lúa, trồng mía kém hiệu quả. Thời gian tới, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Đồng Nai sẽ phối hợp với Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Vĩnh Cửu hỗ trợ địa phương xây dựng chuỗi liên kết cho sản phẩm bưởi da xanh từng bước vững chắc xây dựng sản phẩm OCOP, đóng góp cụ thể
cho đặc sản thương hiệu Bưởi da xanh Bình Lợi./.
Nguyệt Nguyễn