Sản phẩm không chỉ góp phần nâng cao giá trị thương hiệu bưởi Bình Lợi mà còn góp phần giải quyết vấn đề môi trường ở địa phương.
Giải quyết vấn đề môi trường
Nằm cách TP.Biên Hòa hơn chục km, xã Bình Lợi
có 2 loại cây trồng chủ lực là bưởi và lúa. Chỉ tính riêng diện tích trồng bưởi
địa phương này hiện có gần 230 ha, trong đó có 165 ha đã cho thu hoạch. Do phù
hợp khí hậu, thổ nhưỡng và cho giá trị kinh tế cao, diện tích cây bưởi đang
ngày càng được mở rộng, trong đó chủ yếu là giống bưởi da xanh.
Để vườn bưởi đạt hiệu
quả cao, trong quá trình chăm sóc, bà con nhà vườn thường phải loại bỏ bớt
khoảng 30% trái bưởi non, chỉ để lại khoảng 2/3 lượng trái bưởi trên cây. Điều
này nhằm giúp cho cây bưởi phát triển tốt, cho nhiều trái đạt chất lượng bán
được giá cao hơn. Tuy nhiên, những trái bưởi non loại thải bà con thường vứt bỏ
trong vườn hoặc ném dưới kênh rạch. Chính điều này khiến cho đất bị chua, trái
bưởi phân hủy lại tăng mầm bệnh hại cây và gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, gần
đây một doanh nghiệp, HTX và người dân địa phương đã thử tiến hành chiết xuất
tinh dầu bưởi từ những trái bưởi non loại thải này nhằm góp phần giải quyết vấn
đề môi trường trong sản xuất.
Ông Trần Hoàn Thiện,
Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ tổng hợp Bình Lợi đã tự mày mò tìm cách
chiết xuất tinh dầu để dùng thử trong gia đình. Khi thấy hiệu quả tốt nên ông
quyết định đầu tư máy móc để làm bài bản hơn. Ông Thiện chia sẻ: “Thực tế ở địa
phương rất nhiều nhà vườn trồng bưởi thường có thói quen tỉa bớt trái và vứt
đầy trên mặt vườn hay dưới mương nước gây ô nhiễm, lại còn phát sinh mầm bệnh
hại cây trồng. Do đó, tôi thu mua hết số bưởi non này để chưng cất ra tinh dầu
bưởi và chế biến ra được nhiều sản phẩm có giá trị cao, thân thiện với môi
trường từ nguồn nguyên liệu vốn bị lãng phí này”. Theo ông Thiện, trước
đây những trái bưởi non thu gom về phải dùng tay để bào vỏ rồi mới đem xay để
chưng cất tinh dầu, nhưng bây giờ đã có máy bào vỏ khiến năng suất chưng cất
tinh dầu tăng lên rất đáng kể. Năm 2020, HTX sẽ hoàn thành việc xin cấp nhãn
hiệu hàng hóa cho sản phẩm tinh dầu bưởi. Khi làm được tinh dầu thành công,
nhưng vấn đề đòi hỏi phải giải quyết được hết số bưởi non sau khi đã lấy vỏ để
chưng cất tinh dầu. Do đó, ông đã tìm cách ủ trái bưởi non này để làm phân hữu
cơ.
Ông Thiện ủ trái bưởi non để làm phân hữu cơ
Nâng cao giá trị cây bưởi Bình Lợi
Bình Lợi là một trong 5 xã thuộc khu vực chỉ dẫn địa lý bưởi Tân Triều (bao gồm các xã Bình Hòa, Tân Bình, Bình Lợi, Thiện Tân và Tân An). Đây là thuận lợi lớn để bà con nông dân nơi đây tiếp tục phát triển diện tích trồng bưởi. Bên cạnh đó, HTX Nông nghiệp – dịch vụ tổng hợp Bình Lợi đã hoàn tất hồ sơ, thủ tục để xin cấp nhãn hiệu hàng hóa cho trái bưởi da xanh Bình Lợi. Hồ sơ này đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) chấp nhận.
Việc tạo dựng được thương hiệu riêng sẽ giúp ích trong việc tiêu thụ bưởi da xanh Bình Lợi, đem lại lợi ích kinh tế cao cho người nông dân. Sản phẩm tinh dầu bưởi sẽ góp phần nâng cao giá trị cây bưởi Bình Lợi. Trong năm 2020, HTX Nông nghiệp – dịch vụ tổng hợp Bình Lợi sẽ tiếp tục làm hồ sơ để xin cấp nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm tinh dầu bưởi.
Ông Lê Hoàng Long, Phó chủ tịch UBND xã Bình Lợi cho biết: “Công việc chính của ông Thiện là làm trong lĩnh vực xây dựng và phụ trách HTX Nông nghiệp – dịch vụ tổng hợp Bình Lợi. Việc sản xuất tinh dầu bưởi là một đóng góp của ông Thiện dành cho xã nông thôn Bình Lợi”.
Cá nhân ông Thiện cũng như bà con nông dân ở Bình Lợi mong muốn sản phẩm tinh dầu bưởi Bình Lợi sẽ đáp ứng được chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và từng bước giới thiệu rộng rãi sản phẩm này ra thị trường.
Nguyệt Nguyễn