1. Vị trí địa lý
Xã Long Đức nằm cách trung tâm huyện Long Thành 01 km về phía
Đông Bắc.
2. Diện tích
Diện tích đất tự nhiên: 3.043ha, bằng 5,69% diện tích của huyện
Long Thành.
3. Giáp ranh
Phía Bắc giáp xã An Viễng và huyện Trảng Bom.
Phía Nam giáp Thị trấn Long Thành (huyện Long Thành thuộc tỉnh. Đồng
Nai)
Phía Tây giáp xã An Phước (huyện Long Thành thuộc tỉnh. Đồng Nai)
Phía Đông giáp xã Lộc An (huyện Long Thành thuộc tỉnh. Đồng Nai)
4. Đơn vị hành chính
Xã Long Đức được chia thành 4 khu gồm: khu 12, khu 13, khu 14, khu
15.
5. Địa hình
Địa hình xã Long Đức nằm trong vùng chuyển tiếp giữa vùng lưu
vực sông Đồng Nai và vùng cao Xuân Lộc. Địa hình của xã chủ yếu là dạng địa
hình bằng và lượn sóng nhẹ, cao độ trung bình biến đổi từ 2-10m, độ dốc dao động
từ 0-80, nhưng phần lớn dưới 30, nên khả năng tiêu thoát nước hạn chế, dễ dẫn đến
ngập úng cục bộ khi mưa lớn.
Chế độ thủy văn của xã được phân hóa theo mùa và chịu ảnh hưởng lớn
bởi lượng nước mưa và nguồn nước ngầm. Xã Long Đức có 2 nguồn nước đó là: nước
ngầm và nước mặt. Nguồn nước ngầm dồi dào, chiều dày tầng chứa nước từ 30 -
90m, có thể khai thác tập trung với lưu lượng mỗi lỗ khoan từ 500-1.000
m3/ngày. Người dân sử dụng giếng khoan bơm vào bồn và bể chứa để sử dụng cho
sinh hoạt hàng ngày. Tỷ lệ số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh 1.971/2.072 hộ (đạt
tỷ lệ 95%).
Nguồn nước mặt chủ yếu là từ hệ thống ao hồ, suối nhỏ. Xã
Long Đức có hai con suối chảy qua, lượng nước vào mùa mưa cung cấp cho sản xuất
nông nghiệp, trồng trọt và sinh hoạt khá dồi dào, chất lượng nước tốt. Tuy
nhiên, do lưu lượng nước ít lại phân bố không đều trong năm (mùa mưa chiếm khoảng
80% lưu lượng cả năm, mùa khô chỉ khoảng 20%), nên hiệu suất sử dụng nước không
cao.
6. Khí hậu
Xã Long Đức nằm trong vùng khí hậu cận xích đạo, trong năm có hai
mùa rõ rệt, với nền nhiệt độ cao đều trong năm (nhiệt độ trung bình năm 260C,
trong đó trung bình thấp nhất 230C, trung bình cao nhất khoảng 290C)
là điều kiện đảm bảo cho cây trồng phát triển quanh năm.
Mùa mưa kéo dài trong 6 tháng (từ tháng 5 đến tháng 10), chiếm khoảng
90% tổng lượng mưa cả năm, với lượng mưa trung bình khoảng 333 mm/tháng.
Mùa khô kéo dài 6 tháng (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau), lượng
mưa thấp chỉ chiếm khoảng 10% lượng mưa cả năm, lượng mưa bình quân khoảng 25
mm/tháng, đặc biệt tháng 1 và 2 hầu như không có mưa. Nhưng lượng nước bốc hơi
cao (trung bình khoảng 112 mm/tháng) chiếm khoảng 65% lượng bốc hơi cả năm. Lượng
mưa phân hóa theo mùa đã chi phối mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp, mùa mưa cây
cối phát triển tốt là vụ sản xuất chính trong năm.
7. Lịch sử văn hóa
Thời gian thành lập:
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã
Long Đức có vị trí chiến lược, là địa bàn quan trọng, xung yếu về mặt phòng thủ
quân sự, bảo vệ chi khu Long Thành. Đồng thời, xã Long Đức cũng nằm trong
phạm vi của đồn điền cao su Siph xưa, một trong những đồn điền cao su lớn
của tỉnh Biên Hòa.
Ngay từ khi mới thành lập Đảng Cộng sản năm 1930, công nhân
cao su Siph cùng với công nhân cao su Đồng Nai đã đấu tranh mạnh mẽ với giới
chủ tư bản Pháp qua các hoạt động chống cúp phạt, đánh đập, đòi dân sinh dân
chủ. Năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ công nhân cao su cùng với
nhân dân toàn huyện Long Thành đã vùng lên đánh đổ chế độ thực dân,
thành lập chính quyền cách mạng, thoát khỏi ách nô lệ.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, người
dân xã Long Đức trong lớp áo của những người công tra cao su đã tham gia
kháng chiến, đóng góp của cải, nhân lực, nuôi giấu cán bộ… góp phần làm nên
thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Sau Hiệp định Genève 1954, cùng với quân và dân Long Thành, công
nhân cao su Siph lại bước vào cuộc chiến đấu chống kẻ thù mới là đế quốc Mỹ,
giành độc lập dân tộc. Là trung tâm hành chính và chi khu quân sự, địch
quyết biến Long Đức thành vùng bị kiểm soát chặt, làm bàn đạp tấn công,
đánh phá vào vùng căn cứ cách mạng ở Lộc An, Bình Sơn... Mặc dù vậy,
các đảng viên và đội ngũ công nhân cao su đồn điền Siph vẫn vượt qua
khó khăn, nguy hiểm, các lực lượng vũ trang của tỉnh, huyện đã lấy
đây làm địa bàn hoạt động và tiến công kẻ thù, hoàn thành cuộc
kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Phát huy truyền thống cách mạng qua hai cuộc kháng chiến, trong
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quân và dân Long Đức đã không ngừng lỗ lực
phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách trong những năm đầu giải phóng
và thời kỳ bao cấp, hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội,
đảm bảo quốc phòng an ninh.
Sau khi mở cửa hội nhập (từ năm 1986), vùng đất Long Đức
đã dần thay da đổi thịt, đời sống nhân dân ngày càng khấm khá hơn.
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, đảng bộ xã qua các thời kỳ, quân và
dân Long Đức đã góp sức đáng kể cùng nhân dân toàn huyện đưa Long Thành phát
triển nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Đầu thế kỷ XIX, xã Long Đức thuộc ấp Phước Lộc tổng Thành Tuy, huyện
Long Thành, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa thành lập triều Gia Long (1802 -
1820). Đến triều Minh Mạng nâng lên thành thôn Phước Lộc Tây thuộc Tổng Thành
Tuy Thượng, tỉnh Biên Hòa. Đến triều Thiệu Trị lấy lại tên Phước Lộc. Đầu thời
Pháp chiếm đóng lần lượt thuộc hạt Long Thành, tỉnh Biên Hòa. Từ ngày
05/01/1876 đến ngày 01/01/1900, gọi là làng thuộc tỉnh Biên Hòa. Từ ngày
01/01/1928 nhập với làng Phước Nguyên thành làng Phước Lộc Xã, quận Long Thành,
tỉnh Biên Hòa. Sau năm 1956, làng Phước Lộc Xã thuộc Tổng thành Tuy Thượng, quận
Long Thành, tỉnh Biên Hòa.
Theo thời sự cẩm nang năm 1939, Tổng Thành Tuy Thượng quận Long
Thành gồm 8 xã: Long An, Phước Mỹ, Phước Lai, Phước Lộc, Phước Thiền, Thái Thiện,
Long Phước, Phước Hiệp.
Sau khi thực dân Pháp rút khỏi miền Nam, ngày 3/5/1957, chính quyền
Sài Gòn thống nhất gọi các làng là xã. Ngày 9/9/1960, chính quyền Sài Gòn tách
một phần quận Long Thành và lập quận Nhơn Trạch. Quận Long Thành có tổng Thành
Tuy Thượng và 8 xã: Tam Phước, Tam An, An Lợi, Phước Lộc, Thái Thiện, Long Phước,
Long An, Lộc An.
Với chính quyền cách mạng, để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phong
trào kháng chiến địa phương, tổ chức hành chính và chiến trường huyện Long
Thành nhiều lần được điều chỉnh. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, từ năm
1948 chuyển các quận gọi là huyện, huyện Long Thành thuộc tỉnh Biên Hòa. Từ
tháng 5/1951 đến tháng 7/1954 thuộc tỉnh Bà Chợ (Bà Rịa - Chợ Lớn). Từ cuối năm
1960 tách một phần huyện Long Thành thành lập huyện Nhơn Trạch. Từ tháng
10/1966, nhập hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch thành huyện Long Thành, tỉnh
Biên Hòa. Chuẩn bị cho cuộc tiến công và nổi dậy xuân 1968, tháng 10/1967 đến
tháng 5/1971, huyện Long Thành thuộc phân khu 4. Từ tháng 5/1971 đến tháng
10/1972 tách thành hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch thuộc Phân khu Bà Rịa. Từ
tháng 10/1972 đến 30/4/1975, huyện Long Thành thuộc tỉnh Biên Hòa.
Tháng 1/1976, ấp Sỹ Phước thuộc xã Phước Lộc được chia
tách để thành lập xã Siph thuộc huyện Long Thành. Ngày 01/3/1980, xã Siph
được đổi tên thành xã Long Đức. Ngày 23/6/1994, chia thành hai huyện Long
Thành và Nhơn Trạch, xã Long Đức thuộc huyện Long Thành cho đến ngày nay.
Các khu di tích lịch sử của xã Long Đức:
Trên địa bàn xã hiện có 04 chùa, 02 tịnh thất, 01 giáo xứ, 02 am cốc,
01 đình và 01 miếu.
Đình Thần Long Đức tọa lạc tại khu 14, xã Long Đức. Đình
thần được nhân dân Long Đức xây dựng chính xác vào năm nào hiện nay chưa có
tài liệu cụ thể ghi chép lại. Theo
Ban quý tế, đình Long Đức đã được thành lập khoảng trên 100 năm, thờ Thần
Thành hoàng bổn cảnh. Ngôi đình trước kia có diện tích nhỏ (khoảng 20m2)
không tính nhà khách. Năm 1963, thầy Tâm nguyên là trụ trì chùa Bửu Lâm (xã
Long Đức) đứng ra trùng tu lại ngôi đình.
Đình Long Đức được xây dựng trên khuôn viên đất của làng, mặt tiền
quay ra hướng đường đất trong xã (hướng Tây). Cổng vào có tấm bình phong được
xây bằng gạch, bên trên vẽ hình hổ phù.
Đình có lối kiến trúc nhà chữ Nhất ( - ), một gian hai chái.
Bộ khung vì kèo bằng gỗ, được xây bằng gạch, xi măng, cốt thép, nền lát gạch
tàu, mái lợp ngói Tây. Bên trong chính điện bài trí đơn giản, chỉ có 01 gian
thờ chánh điện, mái lợp ngói. Chánh điện thờ “Thần” bằng chữ Hán, phía trước đặt
tượng Thần Thành hoàng. Hai bên chánh điện thờ Tả ban - Hữu ban. Năm 2014,
Ban quí tế đình xin xây thêm 2 gian thờ Tiền Hiền, Hậu Hiền.
Đối tượng thờ chính là Thần hoàng bổn cảnh, người dân
Long Đức luôn tin Thần sẽ bảo vệ cho dân làng được ấm no, hạnh phúc, mưa thuận
gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an. Các ngày lễ trong năm là Rằm
tháng Giêng, Rằm tháng 4, Rằm tháng 10, mùng 5/5 (âm lịch). Ngày 15 và
16 tháng 11 tại đình diễn ra đại lễ Kỳ Yên theo nghi thức cổ truyền thu hút
đông đảo người dân trong và ngoài địa phương tham gia lễ bái. Trưa ngày 15, Ban
Tế tự trong trang phục chỉnh tề làm lễ cung thỉnh chư vị Thánh Thần. Đến 24 giờ
khuya ngày 15 sáng 16, làm lễ tế Thần Thành hoàng, Tiền Hiền, Hậu Hiền và cúng
Thần Hổ. Hiện đình Thần Long Đức còn lưu giữ Sắc Thần. Đình thần Long Đức
thuộc loại hình di tích lịch sử tín ngưỡng dân gian (đình làng).
Miếu Bà Ngũ hành tọa lạc tại khu 14, xã Long Đức. Miếu ra đời
vào năm nào chưa có tài liệu xác minh. Theo lời kể của ông Dương Văn Ý, Trưởng
ban quí tế đình Long Đức, miếu có khoảng trên 100 năm gắn liền với lịch sử hình
thành đình Long Đức. Miếu thờ “Ngũ hành nương nương” bằng tượng thạch cao,
hai bên có lộng che. Khi mới hình thành, miếu Bà được xây dựng duy nhất 1
gian chính miếu bằng vật liệu nhẹ. Đến năm 2018, miếu được trùng tu với vật
liệu kiên cố, dạng nhà vuông tường xi măng, nền lát gạch bông, mái lợp ngói,
kinh phí do nhân dân đóng góp. Hằng năm, vào ngày lễ Kì Yên đình Long Đức (ngày
15 và 16 tháng 11 âm lịch), miếu tổ chức cúng Ngũ hành nương nương, cầu cho quốc
thái dân an, mưa thuận gió hòa, mọi người mạnh khỏe. Ngày diễn ra lễ cúng Bà có
nghi thức dâng mâm vàng, hát bóng rỗi, địa nàng thu hút đông đảo người dân địa
phương tham gia tế lễ. Miếu Bà Ngũ hành thuộc loại hình di tích tín ngưỡng
dân gian, do Ban quí tế đình thần Long Đức trông coi.
Chùa Bửu Lâm (Chùa Bà Đầm) tọa lạc tại khu 14, xã Long Đức.
Theo người dân xã Long Đức, chùa do một người phụ nữ Pháp xây dựng khoảng từ
năm (1920 - 1930) cho các công nhân công tra cao su địa phương đến cầu an, niệm
Phật. Ban đầu, chùa có tên là chùa Bà Đầm (nghĩa là chùa do một bà người Tây
xây dựng). Chùa xây dựng trên một khuôn viên đất rộng khoảng 1ha, bằng vật
liệu gạch, xi măng, mái lợp ngói tây, nền lát gạch bông, mặt tiền chùa quay
ra hướng Tây, xung quanh ngăn cách bằng một hệ thống hàng rào. Kiến trúc chùa
dạng hình chữ nhị gồm chánh điện, nhà khách và nhà tăng.
Chánh điện được xây theo kiểu một gian hai chái, nội thất bày trí
đơn giản với 01 gian thờ duy nhất ở khu trung tâm thờ Tam thế Phật (Adiđà, Di Lặc
và Chuẩn Đề), Phật Đản Sinh và Phật nhập Niết Bàn. Ngoài ra, ở hai bên gian thờ
chính còn có gian thờ Phật Tam Tạng và Phật Bà Quan Âm. Gian hậu điện thờ Tổ sư
Đạt Ma và các vong linh người đã khuất. Nhà khách, nhà tăng cũng được xây dựng
theo kiểu 1 gian hai chái.
Chùa Bửu Lâm thuộc phái Nam Tông, hàng năm tổ chức lễ cúng lớn
vào các ngày theo lịch âm 15/4 (lễ Phật Đản sanh), 15/7 (lễ Vu Lan báo hiếu),
ngày 15/Giêng (Lễ Thượng Ngươn). Chùa thuộc loại hình cơ sở tín ngưỡng tôn
giáo. Hiện nay, chùa do Thượng tọa Kiến Tánh trụ trì, là đời thứ hai sau Sư thầy
Tâm Nguyện.
Tịnh thất Từ Phong ở khu 14, xã Long Đức. Tịnh thất do sư thầy
Đoàn Đình Thiết và Triệu Minh Tâm trụ trì xây dựng vào năm 1981. Ban đầu chỉ là
một am cốc nhỏ, vách bằng cây, mái lợp lá, nền đất. Năm 1984, sửa sang xây dựng
lại bằng gỗ, vách ván, mái lợp ngói tây, nền lát gạch bông, kết cấu theo kiểu
xiên trính, gồm 3 gian 2 chái. Tịnh thất tọa lạc trên một khuôn viên đất rộng
khoảng 1000m2, có kiến trúc dạng hình chữ nhất, mặt tiền quay ra hướng Tây,
xung quanh được ngăn cách bằng một hệ thống tường rào bao bọc. Nội điện bày trí
đơn giản, thờ duy nhất tượng Phật A di Đà bằng chất liệu đồng, bài trí tượng thờ
ở trung tâm chánh điện. Cổng được xây bằng xi măng, khu vực sân vườn trồng nhiều
loại cây ăn quả, tạo vẻ xanh mát.
Chùa Phật Ân tọa lạc tại khu 14, xã Long Đức. Chùa ban đầu có
tên gọi là tịnh thất Nguyên Phong (có nghĩa là tu viện được xây dựng trên núi
có nhiều gió), do sư thầy Minh Tâm gốc người Huế vào xây dựng năm 1981. Ban đầu
chùa chỉ là một ngôi nhà tranh, vách ván, nền đất, mái lợp lá. Năm 1991, được
thay bằng nhà gỗ, khung vì kèo kết cấu kiểu nọc ngựa, nền lát gạch men, mái lợp
ngói tây để thay thế cho khung nhà cũ. Chùa Phật Ân tọa lạc trên một khuôn
viên đất rộng bằng phẳng 2ha, xung quanh được ngăn cách bên ngoài bằng hệ thống
hàng rào, gồm chánh điện ở giữa, xung quanh là các thất của các sư, thư viện và
nhà Tổ. Chùa bài trí gồm một gian thờ, bên trên đặt tượng Bổn sư Thích ca, Phật
Di Lặc, một đại hồng chung, mõ gỗ. Chùa Phật Ân thuộc phái Nam Tông chỉ thờ
duy nhất Phật Thích Ca. Hàng năm, chùa tổ chức lễ cúng lớn vào các ngày theo lịch
âm 15/4 (lễ Phật Đản sanh), ngày15/7 (lễ Vu Lan báo hiếu), ngày 15/Giêng (Lễ
Thượng Ngươn). Ngày 1/Giêng vía Di Lặc, ngày 08/Chạp vía Đức Thích Ca. Chùa thuộc
loại hình di tích lịch sử tín ngưỡng tôn giáo.
Nhà thờ Sĩ Phước tọa lạc tại khu 13, xã Long Đức, do một cha
người Pháp xây dựng vào năm 1949. Lúc đầu, nhà thờ chỉ là một nhà nguyện nhỏ,
cột cây, vách ván, mái lợp tôn. Năm 1955, nhà nguyện được phá bỏ để xây dựng
thành nhà thờ ở lô 13 gần nơi dân cư. Đến năm 1965, nhà thờ xuống cấp, hư dột,
mục nát nên các giáo dân làm đơn xin chủ đồn điền cao su Long Thành cấp kinh
phí xây dựng lại.
Nhà thờ Sĩ Phước xây dựng trên khuôn viên đất rộng 1ha, mặt tiền
quay sang hướng Đông. Nguyên vật liệu xây nhà thờ là bằng vật liệu kiên cố (gạch xi măng, mái
lợp tôn, nền tráng xi măng). Nhà thờ có 2 gian chính, gian Cung thánh được
dùng để thờ chúa Giêsu chịu nạn, đức mẹ Maria, thánh Juse. Trước sân
đặt tượng thánh Martin. Bên hông thánh đường dựng một tháp chuông cao,
trên có treo một quả chuông lớn. Ngày lễ chính hàng năm được tổ chức
theo lịch Công giáo, lễ Noel 24, 25/12 dương lịch. Nhà thờ Sĩ Phước thuộc
loại hình tín ngưỡng tôn giáo.
Lúc 16 giờ ngày 26 tháng 8, hàng trăm đồng bào già, trẻ, gái, trai
các xã Phước Nguyên, An Lợi, Siph được thông báo nghe Việt Minh diễn thuyết đã
tập trung đông đảo nơi ngã ba lộ 15, Tam An. Diễn giả đứng trên chiếc bàn đặt
ngay giữa ngã ba nói về Việt Minh giành chính quyền trong cả nước và kêu gọi
toàn dân tích cực tham gia xây dựng cuộc sống mới. Người đến trước hào hứng lắng
nghe, người đến sau vẫn tiếp tục dồn tới. Chỉ chừng nửa tiếng, ngã ba đã đông
nghẹt những người. Cho tới khi giải tán ra về vẫn còn những người đến muộn xuýt
xoa, tiếc rẻ “xui quá, vậy là tụi tui hỏng được nghe Việt Minh diễn thuyết”.
Người nói chuyện tại ngã ba An Lợi hôm đó là đồng chí Dương Bạch Mai, Thanh tra
chính trị miền Đông.
Hôm sau, 27/8/1945 tại chợ cũ Long Thành lại có một cuộc diễn thuyết
của Huỳnh Thiện Nghệ, thủ lĩnh thanh niên Tiền phong tỉnh Biên Hòa, với gần
1.000 quần chúng tham dự.
Cách mạng tháng Tám ở Long Thành giành thắng lợi sớm nhất trong tỉnh
Biên Hòa. Đó là thành quả của một quá trình đấu tranh không ngừng nghỉ của nông
dân, công nhân và nhân dân Long Thành xuất phát từ lòng yêu nước và truyền thống
bất khuất của dân tộc. Từ trong đêm đen của chế độ phong kiến, thực dân, nông
dân không có ruộng cày, bị bóc lột địa tô, từ trong cảnh sống tối tăm của “địa
ngục trần gian” trong các đồn điền cao su, nơi nhân phẩm con người và tính mạng
bị coi rẻ, đã dứng lên tự mình thay đổi cuộc đời mình.
8. Dân số
Tổng số dân: 11.586 người.
Số hộ gia đình: 2.977 hộ.
Dân tộc: Khơ me, Châu ro, Chăm, Tày , Hoa, Mường (với 9 hộ, 27
nhân khẩu).
Tôn giáo: Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Cao đài.