Thực trạng này phần nào
được lý giải qua cách thức đào tạo hoàn thiện điều kiện về chức danh nghề nghiệp,
chức danh chuyên môn ở nước ta. Hầu hết các lớp học đều được tổ chức theo hình
thức tập trung, điểm danh từng buổi học. Có khi giảng viên trong các lớp học
nghiệp vụ khá trẻ, ít kinh nghiệm thực tiễn so với học viên trong lớp. Trên thực
tế, nhiều lớp học, người học có kinh nghiệm thực tiễn phong phú, khả năng tự học
rất cao và ý thức kỷ luật tốt.
Học là tốt, nhưng vấn đề
là học như thế nào cho hiệu quả, thực chất, học để làm gì chứ không phải học vì
phong trào.
Để nâng cao chất lượng học
tập, việc học cần được thực hiện bằng nhiều cách thức khác nhau. Quan trọng nhất
là đề cao tính tự giác, tự học tập, tự rèn luyện của mỗi cá nhân. Trong thời đại
ngày nay, mọi tri thức đều có thể tìm thấy trên mạng. Sách, báo, tạp chí, giáo
trình, công trình nghiên cứu khoa học có thể mua dưới dạng ấn phẩm in, ấn phẩm
điện tử, thậm chí được chia sẻ miễn phí để đọc trực tuyến. Bài giảng của các
chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu chuyên sâu hàng đầu trên mọi lĩnh vực
đều có thể dễ dàng tiếp cận.
Rất nhiều trường đại học
danh tiếng trên thế giới đang cung cấp dịch vụ dạy và học trực tuyến để phục vụ
nhu cầu đa dạng của người học. Do đó, việc bắt buộc học tập trung để lấy chứng
chỉ chuyên môn, nghiệp vụ với nhiều đối tượng, nhất là các nhân lực đã có nhiều
năm công tác có lẽ không còn phù hợp, chưa theo kịp xu hướng phát triển của
nhân loại.
Chúng ta nên đánh giá
năng lực của mỗi cá nhân dựa trên kết quả cụ thể về công việc, chứ không phải dựa
trên bằng cấp, chứng chỉ, nếu không, xã hội sẽ rất dễ rơi vào bẫy sính bằng cấp,
chứng chỉ. Khi ấy, việc học chẳng những không giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả
công việc mà còn làm giảm sút năng suất lao động chung do phải dành quá nhiều
thời gian cho học tập mà hiệu quả lại không cao.
Xã Xuân Thành