Xuân Lộc - xã Xuân Hiệp : noi-dung-tin Xuân Lộc - Xuân Hiệp
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

Lượt Truy Cập
 

Nội dung

 
​LUẬT ĐẤT ĐAI NĂM 2024 ĐÃ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA 8 LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI Cập nhật14-07-2024 01:01
Luật Đất đai số 31/2024/QH15 đã có nhiều quy định mới nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính về đất đai bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch, phương thức thực hiện đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai để xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, tạo sức bật phát triển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Luật Đất đai số 31/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đã có nhiều quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính về đất đai, như: Bỏ khâu trung gian trong quản lý sử dụng đất; quy định nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch, phương thức thực hiện đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; bổ sung trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân từng cấp trong việc phát triển, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn. Luật Đất đai số 31/2024/QH15 cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, nhằm xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Bỏ khâu trung gian trong quản lý sử dụng đất

Về chế độ sử dụng các loại đất (Chương XIII), Luật Đất đai đã quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân lên không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân. Mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất trồng lúa cho cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp trong hạn mức được giao đất. Bổ sung quy định người sử dụng đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa, được sử dụng một phần diện tích đất xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp; được sử dụng kết hợp mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu… nhưng không được làm thay đổi loại đất đã được xác định.


Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nêu rõ, Luật Đất đai bổ sung quy định về quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường. Quy định về tập trung, tích tụ đất nông nghiệp nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Các quy định tại Chương XIII của Luật Đất đai cũng bỏ khâu trung gian trong quản lý sử dụng đất, như bỏ quy định về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của Ban quản lý Khu kinh tế, Ban quản lý Khu công nghệ cao, Cảng vụ hàng không. Nhà nước trực tiếp giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận đối với tổ chức, cá nhân sử dụng đất. Bổ sung quy định trách nhiệm của chủ đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc bố trí quỹ đất dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở phải di dời do ô nhiễm môi trường; trách nhiệm của các cơ quan trong việc bố trí quỹ đất để lực lượng Công an nhân dân đảm bảo an ninh, trật tự tại khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cảng hàng không sân bay…

Luật Đất đai cũng bổ sung quy định về hoạt động lấn biển, trong đó quy định rõ điều kiện, nguyên tắc, trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động lấn biển. Quy định về đất sử dụng kết hợp đa mục đích; quy định chế độ sử dụng đối với một số loại đất như: đất chăn nuôi tập trung; đất khu nuôi, trồng, sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; đất dành cho đường sắt; đất xây dựng các công trình, khu vực có hành lang bảo vệ an toàn; đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý; quy định về góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai, tách thửa đất, hợp thửa đất…

 

Thủ tục hành chính về đất đai bảo đảm sự bình đẳng, khách quan

Thủ tục hành chính về đất đai tại Chương XIV của Luật Đất đai đã quy định nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch, phương thức thực hiện đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính về đất đai chịu trách nhiệm thực hiện đúng thẩm quyền và thời gian theo quy định của pháp luật. Các thủ tục hành chính về đất đai được thực hiện bằng hình thức trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc trên môi trường điện tử và có giá trị pháp lý như nhau.


Luật cũng quy định về công bố, công khai thủ tục hành chính về đất đai; trách nhiệm thực hiện thủ tục hành chính về đất đai. Đặc biệt, tại Chương XIV đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất và trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.

Bổ sung thêm hình thức hòa giải tranh chấp đất đai tại Tòa án

Đối với quy định về giám sát; thanh tra, kiểm tra; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, Luật Đất đai số 31/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đã kế thừa Luật Đất đai năm 2013; đồng thời đã bổ sung quy định nội dung theo dõi và đánh giá, việc theo dõi, đánh giá và trách nhiệm thực hiện theo dõi và đánh giá quản lý, sử dụng đất đai.



Bổ sung quy định về kiểm tra chuyên ngành đất đai, quy định kiểm toán về đất đai, hòa giải tranh chấp đất đai đối với địa bàn cấp huyện không thành lập đơn vị hành chính cấp xã. Bổ sung thêm hình thức hòa giải tranh chấp đất đai tại Tòa án; hòa giải thương mại; trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân từng cấp trong việc phát triển, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn.

Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cũng cho biết, nhằm xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, Luật Đất đai số 31/2024/QH15 đã sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật có các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, gồm các luật: Quy hoạch, Đầu tư, Lâm nghiệp, Thủy sản, Tổ chức chính quyền địa phương, Thi hành án dân sự, Thuế thu nhập cá nhân, Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; đồng thời bãi bỏ 01 Nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến Luật Đất đai (Nghị quyết số 132/2020/QH14 của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế).

Luật Đất đai cũng bổ sung 8 điều để quy định chuyển tiếp về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hồ sơ địa chính, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận; tài chính đất đai, giá đất; thời hạn sử dụng đất; xử lý quyền sử dụng đất của hộ gia đình và để quy định chuyển tiếp một số trường hợp khác khi Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành.

Nguồn: Bài viết đăng trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội nước Cộng hoà​ XHCN Việt Nam 05/3/2024

 
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.