Ông
Ngô Tấn Tám, sinh ngày 20/9/1958, sinh ra trong một gia đình thuần nông tại Tiền
Giang. Khi sinh ra, ông đã không được may mắn như những đứa trẻ bình thường
khác, trải qua một cơn sốt cao khiến đôi chân bị liệt hoàn toàn, mọi sinh hoạt
đều thông qua hai bàn tay. Không đi đứng được như người bình thường nên từ nhỏ
cho đến khi lơn lên ông đều phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của mọi người trong
gia đình. Bản thân ông Tám luôn có suy nghĩ tiêu cực, cảm thấy mình là gánh nặng
của gia đình và xã hội nhưng với sự giúp đỡ, động viên của gia đình, bạn bè,
ông đã từng bước vượt qua mặc cảm, dần hòa nhập với cuộc sống dù biết rằng sẽ rất
khó khăn và vất vả rất nhiều. Để gia đình không vất vả về mình, ông đã tự thân
vận động và cố gắng, bước đầu như lê lết khắp các cánh đồng mót lúa, bơi trên
các kênh rạch tìm con tôm con cá phụ thêm cho bữa ăn của gia đình.
Ông Tám bên vườn ca cao của mình.
Khi
trưởng thành, ông Tám rất chăm chỉ làm việc, những việc mà ông có thể làm được
thì ông sẵn sàng làm miễn là có thể đỡ đần gia đình. Cũng chính bản tính cần
cù, siêng năng, ý chí phấn đấu mạnh mẽ nên năm 1988, một cô gái dịu hiền ở cùng ấp phải lòng và xây
dựng gia đình với ông Tám dù biết rằng cuộc sống mới có nhiều khó khăn, kinh tế
chỉ trông chờ vào làm ruộng. Năm 1990, ông Tám và vợ quyết định rời quê hương
lên ấp 4, Phú Thịnh, Tân Phú, Đồng Nai để lập nghiệp.
Nhiều giải thương về môn bơi lội và cờ tướng mà ông Tám đạt giải.
Những
khó khăn chồng chất khi đến nơi ở mới, tất cả những khó khăn trong cuộc sống đè
nặng lên đôi vai của người vợ, cô phải
đi làm thuê làm mướn trang trải từng bữa ăn hàng ngày. Những nỗi vất vả của vợ
ông Tám đều thấu hiểu nhưng không thể làm được gì với đôi chân bị liệt này. Với
những suy nghĩ, đắn đo và thương cảm của ông đối với vợ mình thì ông đã quyết định
vay mượn mua vài công đất đầu tư trồng cây lâu năm bao gồm tiêu, điều, cà phê
và ca cao. Lâu dần, tích cóp được ít vốn, vợ chồng ông mở rộng ra nuôi thỏ và
nuôi gà để kiếm thêm thu nhập và mở rộng diện tích canh tác. Từ hộ nghèo của
xã, năm 2016, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo, có 5 công đất trồng cây cho
thu nhập ổn định, vợ tôi không phải đi làm thuê làm mướn như trước nữa. Việc
chăn nuôi cũng ổn định khi đàn gà và đàn thỏ ngày càng gia tăng về số lượng. Có
đất đai gần nhà nên ông cũng đã phụ giúp được những công vệc rẫy vườn phụ vợ
như làm cỏ, lượm lá cà phê, dọn dẹp vườn tược. Tuy với đôi chân khuyết tật
nhưng ông vô cùng hân hoan khi có được một cuộc sống hạnh phúc, cơm cháo qua
ngày cùng người vợ chịu thương chịu khó của mình.
Ông Tám còn nuôi thêm thỏ và gà để tăng thu nhập
Bên
cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, ông Tám còn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như các hội
thao cho người khuyết tật. Năm 2013, ông Tám đạt giải Ba môn bơi lội trong hội
thao người khuyết tật do tỉnh Đồng Nai tổ chức. Ông cũng nhiều lần tham gia giải
cờ tướng do huyện Tân Phú và xã Phú Thịnh tổ chức vào các năm 2014, 2015 và năm
2017, ông đã đạt các giải : Giải Nhất
năm 2014, Giải Ba năm 2015 và Giải Nhì năm 2017. Bên cạnh đó , ông còn sinh hoạt câu lạc bộ đơn ca tài tử tại ấp
4 và tham gia chương trình văn nghệ Mừng Đảng, Mừng xuân của xã. Bản thân và
gia đình ông Tám luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp
luật của Nhà nước, đồng thời tuyên truyền, vận động mọi người cùng thực hiện.
Dù
biết rằng mỗi người một số phận, một hoàn cảnh, nhưng bằng nghị lực và ý chí mạnh
mẽ ông Ngô Tấn Tám đã vươn lên số phận để
tự khẳng định bản thân mình, sống có ích cho gia đình, xã hội và là một tấm
gương sáng về người khuyết tật đáng được tuyên dương, học hỏi.
Tin, ảnh: Kiều Diễm