Các tầng lớp nhân dân dâng hương tại Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa
U1
Nhiều địa danh gắn liền
với sự kiện thành lập Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa giờ đây là những điểm đến nổi
tiếng, những di tích lịch sử cách mạng mà bất kể ai đến thăm Biên Hòa - Đồng
Nai cũng khó có thể bỏ lỡ.
* Những địa chỉ của lòng yêu nước…
Là một trong những điểm
đến trên bản đồ di tích lịch sử cách mạng của Biên Hòa - Đồng Nai, địa điểm
thành lập Chi bộ Cộng sản Bình Phước - Tân Triều và Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa
(tọa lạc tại ấp Tân Triều, xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) đi vào dòng chảy lịch sử
dân tộc, ghi dấu nơi chi bộ Đảng đầu tiên ở Biên Hòa được thành lập. Chi bộ do
đồng chí Hoàng Minh Châu làm Bí thư, đồng chí Huỳnh Văn Phan làm Phó bí thư. Sự
hình thành của Chi bộ Đảng đánh dấu bước chuyển biến mạnh của phong trào cách
mạng tỉnh Biên Hòa.
Là
bộ phận quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa, lịch sử của đất nước, những
năm qua, các địa danh, di tích gắn liền với sự kiện thành lập Tỉnh ủy lâm
thời Biên Hòa luôn được bảo tồn, phát huy giá trị hiệu quả. Điều này không
chỉ giúp khai thác tối đa nguồn sử liệu sinh động, gần gũi trong việc truyền
lửa cách mạng, giáo dục niềm tự hào qua các thế hệ, mà còn góp phần quảng bá
điểm đến, tôn vinh truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc.
|
Năm tháng trôi qua, địa
điểm thành lập Chi bộ Cộng sản Bình Phước - Tân Triều và Tỉnh ủy lâm thời Biên
Hòa đã trở thành một di tích lịch sử quan trọng, nơi tổ chức các hoạt động về
nguồn cho cựu chiến binh, học sinh, sinh viên và phục vụ nhu cầu tham quan của
nhân dân và du khách.
Cùng với địa điểm thành
lập Chi bộ Cộng sản Bình Phước - Tân Triều và Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa, Di
tích Nhà hội Bình Trước (P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) là công trình kiến trúc
được xây dựng năm 1936, được dùng làm chỗ hội họp của hương chức, hội tề địa
phương thời bấy giờ. Tại di tích này, vào ngày 23-9-1945, hội nghị cán bộ tỉnh
Biên Hòa đầu tiên quyết định thành lập Tỉnh ủy sau khi giành được chính quyền
vào tháng 8-1945. Hội nghị đã đề ra những chủ trương và nhiệm vụ trọng yếu: gấp
rút xây dựng và củng cố chính quyền các cấp, ổn định đời sống nhân dân; xây
dựng lực lượng vũ trang; xây dựng chiến khu kháng chiến…
Chiến khu Đ là một trong
2 căn cứ quan trọng nhất của miền Đông Nam bộ. Với địa hình hiểm trở, Chiến khu
Đ trở thành mật khu căn cứ trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm
lược.
Theo ông Nguyễn Hoàng
Hảo, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, thời gian qua, do
tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, có thời điểm Đồng Nai thực
hiện giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa nên các hoạt động về nguồn tại các di
tích đã tạm hoãn. Hiện dịch bệnh được kiểm soát, các di tích đã mở cửa trở lại,
đón du khách đến tham quan.
Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa
U1 (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) là căn cứ địa cách mạng rất quan trọng ở khu
vực miền Đông Nam bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Phó giám đốc Trung tâm
Văn hóa - thông tin và thể thao H.Trảng Bom Tăng Thùy Phương Khánh cho biết,
khu di tích là nơi gắn với nhiều dấu ấn lịch sử trọng đại của dân tộc mà tiêu
biểu là cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Bởi vậy mà nhiều năm
nay, khu di tích được quan tâm đầu tư, xây dựng các hạng mục công trình như:
nhà bia, đền tưởng niệm, sân lễ hội, cây xanh… “Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên
Hòa U1 được xem là một trong những biểu tượng của truyền thống đấu tranh bất
khuất của Đảng bộ và quân dân Biên Hòa - Đồng Nai không chỉ trong kháng chiến,
mà trong cả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Năm 2018, công trình cụm
tượng đài và nhà lưu niệm truyền thống của khu di tích khánh thành và đi vào
hoạt động, khu di tích đã đón hàng trăm đoàn khách và nhân dân trong và ngoài
tỉnh đến thăm. Trung bình mỗi năm đón từ 10-12 ngàn lượt khách, trong đó chủ
yếu là người trẻ, học sinh, sinh viên đến tìm hiểu văn hóa, lịch sử” - bà Khánh
nói.
Từ năm 1965, do phân
chia chiến trường, tỉnh Biên Hòa chia tách thành 2 tỉnh: Biên Hòa đô thị và
Biên Hòa nông thôn. Căn cứ Bàu 17 (Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1) được chọn tiếp
tục cho Biên Hòa đô thị. Trong khi đó, Tỉnh ủy Biên Hòa nông thôn chọn địa bàn
Suối Cả, xã Bình Sơn, H.Long Thành làm căn cứ với phiên hiệu U3. Từ 2 căn cứ
này, Tỉnh ủy Biên Hòa đã đứng chân hoạt động, lãnh đạo phong trào kháng chiến
của Biên Hòa đi đến thắng lợi cuối cùng vào mùa Xuân năm 1975.
* Phát huy giá trị các địa danh lịch sử
Hiện Đồng Nai có hơn 1,5
ngàn di tích (gồm di tích phổ thông và di tích xếp hạng). Theo Phó giám đốc Sở
VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân, hệ thống di tích liên quan đến lịch sử cách mạng trên
địa bàn tỉnh hiện nay khá lớn, chiếm trên 40%. Đây là những “địa chỉ đỏ” có giá
trị trực quan sinh động, nguồn tư liệu phong phú phục vụ giáo dục truyền thống
cách mạng, tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc. “Trong thời gian qua, Tỉnh
ủy, UBND tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo phát huy giá trị các di tích này thông qua
việc xét hồ sơ, trùng tu, tôn tạo các di tích. Hiện hệ thống các di tích cách
mạng trên địa bàn tỉnh rất khang trang, phục vụ rất ý nghĩa cho thế hệ trẻ trên
địa bàn tỉnh. Ngành Văn hóa đã và đang tham mưu cho UBND tỉnh trong việc xây
dựng hồ sơ di tích. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xác lập vị trí, tầm quan
trọng của các căn cứ và cũng là cơ sở pháp lý để sau này thực hiện tiếp các
bước về đầu tư, phục dựng, tôn tạo các di tích” - ông Ân nói.
Cũng theo ông Nguyễn
Hồng Ân, để tiếp tục phát huy giá trị di tích lịch sử của các di tích, ngành
Văn hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền. Riêng đối với 2
di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 và Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U3, trong tương
lai ngành sẽ nghiên cứu nâng cấp, xây dựng hồ sơ trình Bộ VH-TTDL xếp hạng di
tích cấp quốc gia. Bởi khi trở thành di tích cấp quốc gia, tầm ảnh hưởng rộng
hơn, việc phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích sẽ ngày càng lan
tỏa.
http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202202/nhung-dia-danh-di-vao-lich-su-3104550/