Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, song những ký ức về một thời hoa lửa vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của bà Nguyễn Thị Nhẫn (ấp Xóm Hố - xã Phú Hội) - một cựu tù chính trị yêu nước. Để rồi, mỗi khi nhắc lại, bà lại bồi hồi xúc động như thể “ký ức” ấy chỉ vừa mới diễn ra hôm qua.
Dù đã hơn 80 tuổi, nhưng bà vẫn mạnh mẽ, dứt khoát trong từng câu trả lời để tái hiện ký ức về những năm tháng ở địa ngục trần gian. Đó là, vào năm 17 tuổi bà đi theo cách mạng, với nhiệm vụ được giao làm thư ký cho tổ chức. Trong quá trình làm công tác, bà bị địch bắt 3 lần và lần nào cũng tra tấn hết sức dã man. Những năm tháng sống trong lao tù là chuỗi ngày mà bà và các chiến sĩ cộng sản phải chịu những cực hình tra tấn dã man của kẻ địch nơi địa ngục trần gian.
Nhấp ngụm trà, bà Nguyễn Thị Nhẫn kể: “Nếu chúng tôi không khai, chúng dùng dùi cui đập 2 đầu gối, chích điện vào đầu các ngón tay, gí điện vào tai... Mặc dù bị tra tấn dã man nhưng bà và các đồng đội một lòng xác định: Vào tù cũng là một mặt trận - nếu có hy sinh cũng là hoàn thành nhiệm vụ”.
Ngoài những đòn roi tra tấn, thì điều làm bà ám ảnh nhất là chúng bắt tất cả các tù binh phải vệ sinh tại chỗ. Có khi chúng không cho tắm, rửa suốt mấy tuần liền. Các Chị em đến kỳ "thấy tháng" phải xé quần áo để làm vệ sinh. Mỗi người một ngày chúng chỉ cho một lon nước (khoảng 750ml) để làm tất cả mọi việc. Do vậy phải tích nước phòng những chị em lớn tuổi đổ bệnh thì có nước uống, còn mấy chị còn trẻ khỏe thì nhấm môi để đỡ khô cổ chứ không đủ nước để uống. Chưa hết, trời nắng chúng đổ vôi bột từ trên xuống, trời mưa thì đổ nước xuống... cuộc sống tuy gian khổ nhưng các nữ tù vẫn động viên nhau vượt qua. Vì khi bị bắt thì họ đã xác định nơi đây là chiến trường, để đấu tranh dứt khoát không đầu hàng, không khai báo bất cứ thông tin gì cho địch.
Bà Nguyễn Thị Nhẫn được các đoàn viên, thanh niên thăm hỏi
Lau lại tấm Huy chương kháng chiến hạng nhất do Chủ tịch nước trao tặng năm 1997, bà Nhẫn kể tiếp: “Trong những ngày ở các trại giam, chị em chúng tôi chia sẻ cho nhau không chỉ từ miếng cơm, hớp nước, mà còn chia sẻ cả một chỗ nằm, một khe hở để thở. Chỉ có một thứ chúng tôi tranh giành nhau, đó là tranh giành xông ra trước để đỡ đòn cho đồng đội các chị, các má thì bảo: "Tụi tao già rồi, rủi có chết cũng không sao, tụi bay trẻ, phải sống để còn chiến đấu". Nhưng số chị em trẻ thì lại bảo: "Tụi con còn khỏe, chúng đánh có bị thương, cũng dễ lành, cứ để tụi con đỡ đòn cho". Chính vì không khuất phục nổi, nên địch đã thả bà ra. Ngay khi được ra tù, bà đươc đón về tổ chức và tiếp tục cống hiến cho Cách mạng đến ngày giải phóng.
Trở về sau chiến tranh, bà buôn gánh bán bưng sống qua ngày, cuộc sống khá khó khăn, năm 2002, bà được nhà nước trao tặng nhà tình thương. Tuổi già, không chồng, không con, bà sống nương nhờ vào con cháu. Do mang trong mình không ít thương tích suốt những năm tháng tù đày, nhất là ở vùng đầu, giờ đây, mỗi khi trái gió trở trời, đầu bà lại đau buốt, thế nhưng bà vẫn luôn lạc quan, yêu đời.
Ôn lại những tháng ngày tham gia hoạt động cách mạng, bị địch bắt tù đày, bà luôn tự hào về những ký ức của một thời hoa lửa vì đó là sự trọn vẹn nghĩa tình, sự cống hiến của bà và đồng đội với quê hương, đất nước.
Trương Huyền