Long Thành - Xã Long Đức : Chính sách khoa học và công nghệ Long Thành - Xã Long Đức
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

Lượt Truy Cập
 

Nội dung

 
Toàn cảnh Hội nghị Ngày 16/10, tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Ban Chủ nhiệm Chương trình “Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử”, mã số KC.01/16-20 đã tổ chức Hội nghị đánh giá, tổng kết sau 4 năm Cập nhật19-10-2021 09:12
Ngày 16/10, tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Ban Chủ nhiệm Chương trình “Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử”, mã số KC.01/16-20 đã tổ chức Hội nghị đánh giá, tổng kết sau 4 năm triển khai. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng tham dự và phát biểu tại Hội nghị.

Các sản phẩm công nghệ thông tin mang lại hiệu quả thiết thực

Chương trình KC.01/16-20 được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phê duyệt tại Quyết định số 3885/QĐ-BKHCN ngày 06/12/2016. Chương trình được triển khai với 3 mục tiêu chính: Phát triển các giải pháp công nghệ về phần cứng, phần mềm, tạo nền tảng cho phát triển các ứng dụng phục vụ hoạt động Chính phủ điện tử nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; Nghiên cứu, làm chủ công nghệ, chế tạo một số sản phẩm phần cứng, phần mềm đáp ứng yêu cầu phát triển và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin nhằm triển khai hiệu quả Chính phủ điện tử, trong đó một số sản phẩm đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế; Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật, kiểm định sản phẩm; góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin hình thành hệ sinh thái cho phát triển Chính phủ điện tử.

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết, PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình KC.01/16-20 cho biết, Chương trình có 26 nhiệm vụ  được triển khai thực hiện. Ban chủ nhiệm đánh giá các nhiệm vụ đã đáp ứng 80% mục tiêu, nội dung nghiên cứu và sản phẩm dự kiến của Chương trình.

Kết quả sản phẩm KH&CN đạt được gồm 18 loại sản phẩm thiết bị máy móc (281 thiết bị), 44 sản phẩm phần mềm, cơ sở dữ liệu, 30 bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín, 28 bài báo trên chí trong nước, 34 bài báo trong hội thảo quốc tế, 8 bài báo hội thảo trong nước, đào tạo 78 thạc sĩ, tham gia đào tạo 35 tiến sĩ, 19 sản phẩm được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Đáng chú ý, các nhóm nghiên cứu đã làm chủ công nghệ, chế tạo một số sản phẩm phần cứng, phần mềm đáp ứng yêu cầu phát triển và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin nhằm triển khai hiệu quả Chính phủ điện tử, trong đó một số sản phẩm đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế.

Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Chương trình đã giúp tăng cường khả năng làm chủ, ứng dụng, phát triển công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, công nghệ xử lý dữ liệu lớn, công nghệ điện toán đám mây phục vụ hoạt động Chính phủ điện tử; Bổ sung nguồn nhân lực trình độ cao, năng lực nghiên cứu ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội; Sự tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN các doanh nghiệp đã nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ mới phục vụ sản xuất kinh doanh; Sản phẩm của các đề tài đã được đưa vào ứng dụng thực tế phục vụ cho phát triển Chính phủ điện tử tại các bộ, ngành, địa phương.

Có trên 50% nhiệm vụ có kết quả có thể tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ ở giai đoạn tiếp theo; 100% nhiệm vụ đều thử nghiệm sản phẩm thực tế tại các bộ, ngành, địa phương. 

Có thể kể đến một số sản phẩm thiết bị phần cứng có khả năng đưa vào sản xuất thử nghiệm hoặc sản xuất thương mại như: Thiết bị chuyên dụng giám sát hạ tầng công nghệ thông tin, máy tính an toàn, camera bảo mật, thiết bị chuyển mạch, hệ thống Kios, vi mạch bảo mật cho thiết bị IoT…

Hay nhiều giải pháp phần mềm, các nhóm nghiên cứu đã ứng dụng những công nghệ, giải pháp tiên tiến như công nghệ xử lý dữ liệu lớn; trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ điện toán đám mây; mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT) phát triển các giải pháp mang tính sáng tạo, đột phá cho các sản phẩm KH&CN phục vụ hoạt động Chính phủ điện tử. Nhiều sản phẩm đã được triển khai ứng dụng thực tế phục vụ hoạt động Chính phủ điện tử: dịch vụ hỗ trợ và quản lý du khách, phần mềm cung cấp dịch vụ hành chính công cấp tỉnh trên cơ sở nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu, hệ thống thập dữ liệu và phân tích một số chỉ số hiệu năng thực hiện (KPI) của đô thị thông minh, nền tảng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác tổ chức quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực quản lý đất đai ứng dụng công nghệ chuỗi khối, nền tảng hạ tầng dữ liệu không gian (SDI), phục vụ quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị…

Hướng tới làm chủ công nghệ, thiết kế và chế tạo các thiết bị phần cứng chuyên dụng

Trong giai đoạn 2021-2025, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho biết, Chương trình sẽ dựa trên 3 trụ cột: Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số. Chương trình thực hiện các nhiệm vụ để phục vụ cho việc xây dựng đô thị thông minh gắn kết với phát triển chính quyền điện tử; đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Các giải pháp tập trung nghiên cứu để đảm bảo kết nối, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia, đảm bảo an toàn, an ninh cho các hệ thống thông tin và dịch vụ, giải pháp lưu trữ thông tin và cơ sở dữ liệu lớn. Chương trình hướng tới làm chủ công nghệ, thiết kế và chế tạo các thiết bị phần cứng chuyên dụng; phát triển sản phẩm, phần mềm, dịch vụ phục vụ hoạt động Chính phủ điện tử hiệu quả".

30_10_16_Tổng kết KC 01_5.jpg

 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, có thể nói, đóng góp cho những thành công bước đầu trong phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam có một phần quan trọng chính là sự nỗ lực chung của Bộ KH&CN trong việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được giao tại Nghị quyết 36a (nay là Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019). Trong đó có nhiệm vụ “Xây dựng chương trình, tổ chức thực hiện việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm Công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử”. Đây cũng chính là căn cứ pháp lý của Chương trình KC.01/16-20.

Thứ trưởng đánh giá cao các sản phẩm nghiên cứu của Chương trình và cho rằng, các sản phẩm nghiên cứu của Chương trình về cơ bản đã phủ đều ba mục tiêu mà Bộ trưởng Bộ KH&CN đã đặt ra: Các sản phẩm phần cứng, phần mềm, giải pháp tích hợp, nền tảng cho phát triển các ứng dụng phục vụ hoạt động của Chính phủ điện tử; Các sản phẩm cho phát triển và hoàn thiện hạ tầng Công nghệ thông tin của Chính phủ điện tử; Một số dự thảo để từ đó hình thành nên Tiêu chuẩn quốc gia, các hướng dẫn kỹ thuật trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển đô thị thông minh. 

Thứ trưởng cho biết, nhằm tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong phát triển Chính phủ điện tử, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới, từng bước hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, trong đó Bộ KH&CN tiếp tục được giao nhiệm vụ “Tiếp tục triển khai Chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, các giải pháp tích hợp, ứng dụng, sản phẩm CNTT phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số, xã hội số dựa trên dữ liệu mở, ứng dụng các công nghệ mới trong giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.”

Bên cạnh đó, phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh.

Trong giai đoạn tới Bộ KH&CN sẽ tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình nghiên cứu phát triển và ứng dụng CNTT phục vụ phát triển Chính phủ số và đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Thứ trưởng kêu gọi sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan trong việc thực hiện các nội dung của Chương trình. Thứ trưởng khẳng định, về phía Bộ KH&CN sẽ luôn đồng hành hỗ trợ tốt nhất để các cá nhân, tổ chức thực hiện có hiệu quả cao nhất các nhiệm vụ của chương trình trong giai đoạn tới.

Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị liên quan làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến kết nối, nhân rộng chuyển giao các kết quả của chương trình cho các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

30_10_16_Tổng kết KC 01_3.jpg
 
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác, chuyển giao kết quả nghiên cứu đã được thực hiện giữa các đơn vị

Cũng tại Hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác, chuyển giao kết quả nghiên cứu đã được thực hiện giữa các đơn vị.

Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.