MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ LUẬT PHÒNG, CHỐNG
THAM NHŨNG (PHẦN 2)
3. Phòng ngừa tham nhũng trong cơ
quan, tổ chức, đơn vị (Chương II)
Nội dung quy định tại Chương II
Luật PCTN năm 2018 được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà
nước.
3.1. Công
khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị
- Công khai, minh bạch trong từng
lĩnh vực khác nhau đã được các luật chuyên ngành quy định đầy đủ và chặt chẽ cả
về nội dung và trình tự, thủ tục. Để đảm bảo không chồng chéo, mâu thuẫn trong
hệ thống pháp luật, Luật PCTN năm 2018 không quy định công khai, minh bạch
trong các lĩnh vực mà chỉ quy định về nguyên tắc, nội dung, hình thức, trách
nhiệm thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ
chức, đơn vị đối với một số lĩnh vực quan trọng và các lĩnh vực khác mà pháp
luật quy định phải công khai.
- Về trách nhiệm giải trình: Trách nhiệm giải trình là
việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền làm rõ thông tin, giải
thích kịp thời, đầy đủ về quyết định, hành vi của mình trong khi thực hiện
nhiệm vụ, công vụ được giao khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá
nhân bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. Người thực hiện trách
nhiệm giải trình là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được
phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình.
Đồng thời, Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết về trách nhiệm giải trình.
-
Về Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng và tiêu chí đánh giá về công tác
phòng, chống tham nhũng: Xác
định việc đánh giá, đo lường về thực trạng tham nhũng và công tác phòng, chống
là đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả đấu tranh phòng,
chống tham nhũng. Theo đó, cơ quan nhà nước có trách nhiệm xây dựng báo cáo,
công khai báo cáo về tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng.
Đồng thời, Luật PCTN năm 2018 quy định chi tiết về tiêu chí đánh giá về công
tác phòng, chống tham nhũng tại Điều 17.
3.2.
Xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ
Thẩm
quyền ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ được thực hiện theo Luật Ngân sách
Nhà nước, các luật chuyên ngành khác và được giao cho nhiều cấp khác nhau phụ
thuộc vào từng loại định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Vì vậy, kế thừa Luật PCTN năm
2005, Luật PCTN năm 2018 chỉ quy định mang tính nguyên tắc trong việc ban hành
và thực hiện các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ để không dẫn đến
chồng chéo với các quy định của pháp luật chuyên ngành.
3.3.
Thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn
- Về quy tắc ứng xử của người có
chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị: Trên cơ sở kế thừa tinh thần của Luật PCTN năm
2005, Điều 20 Luật PCTN năm 2018 đã quy định quy tắc ứng xử của người có chức
vụ quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị như Luật PCTN năm 2005 nhằm phòng
ngừa xung đột lợi ích, tham nhũng có thể xảy ra, được quy định trong Luật Doanh
nghiệp, Luật Cán bộ, công chức, tuy nhiên có chỉnh lý về mặt kỹ thuật đảm bảo
tính hợp lý.
- Về tặng quà và nhận quà tặng: Kế thừa Luật PCTN năm 2005,
Luật PCTN năm 2018 đã quy định cụ thể hơn về việc tặng quà. Theo đó, cơ quan,
tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được sử dụng tài chính công,
tài sản công làm quà tặng, trừ trường hợp tặng quà vì mục đích từ thiện, đối
ngoại và trong một số trường hợp cần thiết khác. Đối với việc nhận quà tặng có
liên quan đến công việc đang giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của người có
chức vụ, quyền hạn cần phải cấm tuyệt đối để phòng ngừa tham nhũng, Vì vậy,
Khoản 2 Điều 22 Luật PCTN năm 2018 quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có
chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi
hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do
mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
- Kiểm soát xung đột lợi ích: Khoản 9 Điều 3 Luật PCTN năm
2018 quy định: Xung đột lợi ích là tình huống mà trong đó lợi ích của
người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác
động không đúng đắn đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Tuy đây là một
khái niệm mới nhưng về nội dung thì trong Luật PCTN năm 2005 và nhiều văn bản
quy phạm pháp luật khác cũng có quy định. Trên cơ sở đó, Luật đã quy định người
trực tiếp quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn được áp dụng một trong
các biện pháp: Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao
của người có xung đột lợi ích; đình
chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung
đột lợi ích; tạm
thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác. Đồng thời, Luật PCTN năm 2018
cũng đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết về điều này.
3.4. Chuyển
đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức
Kế thừa quy định của Luật PCTN năm
2005 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Luật PCTN năm 2018 tiếp
tục quy định nguyên tắc chuyển đổi vị trí công tác, vị trí công tác phải
chuyển đổi (bao gồm người có chức vụ, quyền hạn làm việc tại một số vị
trí liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản
công, đầu tư công, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ
chức, đơn vị, cá nhân khác phải được chuyển đổi vị trí công tác) và
thời hạn phải định kỳ chuyển đổi, kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác. Đối với
thời hạn định kỳ chuyển đổi, Luật PCTN năm 2018 giữ quy định của pháp Luật PCTN
năm 2005 là 02 năm đến 05 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực và không
quy định thời hạn chuyển đối đối với các trường hợp đặc biệt. Nhằm bảo đảm phù
hợp với tình hình thực tiễn của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, Luật PCTN năm
2018 quy định cụ thể việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cơ quan, tổ chức,
đơn vị chỉ có một vị trí phải định kỳ chuyển đổi công tác sẽ do người đứng đầu
cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng người có chức vụ, quyền hạn đề nghị với cơ
quan có thẩm quyền chuyển đổi.
3.5. Cải cách
hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng
tiền mặt
- Về cải cách hành chính, ứng dụng
khoa học, công nghệ trong quản lý: đây
là các biện pháp rất quan trọng để phòng ngừa tham nhũng nên kế thừa Luật PCTN
năm 2005, Luật PCTN năm 2018 quy định nguyên tắc để Chính phủ, các ngành, các
cấp có trách nhiệm tăng cường thực hiện trong thời gian tới.
- Về thanh toán không dùng tiền
mặt: Việc thanh toán không dùng
tiền mặt đang được Chính phủ triển khai thông qua Đề án thanh toán không dùng
tiền mặt. Vì vậy, Luật PCTN năm 2018 quy định các nội dung cơ bản, mang tính
nguyên tắc, định hướng trên cơ sở đó giao cho Chính phủ tổ chức thực hiện bảo
đảm phù hợp với từng thời kỳ.