Theo số liệu tổng hợp của Vụ Phát triển khoa
học và công nghệ địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) giai đoạn từ
năm 2016 đến năm 2020 cả nước có 781 sáng kiến, sáng chế được phát hiện và ghi
nhận thông qua các cuộc thi khác nhau từ trung ương đến địa phương, như: Hội
thi Sáng tạo kỹ thuật các tỉnh, thành phố; Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên,
nhi đồng toàn quốc; Giải thưởng sáng tạo KH&CN Việt Nam; Cuộc thi Sáng tạo
kỹ thuật nhà nông; Gặp mặt, vinh danh Nhà sáng chế không chuyên tiêu biểu
ở các ngành, địa phương; Hội nghị điển hình tiên tiến; “Đại hội thi đua yêu
nước ở các cấp, các ngành… Nhiều sáng chế, sáng kiến có hiệu quả, khả thi và
ứng dụng ngay vào sản xuất để giải phóng sức lao động thủ công, nâng cao năng
suất, chất lượng sản phẩm. Điển hình như nhà sáng chế Phạm Văn Hát (Hải Dương)
với “Máy gieo hạt tự động”, máy đặt hạt chính xác theo cự ly định sẵn, thay thế
phần việc của 40 người, máy hiện có bán tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong
cả nước và 14 nước trên thế giới như Đức, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…; nhà sáng
chế Tạ Đình Huy (Hà Nội) với chiếc “Máy nông nghiệp đa năng”, máy đã tích hợp
được 15 chức năng như cày, bừa, phay đất, làm cỏ vườn, tạo hàng để gieo hạt,
tạo luống, tời kéo nông, lâm sản, đảo phân vi sinh, xẻ rãnh thoát nước, đào hố
trồng cây, máy phát điện, kéo rơ-moóc trong nhà vườn trang trại, đào bồn cà
phê, phun thuốc bảo vệ thực vật, bơm, tưới tiêu. Đến nay, cơ sở của ông Huy đã
sản xuất được hơn 1.000 máy và có vị thế ở thị trường trong nước; Nhà sáng chế
Lê Văn Thành (Bình Định) với sáng chế máy tách hạt bắp gọn nhẹ, phù hợp với địa
hình vùng đồi núi, hoạt động bằng máy dầu; Nhà sáng chế Lê Hữu Minh (Thừa Thiên
Huế) với chiếc máy ép dầu phụng - dầu mè bằng thủy lực, máy hoạt động với công
suất ép 1,5 tấn lạc/ngày với giá thành rẻ, tiết kiệm nhân công; Nhà sáng chế
Trần Kim Hiệp (Quảng Ngãi) với chiếc máy bóc, lột vỏ keo lưu động có thể thay
thế cho 6 công lao động; Nhà sáng chế Nguyễn Văn Rô (Cà Mau) với máy cày siêu
nhẹ, có thể nổi trên mặt nước, dễ dàng di chuyển trong vùng kênh rạch ở Vùng
Tây Nam Bộ, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích;
Nhà sáng chế Nguyễn Thanh Hùng (Đồng Tháp) với chiếc máy nông nghiệp chuyên
tuốt hạt vừng, rau đay, rau muống hiện đang bán ở một số tỉnh, thành trong nước
và xuất khẩu sang Campuchia; Nhà sáng chế Phạm Văn Hùng (Tây Ninh) với giàn máy
kết hợp bốn tính năng trong một là rọc rãnh, bỏ hạt, lấp rãnh, bón phân lót và
máy hoàn toàn tự động trong quá trình sử dụng, giàn máy giải quyết được khó
khăn về nhân công, giảm thiểu tối đa tổn thương hạt giống, đặc biệt đáp ứng nhu
cầu cơ giới hoá cho những diện tích gieo trồng lớn…
Tạ Đình
Huy, Hà Nội – Sản phẩm máy nông nghiệp tiện lợi (Đa năng).
Phạm Văn
Hùng, Tây Ninh – Sảm phẩm giàn gieo hạt 4 trong 1.
Nhận thức
được ý nghĩa, hiệu quả sáng tạo và lợi ích hiện hữu của “Nhà sáng chế không
chuyên” đối với phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ
động tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2012/NĐ-CP, Thông tư số
18/2013/TT-BKHCN về hướng dẫn thi hành một số quy định của Điều lệ sáng kiến.
Nhiều địa phương đã ban hành một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích hoạt động
sáng kiến, sáng chế phù hợp với tình hình của địa phương. Tuy nhiên, so với
tiềm năng sáng tạo, khả năng nhân rộng và nhất là việc tiếp tục có những giải
pháp hỗ trợ để các sáng chế, sáng kiến này hoàn thiện được quy trình công nghệ,
bảo hộ được tài sản trí tuệ (bản quyền), sản xuất quy mô công nghiệp và thương
mại hóa được sản phẩm ra thị trường… Những cơ chế, chính sách hiện có là chưa
đủ, rất cần phải có những cơ chế, chính sách đồng bộ hơn nữa từ trung ương đến
các địa phương.
Trước
tiên cần có một số giải pháp, chính sách, hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện thuận
lợi cho các nhà sáng chế không chuyên thương mại hóa sản phẩm, ví như: giới
thiệu tham gia hội chợ, sự kiện KH&CN; hướng dẫn thủ tục, đăng ký bảo hộ
sáng chế; tôn vinh trên phương tiện truyền thông bằng nhiều hình thức khác
nhau. Về lâu dài cần có cơ chế hỗ trợ, tài trợ từ ngân sách nhà nước cho các
“Nhà sáng chế không chuyên” tiếp tục công tác nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ,
xây dựng các mô hình nhân rộng, hợp đồng chuyển giao, góp vốn, bảo lãnh bằng
chính sáng chế của mình để hợp tác sản xuất, vay vốn ngân hàng mở rộng sản
xuất…
Thiết
nghĩ, các cấp chính quyền có sự quan tâm đúng mức, nhà nước ban hành cơ chế,
chính sách phù hợp khuyến khích được năng lực sáng tạo, lực lượng các “Nhà sáng
chế không chuyên” sẽ tiếp tục có những sáng kiến, giải pháp hữu ích góp phần
giải phóng mạnh mẽ sức lao động của người dân, nâng cao năng suất, chất lượng
sản phẩm hàng hóa, đóng góp một phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế -
xã hội của các địa phương và của đất nước./.
Nguồn: Cục Sở hữu Trí tuệ