Chiều 14/9, Thường vụ
Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu
trí tuệ. Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh
Thành Đạt khẳng định, sở hữu trí tuệ là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế,
xã hội vì tài sản trí tuệ có giá trị lớn trong nền kinh tế tri thức, là nguồn
lực cho phát triển sản xuất kinh doanh và là công cụ cạnh tranh hiệu quả của
doanh nghiệp và nền kinh tế.
Qua 16 năm áp dụng, Luật
Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật
với loại tài sản đặc biệt này. Tuy nhiên, theo ông Đạt, bối cảnh phát triển
hiện nay có nhiều thay đổi so với năm 2005. Việt Nam không còn thuần túy là
nước "sử dụng tài sản trí tuệ" mà đang chuyển mạnh sang "tạo ra
tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu". Do đó, việc
sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết.
Một trong những điểm mới
của dự án luật là đề xuất các tổ chức chủ trì nghiên cứu có quyền đăng ký sáng
chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí (là kết quả của nhiệm vụ khoa học
và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước) và có quyền sở hữu khi được cấp văn
bằng bảo hộ, trừ tổ chức thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do các cơ quan
nhà nước thực hiện đăng ký.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trình bày tờ trình
của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí
tuệ, chiều 14/9. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Theo người đứng đầu
ngành Khoa học và Công nghệ, phương án này được xây dựng nhằm thể chế hóa Nghị
quyết số 20 ngày 1/11/2012 của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI về phát triển Khoa
học Công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết
có chủ trương: "Giao quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát
triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nhiệm vụ khoa
học và công nghệ".
"Quy định này sẽ
tạo động lực khuyến khích các tổ chức chủ trì đăng ký xác lập quyền sở hữu công
nghiệp với phần kết quả nghiên cứu có khả năng bảo hộ và thúc đẩy thương mại
hóa đối tượng quyền sở hữu công nghệ đó", Bộ trưởng Khoa học Công nghệ
nói.
Theo ông, phương án này
được sự đồng tình của đa số thành viên Chính phủ vì vẫn bảo đảm được sự quản lý
của Nhà nước đối với kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ được bảo hộ sở hữu
công nghệ có sử dụng ngân sách. Pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới cũng
có quy định tương tự để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ,
thương mại hóa kết quả nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Tuy
nhiên, để thực hiện phương án, một số văn bản pháp luật có liên quan cần sửa
đổi, bổ sung nhằm bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Do số ít thành viên
Chính phủ đề nghị giữ nguyên quy định pháp luật hiện hành, Ban soạn thảo đã
thiết kế phương án 2, trình xin ý kiến Quốc hội. Theo đó, quyền đăng ký sáng
chế vẫn thuộc về tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư. Việc này
sẽ bảo đảm được nguyên tắc tài sản được tạo ra do Nhà nước đầu tư thuộc về Nhà
nước.
Dù vậy, trong trường hợp
tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư thực hiện quyền đăng ký và
trở thành chủ văn bằng bảo hộ thì tổ chức, cơ quan đó cũng không có khả năng
thương mại hóa đối tượng được bảo hộ do cơ quan quản lý nhà nước không có chức
năng kinh doanh. Việc giữ nguyên quy định hiện hành cũng không thể giải quyết
được các bất cập hiện nay do không đủ căn cứ pháp lý cho tổ chức chủ trì kịp
thời thực hiện đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết
quả nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước trong một số trường
hợp.
"Giữ quy định như
cũ không thúc đẩy được việc khai thác, thương mại hóa; làm cho giá trị đầu tư
của nhà nước trở nên kém hiệu quả và quan trọng nhất là không thể 'cởi trói' để
thúc đẩy nguồn lực đổi mới sáng tạo của cả nền kinh tế", lãnh đạo Bộ Khoa học
và Công nghệ nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo thẩm tra dự án
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, chiều 14/9. Ảnh:
Trung tâm báo chí Quốc hội
Đại diện cơ quan thẩm
tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, thường trực Ủy ban
cơ bản nhất trí với phương án 1 của Chính phủ. Tuy nhiên, ông Tùng đề nghị Ban
soạn thảo cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án này theo hướng bổ sung,
làm rõ "cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và
tác giả" để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số
20-NQ/TW.
Đồng thời, Chính phủ
cũng cần nghiên cứu mở rộng cơ chế giao quyền sở hữu tương tự đối với giống cây
trồng, quyền tác giả và quyền liên quan; khắc phục sự không thống nhất giữa quy
định về quyền đăng ký, sở hữu với kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có
sử dụng ngân sách nhà nước trong các luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất
của hệ thống pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa
học Công nghệ Môi trường Lê Quang Huy đồng tình với đề xuất của Chính phủ ở
phương án 1, nên giao quyền cho các tổ chức khoa học công nghệ. Theo ông, như
vậy sẽ khuyến khích được sự sáng tạo của các tổ chức nghiên cứu "nhưng cần
tính toán kỹ, đảm bảo phù hợp với luật Khoa học và Công nghệ, Đa dạng sinh học
Việt Nam và pháp luật liên quan".
Chủ tịch Quốc hội Vương
Đình Huệ nhấn mạnh, đây là luật chuyên ngành, rất khó nhưng sự chuẩn bị của ban
soạn thảo và thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật "rất công phu, kỹ
lưỡng". Dự án luật đã cơ bản thể chế hóa được chủ trương của Đảng, Nhà
nước; phù hợp với Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...
"Tôi đồng tình với
phương án 1 của Chính phủ, giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp,
thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách
nhà nước cho các tổ chức chủ trì nghiên cứu; nhưng cần phải hài hòa lợi ích
giữa đơn vị chủ quản, lợi ích nhà nước và lợi ích tác giả", ông Huệ nói.
Dự án Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được trình xin ý kiến đại biểu tại
kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV khai mạc cuối tháng 10.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 93 điều (trong đó bổ sung 12
điều, sửa đổi 81 điều) và bãi bỏ một điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu
trí tuệ sau khi sửa đổi lên 233 điều, thuộc 7 nhóm Chính sách đã được thông
qua. Đó là chính sách bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác
giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển
nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan; khuyến khích tạo ra, khai
thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra
từ ngân sách Nhà nước; tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký
quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; bảo
đảm mức độ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường
hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu quả của hoạt động
bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam
kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.
|
Nguồn: Cục Sở hữu Trí tuệ