"Người ta đặt thì mình
làm”
Đây là câu trả lời của
ông Hùng khi được hỏi “từ đâu ông nghĩ ra ý tưởng về việc máy dọn bùn đáy ao?”.
Thực ra ý tưởng về chiếc máy được nhen nhóm từ cách đây chục năm, khi ông nghe
người dân trong thôn Cầu Đào, huyện Gia Bình tới mua máy bơm và than thở về
việc dọn ao mất nhiều công sức.
Lẽ thường để tát bùn đáy
ao, người ta thường phải hút sạch nước và thuê nhân công để dọn bùn. Chi phí và
thời gian không hề nhỏ lại làm gián đoạn quá trình nuôi trồng thủy sản nhưng
không dọn thì không được, bởi thức ăn dư thừa hay chất thải của tôm cá nếu để
lâu ngày dễ sinh bệnh, ảnh hưởng tới quá trình phát triển của tôm cá. Ông
Nguyễn Kim Hùng kể lại: ‘Người ta bảo, tôi muốn dọn đáy ao có độ nông sâu khác
nhau, anh thiết kế sản phẩm nào giải quyết được việc ấy đi”. Nghe bài toán đặt
hàng như vậy ông lại đau đáu.
Cũng phải nói rằng, thời
gian ấy, ông Hùng đã được biết đến khi nghiên cứu ra những chiếc máy bơm có
thiết kế nhỏ gọn, động cơ khỏe và cụm bơm ly tâm được sản xuất bằng hợp kim
nhôm rất bền, có thể di chuyển và lắp đặt dễ dàng. Xuất phát từ gốc nông dân,
ông hiểu rõ những vấn đề của đồng quê. Chẳng thế mà dù trên thị trường có không
ít những loại máy khác, giá thành cũng cạnh tranh, nhưng máy bơm “make in ông Hùng”
vẫn bán đắt như tôm tươi. Chẳng hạn do mạng lưới điện ở vùng nông thôn không ổn
định nên ông thiết kế để máy có thể hoạt động được trong phạm vi điện áp từ
170V-240V. Để chắc chắn tuổi thọ của máy, ông cũng cẩn thận thiết kế thêm đồng
hồ Vol để theo dõi nguồn điện áp và Aptomat. Tiện lợi như vậy nên chẳng cần
chiêu quảng cáo ầm ĩ nào thì chiếc máy bơm của ông đã có mặt ở rất nhiều cánh
đồng và gia đình ở Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc …
Những kinh nghiệm có
được khi chế tạo ra chiếc máy bơm này được xem là tiền đề quan trọng để ông Kim
Hùng tiếp tục nghĩ đến máy dọn đáy ao. Cái khó của trường hợp này là mỗi chiếc
ao lại có độ nông sâu khác nhau. Làm thế nào để bộ phận cào và hút bùn có thể
bám sát mặt ao, hút bùn vào và đẩy lên mặt đất thật không dễ giải quyết. “Đây
cũng là lí do mà tôi mất tới 10 năm để tìm ra nguyên lý cho sản phẩm này” – ông
Kim Hùng nói. “Tôi đã thử rất nhiều cách nhưng vẫn không được”. Ông giải thích,
máy bơm được để trên phao cố định, nếu đáy ao sâu hơn thiết kế phần cào bùn sẽ
bị hẫng không chạm được tới đáy ao nhưng ngặt một nỗi, đáy ao nông thì phần cào
lại bị trồi lên.
Ông Nguyễn Kim Hùng trong xưởng sản xuất của gia đình.
Nguồn: Báo Bắc Ninh
Một loại máy dọn ao được
biết đến trên thị trường có động cơ được kết nối với buồng hút nước thông qua dây
cuaroa, tuy nhiên vẫn chưa giải quyết được vấn đề này. Bởi thông thường để di
chuyển phần chõ hút đến chỗ có bùn, các tạp chất và chất thải, sẽ có ít nhất
một người phải di chuyển thuyền hoặc bè nổi qua các vị trị khác nhau. Việc này
gặp nhiều khó khăn do buồng hút nước với đầu hút, đầu xả, phần ống hút, chõ hút
được lắp đặt cố định. Quan sát trường hợp này, ông Hùng đặt vấn đề “Phải làm
thế nào đấy để chiếc máy bơm có thể lên xuống, di chuyển linh hoạt mà không ảnh
hưởng tới phần máy bơm bên trên”.
Cuối cùng, khoảnh khắc
‘eureka’ cho một sản phẩm mất tới 10 năm là khi ông tìm ra được nguyên lý để
chiếc máy dọn bùn có thể chìm nổi theo độ nông sâu của đáy ao. Theo đó, máy hút
bùn đa năng có cấu tạo xoay theo trục ngang và trục dọc, bám sát đáy ao để hút
bùn, hút bã hữu cơ thức ăn thừa và vệ sinh đáy ao hiệu quả. Cái đặc biệt trong
thiết kế là việc ông đặt máy bơm cố định theo chiều thẳng đứng, nếu muốn máy
bơm di chuyển thì lắp đặt hệ thống ròng rọc buộc ở bên kia bờ ao với dây kéo đa
năng. Bộ phận cào bùn được thiết kế di chuyển linh hoạt, có thể tự nâng và hạ
để bám sát mặt ao tùy vào độ nông sâu. Theo ông, cơ chế hoạt động của bộ phận
này là quan trọng nhất trong chiếc máy, còn máy bơm thì có thiết kế tương tự
với những sản phẩm ông đã thiết kế trước đó.
Với khoảng 6 triệu đồng,
khi mua một chiếc máy dọn bùn ao của ông, người ta có thể sử dụng nó vào ba
việc là dọn sạch bùn đáy ao, sục khí và bơm nước trong ao hồ. Sau khi máy dọn
bùn ao được ra mắt, bà con ai cũng phấn khởi bởi để dọn một chiếc ao có diện
tích khoảng 2.000m2, có thể phải chi ra tới cả chục triệu đồng trong
khi chiếc máy bơm của ông Hùng giá rẻ hơn mà tích hợp được cả ba chức
năng.
Đăng ký sở hữu trí tuệ
vì bị nhái
Do hiểu được tâm lý “bà
con thích cái gì đó vừa rẻ, vừa bền lại đa dụng” nên sau khi hoàn thành phiên
bản đầu tiên, ông lại tiếp tục cải tiến và bổ sung thêm các tính năng khác để
chiếc máy có thể giúp ích cho bà con nhiều nhất trong công việc chăn nuôi, đồng
áng. “Chiếc máy của tôi nếu để nguyên một chỗ thì dùng làm máy bơm, thấy cá có
hiện tượng thiếu khí, chỉ cần tháo ống xả ra có thể trở thành máy sục khí và
khi cần hút bùn thì có thể dọn sạch đáy ao”, ông nói không khỏi không tự
hào.
Chiếc máy dọn bùn đáy ao
của ông Kim Hùng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu
ích số 2-0002660 được
công bố vào ngày 25/7/2021.
Không chỉ có máy dọn bùn
ao, các sản phẩm do ông Nguyễn Kim Hùng mày mò tìm hiểu và thiết kế còn
rất nhiều loại như máy bơm chịu mặn phục vụ việc nuôi trồng thủy, hải sản
vùng nước mặn, máy quạt nước làm mát bằng nước tự nhiên... Là người có nhiều
sáng chế liên quan đến máy móc phục vụ nông nghiệp mang lại hiệu quả, ông Hùng
mau chóng thấy được cơ hội phát triển. Vì vậy ông đã thành lập doanh
nghiệp sản xuất máy móc ở quê nhà với khoảng 40, 50 nhân công. Máy bơm các loại
của cơ sở sản xuất của ông được bà con ở các tỉnh miền Bắc ưa chuộng vì bền,
giá cả phải chăng. Trung bình mỗi năm, ông xuất xưởng khoảng 3.000 máy các loại
ra thị trường.
“Bà con nông dân nên cứ
cái gì rẻ bền đẹp là thích”- ông nói. Bởi vậy, cơ sở sản xuất của ông cũng có
tới gần 100 đại lý tiêu thụ trên cả nước. Tuy nhiên điều mà nhà sáng chế này
cảm thấy đau đáu là các sản phẩm do ông dày công nghiên cứu, sáng tạo thường
xuyên bị nhái lại. “Họ làm lại giống y hệt sản phẩm của mình” – ông nói. Bởi
vậy, với máy dọn bùn ao ông quyết tâm đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ để bảo vệ
cho thành quả lao động của mình.
Không chỉ vậy, để tạo ra
các sản phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng cao theo nhu cầu của thị trường, xưởng
sản xuất của ông Hùng còn đầu tư nhiều máy móc thiết bị như máy phay CNC, máy
tiện CNC, máy cắt phôi tự động…
Đối với ông, việc có thể
dành cả đời nghiên cứu ra những chiếc máy hữu ích cho bà con nông dân là điều
khiến ông chưa bao giờ thôi tự hào.
Ông Nguyễn Kim Hùng từng nhận Huy chương Vàng và công nhận
danh hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn"; Hộ
nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2012 - 2016; Giải
nhất cuộc thi Nhà nông sáng tạo tỉnh Bắc Ninh; Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu
năm 2017, Giải thưởng "Nhà khoa học của nhà nông lần thứ 2" của
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Năm 2020, ông được Thủ tướng Chính phủ và
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh tặng Bằng khen.
|
Nguồn:
Cục Sở hữu Trí tuệ