Thư viện Trường THCS Lê Thánh Tông
được trang trí không gian mở, thân thiện. Khuôn viên thư viện là những bức
tranh, những dòng chữ sinh động thể hiện nội dung theo từng chủ đề của góc đọc
thư viện, cùng với đó là những giá sách nhỏ xinh với đầy đủ các loại sách, tài
liệu phục vụ học sinh tham khảo, học tập. Ngoài chức năng phục vụ đọc sách, mô
hình thư viện thân thiện của Trường THCS Lê Thánh Tông còn tạo điều kiện để học
sinh phát triển năng lực của bản thân một cách tự nhiên.
Theo chia sẻ của nhiều học sinh,
thư viện nhà trường không chỉ giúp các em lĩnh hội được những bài học quý trong
sách mà còn hỗ trợ các em phát triển ngôn ngữ, rèn kỹ năng đọc, kỹ năng giao tiếp
và cải thiện chất lượng học môn Tiếng Việt... Thư viện thân thiện cũng trở
thành địa điểm thu hút các em học sinh đến đọc sau mỗi giờ học. Từ khi có thư
viện, nhiều em học sinh đã hình thành được thói quen đọc sách trong mỗi giờ ra
chơi.
Các em học sinh lớp 9/2 tại thư viện thân thiện Trường THCS Lê Thánh Tông
Đối với giáo dục trong nhà trường,
xây dựng và phát triển văn hóa đọc chính là hình thành thói quen và phương pháp
đọc sách cho học sinh. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xuân Lộc và UBND xã Bảo
Hòa đã chỉ đạo các trường học đẩy mạnh xây dựng thư viện thân thiện, phát triển
văn hóa đọc trong nhà trường nhằm giúp học sinh hình thành kỹ năng, phương pháp
và thói quen đọc.
Theo đó, dưới sự hỗ trợ của chính
quyền địa phương và huy động xã hội hóa, các trường học trên địa bàn xã đã xây
dựng được không gian thư viện xanh, thân thiện, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt
động đọc, tìm tài liệu phục vụ học tập của học sinh. Tùy thuộc vào điều kiện của
mỗi trường học, thư viện thân thiện cũng được triển khai xây dựng dưới nhiều
hình thức phong phú và đa dạng. Có thể thấy, các thư viện trên địa bàn xã Bảo
Hòa đã khơi dậy niềm đam mê đọc sách, giúp học sinh tiếp cận và đọc sách nhẹ
nhàng, tự nhiên, thú vị, hình thành văn hóa đọc cho các em. Ðồng thời, giúp
ngành giáo dục thực hiện tốt hơn phong trào xây dựng “trường học thân thiện, học
sinh tích cực”.
KBH