Đây là một hình thức diễn xướng dân
gian mang đậm tính chất nghi lễ nghề nghiệp, liên quan đến việc hành nghề của
thầy Tào. Thông qua quy trình thực hành lễ cấp sắc cho thầy Tào đã thể hiện rõ
những giá trị văn hóa nghệ thuật, bản sắc độc đáo của người Tày; đồng thời cho
thấy tinh thần đoàn kết, gắn bó của các thành viên trong gia đình, dòng họ.
Đời sống văn hóa của dân tộc Tày phong phú và đa dạng. Trong các hình thức tín
ngưỡng dân gian của người Tày, Tào là tên gọi của một hình thức cúng bái do
người nam giới thực hiện có từ lâu đời.
Công việc chính của thầy Tào là chủ trì các đám tang, các hoạt động tế tự lớn
và thực hiện các nghi lễ khác như trừ tà, trục quỷ, cầu an, chọn ngày dựng
nhà... và đặc biệt đóng vai trò chủ trì chính khi thực hiện các thủ tục trong
lễ cấp sắc.
Nghề thầy Tào chủ yếu được truyền theo gia đình, dòng họ; cũng có một số ít
thầy Tào vào nghề là do tự nguyện.
Quá trình thực hành nghi lễ phải sử dụng sách chữ Hán nên người làm nghề thầy
Tào phải biết đọc thông viết thạo chữ Hán. Khi đã đáp ứng được đầy đủ các điều
kiện thì đệ tử có thể làm lễ thụ nghề hay còn gọi là lễ cấp sắc.
Nghi lễ cấp sắc lần đầu tiên cho một đệ tử là minh chứng để cho một người có
căn duyên hành nghề này được chứng nhận đủ khả năng để tiến hành các nghi lễ
cúng bái trong đời sống tâm linh của cộng đồng. Tùy quy định của từng địa
phương mà số lần làm lễ cấp sắc tương đương với cấp bậc được cấp để hành nghề.
Theo quan niệm của tổ tiên trong nghề truyền lại, sau mỗi lần thăng chức thì
thầy Tào sẽ có quyền lực cao hơn, số lượng binh mã được cai quản để phụ giúp
các thầy trong quá trình hành lễ nhiều hơn.
Một yêu cầu rất quan trọng để có thể tiến hành lễ tăng sắc đó là phải tìm thầy
Tào có chức sắc cao hơn chức sắc hiện tại của mình để cấp cho mình. Ngoài những
điều kiện trên thì gia đình phải có sự chuẩn bị đầy đủ.
Theo truyền thống, lễ cấp sắc diễn ra trong ba ngày hai đêm nhưng hiện nay giảm
xuống còn hai ngày một đêm. Để tiến hành lễ cấp sắc, việc chuẩn bị lễ vật là vô
cùng quan trọng. Gia chủ cần chuẩn bị lễ vật phục vụ cho nghi lễ và lễ vật cho
thầy Tào, thầy Pụt mang về sau khi kết thúc nghi lễ.
Tùy thuộc vào điều kiện của gia đình, lễ vật cần chuẩn bị gồm có 4-6 con gà
luộc, hai con gà sống với ý nghĩa đi dẫn đường cho đoàn binh mã, một con vịt
sống với ý nghĩa để vận chuyển những vận hạn, điều không may mắn trong gia đình
gia chủ đi ra sông, ra biển, một con lợn, một con dê, 6-10 kg gạo chia đều ra
ba mâm cúng; mỗi mâm cúng 1-2 chai rượu nếp, bánh dày, bỏng ngô, hoa quả, bánh
kẹo, vàng hương, vải hồng, hoa chuối đỏ, cây mía, các loại hoa thơm trên rừng.
Để tiến hành lễ cấp sắc cho thầy Tào cần có sự phối hợp hành lễ của thầy Tào và
thầy Pụt. Thầy Tào cả giữ vai trò chủ trì, chịu trách nhiệm chính gọi là Pỏ
slay và một thầy Pụt phối hợp với thầy Tào tiến hành nghi lễ gọi là Mẻ slay.
Thầy Tào giữ vị trí quan trọng, là người có quyền ra quyết định cấp sắc, giao
ấn, dụng cụ hành nghề cho người được cấp sắc. Nhiệm vụ chính của thầy Pụt là
cai quản binh mã tiến hành nghi lễ đưa lễ vật của đệ tử để dâng nộp đến các cửa
thần linh. Nhiệm vụ của các thầy phụ giúp việc cho Pỏ slay và Mẻ slay là đánh
trống, sóc nhạc, thực hiện động tác múa Pây cang, chuẩn bị các đồ mã, đồ lễ
liên quan tại từng nghi lễ nhỏ diễn ra trong lễ cấp sắc.
Không gian tổ chức lễ cấp sắc chủ yếu diễn ra trong phạm vi của ngôi nhà sàn và
một địa điểm ở ngoài trời. Trước ngày diễn ra đại lễ, gia đình người được tăng
sắc cử người đi đón các thầy.
Sau khi công tác chuẩn bị hoàn tất, thầy Tào, thầy Pụt, người phục vụ... ngồi
vào vị trí tại đàn cúng của mình, nàng hương thắp hương lên các bát hương, nghi
lễ. Kết thúc nghi lễ, gia chủ chuẩn bị mâm cỗ để mời các thầy đã thực hiện
thành công lễ cấp sắc và mời anh em họ hàng, bạn bè, làng xóm đến chúc mừng cho
ngày vui của gia đình.
Giá trị nổi bật trong lễ cấp sắc Tào là giá trị về nghệ thuật biểu diễn, diễn
xướng. Thông qua các khoa cúng của thầy Tào và thầy Pụt, cộng với các cuộc giao
lưu giữa các thầy cúng với nhau và giữa thầy cúng với người tham dự, lễ cấp sắc
diễn ra như một màn trình diễn sân khấu tâm linh hấp dẫn và đậm đà bản sắc dân
tộc.
Khánh Hưng - Sông Thao