Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và
PTNT Hà Công Tuấn cho biết như vậy trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều
nay (4/5).
Giá
thịt lợn đang tăng nhẹ
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng
Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Hiện, Bộ đã công khai rất nhiều
giải pháp trước mắt, vì vậy những ngày qua giá thịt lợn hơi đã tăng lên và có mức
tăng bình quân so với thời điểm thấp nhất khoảng trên 5.000 đồng/kg thịt lợn
hơi. Ở các siêu thị so với cách đây 10 ngày thì giá bán thịt lợn cũng đã giảm,
rất nhiều doanh nghiệp cung ứng cho các siêu thị lớn như Big C, Saigon Co.op…
đã giảm giá bán 10-20%.
Do những cố gắng của tất cả
các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp nên trong thời gian qua, thậm chí ngay
trong dịp nghỉ lễ 30/4 có tiêu thụ thịt lợn tại các vùng quê. Điều này cũng góp
phần làm giá thịt lợn hơi về cơ bản tương đương giá thành sản xuất.
Bộ sẽ cố gắng giải quyết
trong thời gian tới để cân bằng lại cung-cầu trong khoảng 2-3 tháng nữa.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và
PTNT Hà Công Tuấn đưa ra 3 giải pháp:
Thứ nhất là phải giải quyết
tốt quan hệ cung-cầu, đồng thời rà soát để bảo đảm tổng đàn lợn, quy mô đàn có
cơ cấu hợp lý. Trước mắt, Bộ đang có các giải pháp để kiểm soát lợn nái, đồng
thời nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thứ hai là tổ chức liên kết
chuỗi. Như vậy, sẽ có một số cơ chế chính sách chúng tôi sẽ đề xuất với Chính
phủ thay đổi. Tuy nhiên, quan điểm chung là không có việc hỗ trợ trực tiếp mà hỗ
trợ thông qua chuỗi và theo tín hiệu của thị trường.
Thứ ba là giải quyết vấn đề
mở thị trường, ở đây là thị trường Trung Quốc. Những năm trước, thị trường
Trung Quốc là thị trường xuất nhập khẩu theo tiểu ngạch rất lớn với thịt lợn của
chúng ta. Năm nay, trong 4 tháng đầu năm, lượng này chỉ còn khoảng dưới 10% so
với năm ngoái, vì vậy cũng ảnh hưởng đến tiêu thụ lợn.
Nhập
khẩu thịt không ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ
Thắng Hải, cho biết, 4 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu, nhập khẩu đều tăng mạnh.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu tăng mạnh hơn nhiều, ở mức 29,4%, trong
khi xuất khẩu tăng 15,4%. Chính vì vậy tính chung 4 tháng đầu năm, Việt Nam nhập
siêu khoảng 2,74 tỷ USD, bằng khoảng 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trả lời báo chí về việc liệu
có phải do nhập khẩu thịt lợn và các mặt hàng liên quan làm ảnh hưởng đến tiêu
thụ các sản phẩm này trong nước hay không?
Theo Thứ trưởng Bộ Công
Thương Đỗ Thắng Hải: “Cả năm 2016, Việt Nam nhập 39.400 tấn thịt lợn và các sản
phẩm liên quan đến thịt lợn từ các nước EU, Australia, Hoa Kỳ, Canada, Liên
bang Nga… Như vậy, về kim ngạch chỉ đạt 44 triệu USD, bằng 0,1% sản lượng tiêu
thụ thịt lợn trong nước.
Do đó, có thể khẳng định việc
nhập khẩu thịt lợn và các sản phẩm liên quan đến thịt lợn không ảnh hưởng đến
tiêu thụ trong nước.
Nếu vào các siêu thị sẽ thấy
các sản phẩm nhập khẩu có giá đắt hơn rất nhiều so với các sản phẩm thịt lợn sản
xuất trong nước.
Liên quan đến tạm nhập-tái
xuất, năm 2016 chỉ tạm nhập-tái xuất 20 triệu USD thịt lợn. Hiện, Ban Chỉ đạo
quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang rất lưu ý và có
nhiều biện pháp phòng tránh thẩm lậu các mặt hàng tạm nhập-tái xuất vào thị trường
nội địa.
Các mặt hàng tạm nhập-tái xuất
chủ yếu là nội tạng lợn. Do đó, sau khi được Chính phủ chấp thuận, Bộ Công
Thương đã có các biện pháp để có thể sẵn sàng trong trước mắt tạm dừng tạm nhập-tái
xuất các sản phẩm thịt lợn và liên quan đến thịt lợn.
Về việc tại sao nhiều mặt
hàng của Việt Nam như rau quả, thịt lợn không thể xuất khẩu sang thị trường các
nước? Trước hết là do chất lượng các mặt hàng này.
Ví dụ như thịt lợn, trong
khu vực châu Á-Thái Bình Dương mới chỉ có Hong Kong và Malaysia là chúng ta đã
ký Hiệp định về thú ý, công nhận chất lược kiểm dịch. Như vậy, nếu về chính ngạch
sản phẩm của Việt Nam mới chỉ có thể xuất khẩu vào hai thị trường này. Nhưng
cũng xin nói thêm là hai thị trường này chỉ nhập khẩu lợn sữa, với số lượng rất
ít. Tương tự như vậy là các mặt hàng rau, quả”.
NHNN
sẽ giãn thời hạn trả nợ cho người chăn nuôi
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào
Minh Tú: Dư nợ toàn ngành cho chăn nuôi lợn hiện là gần 30.000 tỷ đồng, số
chính sách là 29.344 tỷ đồng, cho vay ngắn hạn 12.665 tỷ, chiếm 43%, cho vay
dài hạn là 16.679, chiếm 57%, với số lượng bà con hộ nông dân và DN kinh doanh chăn
nuôi lợn là 506.058 khách hàng đang còn vay nợ ngân hàng. Trong đó, dư nợ chủ yếu
là của cá nhân, hộ gia đình, khoảng 25.800 tỷ, chiếm tỉ trọng gần 90% tổng dư nợ,
10% còn lại dành cho DN, HTX, mô hình liên kết.
Như vậy, có thể nói vấn đề
nuôi lợn với khối lượng dư nợ trong tổng dư nợ nói chung hoặc tính trong cơ cấu
sản phẩm nông nghiệp nói riêng cũng là con số rất lớn. Do vừa qua giá bán giảm
thấp, một số bà con và DN không tiêu thụ được, chậm trả nợ, nợ xấu đã xuất hiện
và tăng lên 352 tỷ đồng, chiếm 1,2% dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn. Hộ nông
dân và cá nhân chiếm tỉ trọng lớn là 311 tỷ.
Ngay từ khi có câu chuyện
các DN và đặc biệt là hộ nông dân nuôi lợn không bảo đảm được thời hạn trả nợ
thì NHNN đã cử các đoàn đi khảo sát ngay, tập trung ở một số tỉnh có số chăn
nuôi lớn như Đồng Nai. Cho đến nay, số đã xử lý ngay cho những hộ gia đình và
DN để thực hiện tái cơ cấu lại khoản nợ, tức là giãn nợ ra cho bà con, đạt là
364,7 tỷ đồng.
Sau khi có chỉ đạo của Chính
phủ, NHNN đã có văn bản chỉ đạo ngay các ngân hàng thương mại: Đối với DN, bà
con nông dân, do điều kiện giá thịt lợn đang giảm, tiêu thụ khó khăn thì tạm
hoãn, giãn thời hạn trả nợ, không chuyển nợ nhóm tức là giữ nguyên nhóm 1, với
mức thời hạn thích hợp cho việc tiêu thụ sản phẩm. Thứ hai, về vấn đề hỗ trợ
lãi suất, việc này cũng căn cứ vào khả năng tài chính của các ngân hàng thương
mại. NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại quan tâm và đặc biệt xem xét từng
trường hợp cụ thể để có biện pháp miễn, giảm lãi vay, kể cả lãi suất nợ quá hạn
để bảo đảm làm sao hỗ trợ cho bà con một cách phù hợp với tình hình khó khăn hiện
nay.
Đặc biệt, tránh trường hợp
hiện nay đang rất thừa, nhưng nếu không có biện pháp tiếp tục chăn nuôi thì đến
một lúc lại thiếu nên đối với những DN, bà con vẫn tiếp tục có nhu cầu chăn
nuôi lợn, NHNN có chủ trương yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay
thêm, nhưng tất nhiên phải bảo đảm có lãi chứ không phải càng nuôi lại càng lỗ.
Theo Dương Thanh/kinhtenongthon.com.vn