Trả lời thắc mắc của bạn đọc Báo Đồng Nai liên quan đến sự cần thiết của tài khoản định danh điện tử, đại tá TRẦN NGỌC MINH, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh cho biết:
Theo Luật Cư trú năm 2020, đến hết ngày 31-12-2022, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ không còn giá trị sử dụng, người dân cần đăng ký và sử dụng tài khoản định danh điện tử để thuận tiện trong thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) và giao dịch dân sự. Tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an quản lý, cung cấp cho công dân sử dụng thông qua phần mềm ứng dụng VNeID.
Đại tá Trần Ngọc Minh, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh hướng dẫn người dân làm thẻ căn cước công dân. Ảnh: K.Liễu
Thưa ông, vì sao có căn cước công dân (CCCD) vẫn cần tài khoản định danh điện tử?
Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an, thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục phát triển cung cấp thêm tiện ích cho người dân trên ứng dụng VNeID như: tài khoản ngân hàng, mã số thuế cá nhân; tự động nhập thông tin giấy tờ cần tích hợp; đẩy mạnh kết nối với hệ thống điện tử của các tổ chức để ứng dụng định danh điện tử được rộng rãi hơn. |
- Hiện nay, hệ thống dịch vụ công quốc gia đã được kết nối với hệ thống định danh điện tử và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử có cơ chế để định danh, xác thực thông tin người dùng bảo đảm tính chính xác, đồng nhất, có kiểm chứng, nâng cao hiệu quả cho việc cung cấp và sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến. Cụ thể, khi sử dụng tài khoản định danh điện tử, công dân có thể ngồi tại nhà để thực hiện nhiều thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mà không cần phải trực tiếp đến trụ sở các cơ quan nhà nước; hệ thống dịch vụ công trực tuyến sẽ tự động điền thông tin của công dân vào các mẫu đăng ký có sẵn mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần như trước đây. Việc này sẽ giúp công dân tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, cải cách quá trình tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính…
Ngoài ra, việc ứng dụng định danh và xác thực điện tử với cá nhân còn đáp ứng yêu cầu quản lý với giao dịch điện tử trên môi trường mạng nhằm hạn chế hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín gây mất an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
* Công dân sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các TTHC, giao dịch dân sự theo cách nào, thưa ông?
- Tài khoản định danh điện tử bao gồm tên đăng nhập (là mã số định danh cá nhân của công dân) và mật khẩu (do công dân tạo lập), được xác thực qua số điện thoại công dân đã đăng ký sử dụng (phục vụ gửi qua tin nhắn SMS thông báo, gửi mã OTP để xác thực). Tài khoản này do Bộ Công an quản lý, xác thực thông tin thông qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo tính chính xác, duy nhất và không thể giả mạo.
Thông tin của công dân Việt Nam được tích hợp trên tài khoản định danh điện tử gồm: số định danh cá nhân (số CCCD), họ chữ đệm và tên, ngày tháng năm sinh; giới tính; thông tin sinh trắc học (ảnh chân dung, vân tay) và được hiển thị trên ứng dụng VNeID để người dân, cơ quan, tổ chức sử dụng để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự.
Các tiện ích trên ứng dụng VNeID được thực hiện trực tiếp trên internet gồm có: thông báo lưu trú, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19, hiển thị thông tin cá nhân, QR-code định danh điện tử, sử dụng định danh điện tử thay cho CCCD có gắn chip, tích hợp thông tin của nhiều loại giấy tờ khác: bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe…, kịp thời gửi tin báo, tố giác tội phạm và nhận được nhiều tin tức, bài viết hấp dẫn. Trong thời gian tới sẽ được tích hợp thêm các tính năng: thẻ ngân hàng, khai báo tạm vắng, đăng ký tạm trú, đăng ký thường trú… để tạo thuận tiện thực hiện các thủ tục hành chính về cư trú và các giao dịch tài chính như: thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, chuyển tiền…
Ngoài ra, công dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập vào hệ thống dịch vụ công quốc gia để đăng ký, nộp hồ sơ đề nghị giải quyết các TTHC mà không cần phải tạo thêm tài khoản khác. Khi sử dụng tài khoản định danh điện tử trên hệ thống dịch vụ công quốc gia giúp cho quá trình thực hiện đăng ký hồ sơ TTHC sẽ được hỗ trợ điền sẵn các thông tin cá nhân của công dân vào các biễu mẫu trực tuyến từ các thông tin đã được tích hợp trong định danh điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh hướng dẫn người dân đăng ký sử dụng tài khoản định danh điện tử trên phần mềm VNeID để hoàn tất thủ tục làm hộ chiếu online. Ảnh: K.Liễu |
* Khi đã có tài khoản định danh điện tử, người dân có cần mang theo CCCD gắn chip không?
- Căn cứ theo Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5-9-2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về định danh và xác thực điện tử, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 20-10-2022, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có giá trị tương đương với thẻ CCCD, được xem như là “ví giấy tờ điện tử” của công dân để quản lý thông tin CCCD hay toàn bộ giấy tờ tùy thân trên môi trường mạng. Các thông tin gắn liền với danh tính điện tử đã được Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan tạo lập, đối chiếu, xác thực thông qua các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu CCCD, cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh và các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành khác. Vì vậy, với định danh điện tử mức độ 2, công dân có thể sử dụng thông tin để cung cấp cho cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính mà không cần trình thẻ CCCD gắn chip.
* Để đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử cấp độ 2, người dân cần chuẩn bị gì?
- Đối với việc đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2, công dân phải đến cơ quan công an nơi cấp CCCD để thực hiện. Tại tỉnh Đồng Nai, các đơn vị tiếp nhận hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử được thực hiện tại bộ phận một cửa công an cấp huyện (riêng Công an TP.Biên Hòa tổ chức thu nhận tại bộ phận một cửa của UBND TP.Biên Hòa), Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và các tổ thu nhận CCCD, định danh điện tử lưu động tại công an các xã/phường/thị trấn (nếu có).
Để đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 được thuận lợi, nhanh chóng, công dân cần chuẩn bị CCCD có gắn chip và các giấy tờ có nhu cầu tích hợp hiển thị lên ứng dụng VNeID như: thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, đăng ký xe, thông tin về mã số thuế… (cần cầm theo giấy tờ gốc để đối chiếu).
Ngoài ra, nếu trường hợp công dân bị mất CCCD gắn chip hoặc CCCD quá hạn thì công dân có thể thực hiện thủ tục đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử kèm thủ tục cấp lại CCCD gắn chip.
* Xin cảm ơn ông!
Để sử dụng được phần mềm ứng dụng VNeID, người dân sử dụng điện thoại thông minh tải phần mềm VNeID trên App Store, CH Play; đăng ký tài khoản định danh điện tử để sử dụng gồm có 2 mức độ: mức độ 1 tự đăng ký trực tiếp trên ứng dụng thông qua CCCD có gắn chip; mức độ 2 công dân cần đến các điểm thu nhận hồ sơ cấp CCCD của cơ quan công an để thực hiện thủ tục đăng ký. Kiêm Liễu thực hiện |