Lợi thế khai thác du lịch kết hợp với nông nghiệp
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
(NTM), Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Đồng Nai đang là những mục
tiêu phát triển quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh. Mục tiêu này
cũng được xác định tại Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 30/12/2021 (Nghị quyết 04) của
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về phát triển du lịch thành ngành kinh tế
quan trọng.
Trong đó, du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch mua sắm
gắn kết các sản phẩm được công nhận OCOP với các điểm du lịch, vừa tạo đầu ra
cho sản phẩm, vừa quảng bá, xây dựng thương hiệu cho nông sản Đồng Nai trong
lĩnh vực du lịch, thương mại.
Nghị quyết 04 nêu rõ, Đồng Nai là tỉnh nằm ngay ngã ba kinh
tế trọng điểm phía Nam, gồm TP HCM - Bình Dương - Bà RịaVũng Tàu, có lợi thế du
lịch với nhiều di tích tích lịch sử (chiến khu D, Cù Lao phố...) danh lam thắng
cảnh (đá Ba chồng, đồi Chúa xót thương, lòng hồ Trị An...).
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Tuy nhiên, việc triển khai các mô hình du lịch kết hợp sản
xuất nông nghiệp vẫn còn vấp phải nhiều khó khăn, trong đó chủ yếu là hành lang
pháp lý trong việc cấp phép xây dựng, hoạt động cho các cơ sở du lịch tồn tại
trên diện tích đất nông nghiệp. Trong khi đó, mô hình này đã được tạo điều kiện
triển khai thành công tại một số tỉnh lân cận Đồng Nai như Lâm Đồng, Bà Rịa -
Vũng Tàu…
Ông Trần Nam Biên - Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết:
"Thời gian qua, huyện Định Quán chủ trương phát triển các loại hình du
lịch, trong đó có du lịch nông nghiệp gắn liền với các sản phẩm gắn liền với
đặc trưng của địa phương. Những khu du lịch hiện nay thu hút rất nhiều du
khách. Tuy nhiên, loại hình này còn mới và liên quan đến công tác quản lý trong
nhiều lĩnh vực như đất đai, xây dựng, môi trường… do phải xây dựng một số công
trình tạm như khu vệ sinh, điểm dừng chân cho khách, canteen, bãi đậu xe…
Để phát triển loại hình du lịch này, ông Biên cho rằng,
phải có một quan điểm nhất quán về vấn đề này ví dụ như phải xây dựng với quy
mô như thế nào, vật liệu gì, phải có tỉ lệ diện tích nhất định:
“Hiện nay huyện vẫn đang nghiên cứu, đồng thời học tập kinh
nghiệm từ các tỉnh bạn như Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu - những địa phương đang
phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch này, để có định hướng thực hiện và quản
lý, đồng thời sẽ xin ý kiến của tỉnh để triển khai các mô hình này một cách tốt
nhất, để có thể hỗ trợ nhà đầu tư cũng như đảm bảo quy định của pháp luật” -
ông Biên nói.
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, việc
triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo nên diện mạo mới, đặc
biệt là hạ tầng, tạo một môi trường thuận lợi cho việc phát triển du lịch nông
nghiệp tại các làng nghề nông - lâm - ngư nghiệp truyền thống ở nước ta. Ngược
lại, du lịch nông nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy cho việc thực hiện phong trào
nông thôn mới với tốc độ vừa nhanh vừa bền vững do không những tham gia tích
cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng đầu ra của sản phẩm mà còn bảo
tồn được các giá trị văn hóa gốc của nông thôn hoặc giá trị về thương hiệu hàng
hóa đặc thù.
Theo Ngọc Long-Báo Pháp
luật