Xuất phát từ đam mê làm vườn, khoảng 8 năm về trước, trong khi phần đông
bà con ở Tà Lài chú trọng mô hình trồng các loại cây như tiêu, cam, quýt, cà
phê…thì ông Năm Gộc lại trăn trở, suy nghĩ để chọn loại cây trồng phù hợp nhất
cho khu vườn của mình. Và rồi, ông quyết định rẽ hướng, chọn cây ca cao làm cây
trồng chính và nhân số lượng cây. “Ðó cùng là thời điểm chưa ai ở Tân Phú
trồng cây ca cao, cũng chưa ai nghĩ đến lợi nhuận kinh tế về sau”. Những ngày đầu
bắt tay “xuống giống” trồng ca cao, nhiều người xung quanh bàn tán, cho rằng
trước sau gì ông cũng đốn bỏ vì không ai mua. Thậm chí, có người còn cho rằng
ông Năm Gộc “làm nông nghiệp mà không am hiểu về nông nghiệp” hay “làm nông
nghiệp mà không có tầm nhìn và sự tính toán”... Trong hoàn cảnh ấy, ông vẫn giữ
vững quan điểm, tiếp tục trồng và chăm sóc cây ca cao. Ông Năm Gộc chia sẻ:
“Trong mấy năm đầu tiên, tôi gặp rất nhiều khó khăn bởi bản thân chưa nắm rõ kỹ
thuật chăm sóc để cây phát triển mạnh, cho trái nhiều. Bởi vậy, nhiều cây giống
đã bị chết hoặc còi cọc, không phát triển”.
Ông Trương Văn Gộc giới thiệu cho du khách tại vườn cacao
Với quyết tâm gầy dựng “thương hiệu” ca cao Tà Lài, cùng với sự động
viên của gia đình, ông Năm Gộc đã mày mò, tìm hiểu về kỹ thuật chăm sóc cây ca
cao trên sách, báo và mạng xã hội. Từ những kiến thức có được, ông và các con
áp dụng vào chăm sóc vườn cây. Cuối cùng những nỗ lực của ông cũng được đền
đáp, sau một thời gian, vườn ca cao phát triển rất nhanh, xanh mướt, tỏa nhánh
sum suê… Ðến nay, vườn ca cao của ông Năm Gộc có tổng diện tích trên 5 ha cho
trái nhiều, mang lại thu nhập ổn định.
Ngoài việc chăm sóc để vườn ca cao mang lại năng suất
và chất lượng, ông Năm Gộc còn xây dựng vườn ca cao theo hướng du lịch với tên
gọi “Vườn ca cao Tà Lài” để cho khách đến tham quan, chụp hình. Không chỉ giỏi trong việc trồng, chăm sóc và
chế biến ca cao, ông Năm Gộc và các con còn mạnh dạn, nhạy bén khi làm du lịch
vườn để quảng bá sản phẩm làm từ ca cao. Với mô hình du lịch này, gia đình Năm
Gộc đã bán nhiều sản phẩm chế biến từ ca cao tại chỗ cho du khách như: bột ca
cao, rượu ca cao, bơ ca cao, sôcôla... Nhờ vậy, thu nhập hàng năm của gia đình
cũng được tăng thêm.
Ông Năm Gộc cho biết khách du lịch chủ yếu là
người nước ngoài, đi theo tour trải nghiệm Vườn quốc gia Cát Tiên. Khi tham
quan vườn ca cao, họ đặc biệt thích thưởng thức ca cao, tìm hiểu về sinh hoạt của
cư dân bản địa và hòa mình vào không khí bình yên của làng quê. Nói về định hướng để phát triển vườn ca cao Tà Lài
trong thời gian tới, ông cho biết thêm: “Để nâng cao chất lượng phục vụ
khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và thưởng thức ca cao, gia đình anh sẽ
tiếp tục đầu tư một số hạng mục như: Bãi đậu xe, những ngôi nhà lá để khách
ngồi nghĩ chân và nhâm nhi thưởng thức hương vị ca cao. Đồng thời dự định phục
vụ những món ăn bình dân và đặc sản của vùng đất Tà Lài như: Cá sông Đồng Nai,
vịt xiêm (vịt ngang), gà ta thả vườn, heo rừng nuôi và những món rau sạch từ
vườn của gia đình sản xuất cho khách khi tham quan tuyến du lịch Vườn ca cao Tà
lài, Bia tưởng niệm Nhà ngục Tà Lài, Nhà Văn hóa các dân tộc xã Tà Lài, Nhà dài
Ta Lai Long House, Vườn Quốc gia Các Tiên...
Đến
Vườn ca cao Tà Lài, du khách sẽ được thưởng thức hương thơm của những ly ca cao
nóng ấm, nguyên chất, du khách lại càng cảm nhận rõ hơn sự yên bình, thoải mái.
Tin rằng, với cách làm du lịch của những người nông dân chất phác, giàu nghị
lực như ông Năm Gộc, chắc chắn sẽ góp thêm một sản phẩm mới cho du lịch Ðồng
Nai nói chung, Tà Lài nói riêng.
Ánh Tuyết