Định Quán - Xã Suối Nho : noi-dung-tin Định Quán - Xã Suối Nho
Chào mừng quý vị đến với Website xã Suối Nho huyện Định Quán
Tìm kiếm
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

Lượt Truy Cập
 

Nội dung

 
Tình hình chăn nuôi tháng 9 năm 2017 Cập nhật23-10-2017 10:17
Theo Cục Chăn nuôi – Bộ NN&PTNT, tình hình chăn nuôi trâu, bò cả nước trong tháng 9/2017 không có biến động lớn, giá bán ổn định. Ước tính tổng số trâu cả nước trong 9 tháng đầu năm giảm khoảng 0,5%, tổng đàn bò tăng khoảng 2,7% so với cùng kỳ năm 2016. Chăn nuôi lợn tại các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn quy mô lớn tái đàn nhưng số lượng hạn chế, còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì ít hoặc không tái đàn. Ước tính tổng số lợn cả nước giảm khoảng 4,2%, tổng đàn gia cầm tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2016.
 

Chăn nuôi trâu: trong 9 tháng đầu năm 2017, đàn trâu trên cả nước phát triển chậm, lượng trâu bán tại một số tỉnh miền núi phía Bắc tương đối lớn. Ước tính, tổng số trâu hiện nay giảm 0,5%; trong khi đó sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Chăn nuôi bò: chăn nuôi bò phát triển ổn định và có chiều hướng tiếp tục tăng đàn, đàn bò sữa tiếp tục phát triển tốt (tăng khoảng 3-4%) và mở rộng thêm ở một số địa phương như: Phú Yên, Thanh Hóa, Lâm Đồng… Ước tính, trong 9 tháng đầu năm 2017, tổng số bò của cả nước tăng khoảng 2,7%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Chăn nuôi lợn: trong 5 tháng đầu năm 2017 chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do giá cả liên tục xuống thấp dưới giá thành, nguồn cung nhiều hơn so với nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, sau khi các cấp Bộ, ngành đồng loạt triển khai các nhóm giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm ổn định và hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn, giá thịt lợn hơi đã ngăn đà giảm và ổn định trong suốt các tháng tiếp theo, đàn lợn cũng được duy trì (cả nước đã loại thải được gần 500 ngàn lợn nái, tương đương với khoảng 10,28 %). Ước tính số lượng lợn ở thời điểm hiện tại của cả nước giảm khoảng 4,2% so với cùng kỳ năm 2016 (sản lượng thịt lợn hơi đến thời điểm có thể xuất chuồng tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2016). Dự báo, Quý IV năm 2017, đàn lợn sẽ tăng trở lại do các địa phương và doanh nghiệp chăn nuôi đã ổn định đàn lợn nái, nguồn cung con giống cho hoạt động sản xuất chăn nuôi tăng lên, chuẩn bị cho nhu cầu tiêu dùng thịt lợn trong nước các tháng cuối năm và dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2018.

Chăn nuôi gia cầm: những tháng đầu năm 2017, dịch cúm gia cầm phát sinh tại một số tỉnh, tuy nhiên, số ổ dịch xảy ra nhỏ lẻ và đã được khống chế. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước hiện tại tăng khoảng 5,3%, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tăng 6,1% và sản lượng trứng gia cầm ước tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Cúm gia cầm: Nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng vi rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu. Các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống Cúm gia cầm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.

Lở mồm long móng: Các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.

Tai xanh trên lợn: Trong thời gian tới, có thể xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao. Các địa phương cần tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, phát hiện sớm ổ dịch, thực hiện nghiêm các qui định về kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn, tăng cường kiểm soát giết mổ lợn, chủ động ngăn chặn dịch phát sinh và lây lan.

Các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành vi rút Cúm gia cầm, Tai xanh và hướng dẫn sử dụng vắc xin năm 2016 (văn bản số 2151/TY-DT ngày 24/10/2016) và thông báo lưu hành vi rút LMLM và hướng dẫn sử dụng vắc xin năm 2017 (công văn số 2168 /TY-DT ngày 05/10/2017) để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Tin ảnh: Hoàng Anh “ nguồn Chăn nuôi

Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.