Cẩm Mỹ - Xã Sông Ray : noi-dung-tin Cẩm Mỹ - Xã Sông Ray
Chào mừng quý vị đến với Website xã Sông Ray huyện Cẩm Mỹ
Tìm kiếm
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

 

Nội dung

 
Học tập và làm theo phong cách làm việc của Bác Hồ Cập nhật22-12-2023 09:33
Khi nói về phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta có thể nghĩ về phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn lý luận với thực tiễn; phong cách làm việc dân chủ, khoa học; phong cách ứng xử đầy tính nhân văn, tinh tế, hay phong cách sống thanh cao mà giản dị của Người. Với nhiều khía cạnh đa dạng, phong phú của cuộc sống, trong mỗi giai đoạn, chúng ta có thể chọn học Bác, làm theo Bác ở từng giá trị gắn với công việc, cuộc sống của mình.

Câu chuyện này cũng giống như một “bài luyện tập” mà bản thân chúng ta có thể chọn cho mình để nỗ lực rèn luyện - câu chuyện được đồng chí Nguyễn Văn Lưu - Chánh Văn phòng Phủ Chủ tịch từ năm 1945 đến năm 1947 kể lại. Bác thường hay gọi đồng chí Lưu vào cùng với Bác bàn bạc và viết những bài trả lời các nhà báo hoặc vô tuyến truyền hình đến phỏng vấn. Đầu tiên Bác nêu từng vấn đề xem đồng chí giải đáp ra sao, rồi Bác thêm ý kiến và sửa lại. Qua những lần được làm việc với Bác như vậy, hiểu biết về mọi mặt được nâng lên rất nhiều. Những hôm đó, tối về nhà, đồng chí Lưu ôn lại quá trình làm việc với Bác, suy nghĩ lại những ý kiến và lời văn Bác đã uốn nắn, sửa chữa cho mình, tự rút ra những kinh nghiệm cho cách suy nghĩ và cách làm việc, tốt hơn.

Dần dần như vậy, qua một sự kiểm tra rất chặt chẽ mà sau này đồng chí Lưu mới nhận ra, Bác giao cho đồng chí tự viết ra trước, rồi Bác xem lại và sửa. Đến giai đoạn này, đồng chí mới chú ý đến một tác phong rất nghiêm khắc của Bác, đó là yêu cầu chính xác về đánh máy, từng dấu chấm, phẩy, từng câu, yêu cầu đẹp mắt về bố trí trang đánh máy, cách trình bày công hàm hay văn kiện. Đồng chí Lưu vẫn nhớ như in những băn khoăn, dằn vặt khi ngồi trước mặt Bác, thấy Bác trước khi ký văn bản, phải thêm vào một vài dấu chấm, phẩy còn thiếu hay sửa lại một vài lỗi đánh máy mà hôm đó vì đọc vội nên đồng chí để sót. Bác ký xong đưa cho đồng chí Lưu và bảo: “Hôm nay chú đọc lại không được kỹ lắm?”. Nét mặt Bác vẫn hiền hậu và thân mật.

Qua những lần được Bác chỉ bảo, đồng chí Lưu đã luyện thêm được tác phong cẩn thận, nghiêm khắc đối với công việc. Sau một thời gian được Bác dìu dắt trong công tác, từng bước một đồng chí Lưu trưởng thành lên rất nhiều. Có lần Bác giao cho đồng chí viết một công hàm, theo cách đặc biệt mới: Bác nêu yêu cầu, rồi Bác bảo đồng chí đưa giấy có tiêu đề, Bác ký trước vào cuối trang, trao lại cho đồng chí làm và gửi thẳng đi không cần đưa Bác xem nữa.

Câu chuyện ngắn gọn nhưng có nhiều điều để suy nghĩ, rút ra bài học cho bản thân, đầu tiên hết là kỹ năng nắm bắt được phong cách của lãnh đạo để tham mưu các văn bản. Đối với một người mới trong công việc tổng hợp như bản thân, đây là bài học quan trọng và sẽ cần nhiều thời gian để có thể tiến bộ.

Điều thứ hai là kỹ năng viết. Thực tế rất khó có một người vừa viết hay vừa nói giỏi, nếu viết hay thường khi nói lại bị run, nếu nói hay thường lại viết không giỏi mà nghề tuyên giáo thì đòi hỏi phải cả hai. Chính vì vậy, trong suốt quá trình công tác, chúng ta luôn phải đọc nhiều hơn, nghe nhiều hơn, viết nhiều hơn để cải thiện cả hai kỹ năng viết và nói của mình thay vì tập trung vào việc bản thân mình “đã hay chưa?”, “đã giỏi chưa?”.

Điều thứ ba là tuân thủ các quy định về thể thức văn bản, kỹ thuật trình bày. So với thời điểm trong câu chuyện, hiện nay điều kiện để có được một văn bản đẹp về hình thức là rất dễ. Soạn thảo văn bản trên máy có thể chỉnh sửa nhanh chóng không như trước kia viết tay, sử dụng máy đánh chữ nếu sửa nhiều chỉ có thể viết lại hay đánh máy lại từ đầu. Các quy định, hướng dẫn cũng rất rõ ràng và dễ dàng tìm kiếm. Tuy nhiên đôi khi chúng ta giữ làm theo thói quen, “save as” lại để tiết kiệm thời gian và tập trung vào nội dung chuyên môn mà bỏ quên các quy định về thể thức, kỹ thuật trình bày. Trong Hướng dẫn số 36-HD/VPTW đã hướng dẫn về trách nhiệm của các cá nhân: “Cán bộ, nhân viên được giao soạn thảo văn bản có trách nhiệm thực hiện đúng hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản”. Và từ rất lâu, Bác luôn quan tâm đến từng chi tiết “bố trí trang đánh máy, cách trình bày công hàm”. Học Bác không phải chỉ chọn những điều lớn lao hay quá khó, học Bác là dành vài phút trên mỗi văn bản mình soạn thảo để làm cho nó chỉnh chu hơn về hình thức.

Cuối cùng là phong cách góp ý và tiếp thu các ý kiến góp ý. Khi góp ý đồng chí Lưu “nét mặt Bác vẫn hiền hậu và thân mật”, điều đó khiến người nhận được sự góp ý cảm nhận được sự chân thành, tính đóng góp của người đối diện. Và người nhận được các ý kiến đóng góp cũng cần xây dựng cho mình một tinh thần cầu thị, biết lắng nghe, biết tự soi lại mình để ngày một hoàn thiện hơn. Sẽ có những lúc bản thân là người góp ý, có lúc là người nhận những ý kiến góp ý nên chỉ với một chi tiết nhỏ trong câu chuyện cũng là một bài học quan trọng để hình thành nên tác phong của cá nhân trong công việc và cuộc sống.

                                                 Lăng Kim(ST)​

Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.